Giải pháp cơ cấu lại nợ, cho vay mới được xem là chính sách ngắn hạn của ngân hàng được khách hàng chờ đợi
Đã nhiều tháng trôi qua, kể từ khi 55 con lợn của gia đình anh Đặng Văn Đoàn (tổ dân phố 6, thị trấn Cẩm Xuyên) chịu “án” dịch tả lợn Châu Phi, chuồng trại vẫn trống không. Với mức độ lưu trú dai dẳng của loại vi-rút này, anh chưa dám quay trở lại gây dựng cơ nghiệp. Nhưng quan trọng hơn, món nợ cũ 400 triệu đồng đầu tư cho đàn lợn đã bị tiêu hủy, gia đình anh mất khả năng trả nợ ngân hàng.
Anh Đoàn cho biết: “Tôi vay từ năm 2018, theo hợp đồng vay vốn tại Chi nhánh Agribank Cẩm Xuyên thì đến 22/7/2019 là đến hạn trả nợ. Quá trình vay vốn, tôi luôn tuân thủ trả lãi đầy đủ, đúng hạn, đồng thời nghiêm túc thực hiện công tác phòng chống dịch, ai ngờ “trắng tay” khi chưa thu hồi được vốn. Quả thực, nếu không có sự đồng hành của ngân hàng thì không biết vợ chồng tôi xoay sở thế nào để trả lãi nói gì đến gốc 400 triệu đồng”.
Anh Đặng Văn Đoàn sẽ được cơ cấu hạn trả gốc đến 17/1/2020
Ngay từ những ngày đầu hộ nuôi xảy ra dịch, Agribank Cẩm Xuyên đã có mặt, rà soát và đánh giá tình hình thiệt hại, trở thành cơ sở để hỗ trợ người dân khi có những chính sách mới về tín dụng. Theo đó, hộ anh Đặng Văn Đoàn được cơ cấu lại thời gian trả nợ gốc đến 17/1/2020, gần nửa năm so với hợp đồng vay vốn cũ.
Dư nợ lĩnh vực chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn ở Agribank Hà Tĩnh
Theo thống kê của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Tĩnh, hiện tổng dư nợ chăn nuôi lợn đạt 335,31 tỷ đồng, chiếm khoảng gần 1/6 dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, có 10,23 tỷ đồng dư nợ chịu thiệt hại bởi dịch tả lợn châu Phi của 5 khách hàng có lợn chết và ảnh hưởng tiêu thụ. Đợt điều chỉnh thời gian nợ lần này, cùng với anh Đặng Văn Đoàn còn có 2 khách hàng được các ngân hàng “chuẩn y” cơ cấu lại nợ khi đến hạn nhưng mất khả năng trả nợ.
Trong thời gian này, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Tĩnh cũng nhận được kiến nghị của 16 cơ sở chăn nuôi lợn liên quan đến chính sách tín dụng. Những trang trại này mặc dù chưa bị dịch tả lợn châu Phi nhưng lại bị ảnh hưởng trượt giá, gây khó khăn cho việc trả nợ cũng như duy trì sản xuất. Trước mắt, các ngân hàng sẽ giải quyết cho các đối tượng khi đến hạn nhưng mất khả năng trả nợ, đồng thời, tạo điều kiện để khách hàng tiếp cận vay vốn mới. Hiện tại, đã phát sinh thêm 1 khách hàng được cho vay mới với doanh số là 1,5 tỷ đồng.
Giải pháp tín dụng thực sự là "chiếc phao cứu sinh" cho người chăn nuôi Hà Tĩnh
Bà Bùi Thị Huệ - Trưởng phòng Kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Hà Tĩnh cho biết: “Từ đầu năm nay, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát tình hình vốn vay đối với chăn nuôi lợn, kinh doanh thuốc thú y và thức ăn gia súc. Do vậy, các ngân hàng đã rất chủ động trong việc thực hiện các giải pháp, chính sách của ngân hàng cấp trên nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.
Hiện nay, dịch vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục rà soát, tổng hợp và bổ sung kịp thời thiệt hại của bà con chăn nuôi. Trước mắt, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tiếp tục cho vay mới đã đáp ứng được nguyện vọng của người vay vốn”.
Trong điều kiện chăn nuôi lợn vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn thì những giải pháp trong ngắn hạn của các ngân hàng được ví như “chiếc pháo cứu sinh” đến đúng lúc cho người chăn nuôi Hà Tĩnh bước qua chặng đường khó khăn nhất. Về phía ngân hàng, đó cũng là một trong những chính sách tài chính phù hợp với định hướng thúc đẩy và phát triển các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.