Trước Gorbachev, Andropov từng có kế hoạch cải tổ Liên Xô như thế nào?

Thời gian lãnh đạo Liên Xô của Yury Andropov mặc dù không lâu (từ tháng 11-1982 đến 2-1984), nhưng đáng nhớ. Nhiều người chỉ nhớ đến thời gian cầm quyền của ông bởi việc nâng cao ý thức kỷ luật lao động.

Trước Gorbachev, Andropov từng có kế hoạch cải tổ Liên Xô như thế nào?

Nhà lãnh đạo Liên Xô Yury Andropov. Ảnh: TASS/Eduard Pesov.

Theo đó, dưới thời của ông, người ta tiến hành những cuộc thanh tra đột xuất ban ngày để bắt quả tang và tìm hiểu tại sao những người trên đường phố lại không ở cơ quan trong giờ làm việc. Đến nay, các nhà sử học vẫn chưa rõ việc xử lý như thế nào đối với những người vi phạm kỷ luật lao động khi bị phát hiện bằng cách này, nhưng trong xã hội khi đó những biện pháp này đã tạo ra bầu không khí rất căng thẳng.

Chiến dịch này chỉ kéo dài vài tháng và chấm dứt do nhận thấy quá sai lầm. Thậm chí không rõ ai là người triển khai chiến dịch này, bởi nhà lãnh đạo Liên xô khi đó là Yury Andropov đã rời chức Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) 6 tháng trước Leonid Brezhnev qua đời. Nhưng những người bị cuốn vào guồng quay của chiến dịch này cảm thấy khó tin rằng, Andropov sẽ là một nhà cải cách theo đường lối tự do có tiềm năng. Nói đúng hơn, họ mong đợi nhiều hơn nữa từ việc “siết chặt kỷ cương” của ông.

Andropov vốn không phải là người của Ủy ban An ninh Quốc gia. Giống nhiều nhân vật khác, ông được điều chuyển đến theo lệnh của Bộ Chính trị. Hơn nữa, quá trình bổ nhiệm chức vụ của ông cũng đáng chú ý.

Ngày 6-12-1964, tờ báo “Sự thật” đã đăng bài viết của Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Yury Andropov chỉ trích các nguyên tắc lãnh đạo chung đã được xây dựng. Trong bài viết của mình, ông nói đến sự cần thiết phải mạnh dạn đưa ra các phương pháp quản lý kinh tế hiện đại, khuyến khích dân chủ và tích cực trong đời sống xã hội.

Một đề xuất kín đáo cũng đã được đưa ra nhằm hạn chế quyền hạn của các cơ quan đảng, cùng việc kêu gọi họ tập trung vào các vấn đề chính trị. Bài viết còn đề cập đến tác hại của chạy đua vũ trang, cũng như về sự cần thiết phải mở rộng và tăng cường xuất khẩu hàng hóa của Liên Xô .

Một số người cho rằng, bài báo này đã ảnh hưởng đến Yury Andropov khi vào tháng 5-1967, ông được điều động từ Ban Bí thư Trung ương Đảng sang giữ chức vụ Chủ tịch KGB. Theo nhà sử học Dmitry Churakov, trong thời gian đó, việc sắp xếp lại nhân sự như vậy được cho là giáng chức. Tuy nhiên, thứ nhất, việc này xảy ra hai năm rưỡi sau khi bài báo được đăng.

Thứ hai, ngay sau khi thuyên chuyển thì Andropov đã trở thành Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô. Vậy thì đây liệu có phải là “giáng chức” không? Nhiều khả năng, việc bổ nhiệm này có liên quan đến công việc trước đây mà Andropov từng đảm nhận ở các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa.

Trước đó, năm 1956, ông từng báo cáo cho lãnh đạo Liên Xô về “cuộc bạo động phản cách mạng” diễn ra tại Hungary, khi ông đang làm Đại sứ tại Budapest. Trong 10 năm (từ 1957 đến 1967), ông là Trưởng Ban đối ngoại Trung ương về quan hệ với các Đảng Cộng sản và Công nhân của những nước xã hội chủ nghĩa. Rồi đến các sự kiện diễn ra ở Tiệp Khắc. Trước tình hình đó, khi Liên Xô cần khẳng định lại vị thế lãnh đạo của mình đối với Khối phía Đông, thì Andropov là người phù hợp ở đúng vị trí. Điều này càng góp phần thúc đẩy cho sự nghiệp chính trị của ông. Năm 1973, Andropov chính thức được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô.

KGB đã tạo cho Andropov cơ hội gia tăng ảnh hưởng lên chính sách nhân sự cấp cao. Ông bắt đầu lựa chọn đội ngũ cán bộ địa phương và ê-kíp những nhà cải cách của mình.

