Trụ sở xuống cấp nên xã Hương Thủy phải chuyển sang làm việc tại trường học nhưng không có kinh phí tu sửa nên "khổ vẫn hoàn khổ"...
Do trụ sở cũ khuôn viên chật chội, lại xuống cấp nhiều năm nhưng không có kinh phí tu sửa, xây dựng mới nên cách đây gần 2 năm, xã Hương Thủy phải chuyển sang làm việc ở trường THCS của xã (không sử dụng do sáp nhập trường). Để có thể làm việc, xã phải bỏ ra 200 triệu đồng cải tạo dãy nhà tốt nhất cho khối Đảng và đoàn thể. Còn khối ủy ban vẫn phải làm việc trong các phòng học trước đây.
Ông Nguyễn Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND xã Hương Thủy cho biết: “Để đập bỏ dãy nhà cấp 4 cũ, cải tạo dãy nhà 2 tầng cho khối ủy ban làm việc và chỉnh trang khuôn viên thì cần ít nhất 5 tỷ đồng. Điều này nằm ngoài khả năng của xã nên chúng tôi đã làm tờ trình gửi huyện, tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả”...
Hình ảnh tạm bợ, nhếch nhác ở trụ sở làm việc xã Hương Long...
Cũng chung tình cảnh, trụ sở làm việc của xã Hương Long đã được xây dựng cách đây gần 25 năm, không được sửa chữa đồng bộ nên đang chật chội và nhếch nhác. Không đủ phòng làm việc nên bộ phận công an, đoàn thanh niên, cựu chiến binh và một số đoàn thể khác phải chuyển sang nhà ở công vụ của giáo viên trường THCS trước đây. Thế nhưng, các ngành, đoàn thể này vẫn phải làm việc trong các phòng ghép...
Dãy nhà làm việc chính của trụ sở xã Hương Long đã được xây dựng cách đây gần 25 năm nên không đảm bảo công năng sử dụng, cán bộ, công chức phải làm việc trong các phòng ghép...
Ông Nguyễn Quốc Việt - Chủ tịch UBND xã Hương Long cho hay: “Nhu cầu về trụ sở làm việc của chúng tôi là rất bức thiết. Vì vậy, tôi cũng vừa mới ký thêm một tờ trình gửi lên cấp trên đề nghị sớm được quan tâm, bố trí kinh phí xây dựng trụ sở”...
Trụ sở làm việc của xã Hương Trạch cũng trong tình trạng xuống cấp, thiếu phòng, chật chội...
Theo tìm hiểu, hiện trụ sở làm việc của nhiều xã trên địa bàn huyện Hương Khê đang xuống cấp, hư hỏng nặng, như: Hương Đô, Hương Trạch, Phương Mỹ, Hương Bình, Phúc Đồng... Tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm nhưng chưa được khắc phục vì nằm ngoài khả năng của các xã, ngân sách huyện không thể bố trí, ngân sách tỉnh có hạn và không còn thuộc các chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư như trước đây...
Trụ sở làm việc là bộ mặt của mỗi xã, là điểm nhấn của bộ mặt nông thôn mới. Thiết nghĩ, cần phải ưu tiên bố trí kinh phí để xây dựng, sửa chữa các trụ sở làm việc xuống cấp này.