Năm 1969, trước làn sóng tố giác nạn tham nhũng, Heydar Aliyev trở thành Bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản Azerbaijan. Năm 1972, Eduard Shevardnadze giữ chức lãnh đạo Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Gruzia. Năm 1977, Yury Andropov điều chuyển Mikhail Gorbachev khi đó còn ít được biết đến về Moscow, người sau đó nhanh chóng trở thành Bí thư trẻ nhất của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Tại Moscow lúc này có một nhóm trí thức là những nhà tư tưởng tương lai cho công cuộc cải tổ, gồm Aganbegyan, Bovin, Shakhnazarov và Abalkin. Tháng 5-1982, khi đã chuẩn bị xong cơ sở vững chắc, Andropov rời ghế người đứng đầu KGB (theo truyền thống, các nhà lãnh đạo của cơ quan này không thể ngay lập tức trở thành Tổng bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô) và chuyển sang giữ chức Bí thư Trung ương Đảng phụ trách vấn đề tư tưởng. Đây là vị trí đứng thứ hai không chính thức trong cấp bậc của Đảng Cộng sản Liên Xô. Tháng 11 cùng năm đó, nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev qua đời.

Tất cả người dân Liên Xô sống ở thời điểm đó đều còn nhớ câu nói của Andropov, một câu nói mà gần như đã trở thành biểu tượng cho những thay đổi sắp tới, hơn là câu nói của Gorbachev về sự bắt đầu “công khai hóa” đối với những người sống sau này. Andropov thừa nhận rằng, người dân Liên Xô hầu như không biết đến xã hội mà họ đang sống.

Một nhân tố mới trong đời sống xã hội và chính trị là việc báo chí Trung ương Liên Xô đưa tin về những vấn đề không được thảo luận trong các cuộc họp của Bộ Chính trị. Chẳng bao lâu sau, người kế nhiệm không chính thức của Leonid Brezhnev là Andrey Kirilenko đã bị loại khỏi Bộ Chính trị, còn Heydar Aliyev trung thành được đưa vào thay thế vị trí của ông. Ban Kinh tế Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô được thành lập do Nikolai Ryzhkov đứng đầu. Một nhân vật kiến tạo khác của công cuộc cải tổ là Egor Ligachev thì giữ chức Trưởng ban tổ chức Trung ương Đảng.

Trong khi đó, trên mặt trận tuyên tuyền cũng có những thay đổi. Ban Khoa học và các Cơ sở giáo dục đại học Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô do Vadim Medvedev đứng đầu, còn giữ chức lãnh đạo Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế là Alexander Yakovlev, người được mệnh danh là “kiến trúc sư cải tổ” Liên Xô dưới thời Gorbachev. Chính Yakovlev là người đã biến Viện này thành đại bản doanh của giới trí thức phương Tây.

Một đòn lớn đã giáng vào nạn tham nhũng trong các cơ quan cấp cao nhất. Điều này đã được nhiều người hoan nghênh. Vụ án lãnh đạo Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Uzbekistan Sharaf Rashidov, người bị buộc phải tự xử bắn, đã trở thành vụ án đặc biệt lớn. “Vòi bạch tuộc” Trung Á này đã nhận đòn đau từ hai điều ra viên là T. Gdlyan và N. Ivanov, những người trở thành “át chủ bài” của Yury Andropov. Bài trừ tham nhũng là một trong những động cơ tư tưởng chính của tân lãnh đạo Liên Xô.

Cùng với đó, Andropov tiếp tục tiến hành một cuộc chiến mạnh mẽ chống lại những người bất đồng chính kiến (một số người cho rằng, trong những năm đó cái gọi là “Đảng Nga” trong Đảng Cộng sản Liên Xô đã bị đánh bại). Chế độ xã hội chủ nghĩa là bất di bất dịch, những cải cách kinh tế không được tiến hành, không có gì giống với “công khai hóa” cả, tầm ảnh hưởng của Liên Xô vẫn không suy giảm, chiến tranh ở Afghanistan vẫn tiếp tục, một chu kỳ mới của Chiến tranh Lạnh nguy hiểm nhất kể từ năm 1962 lại bắt đầu. Vậy làm thế nào để đánh giá tất cả những điều này?

Một số người cho rằng, sau này Andropov sẽ cho những người theo đường lối tự do trong ê-kíp của mình một cơ hội để xoay chuyển tình thế. Trong khi những người khác thì nhận định, bản thân họ đã trở thành “những người theo chủ nghĩa tự do” chỉ dưới tác động của đường lối Gorbachev.

Yury Andropov chắc chắn muốn duy trì sự thống nhất của Liên Xô và Khối phía Đông mà không cần dùng đến bất kỳ sự khoan nhượng cho tự do nào. Ông tin rằng, điều này chỉ có thể được thực hiện nếu kiên quyết đấu tranh chống lại “những lệch lạc xa rời chủ nghĩa xã hội”. Tuy nhiên, ông lại nghĩ rằng, hệ thống Xô viết có khả năng tự chấn chỉnh với “sự quay trở lại của các chuẩn mực Lênin” (Gorbachev cũng từng nói như vậy khi bắt đầu nắm quyền).

Ông muốn xích lại gần với giới cầm quyền phương Tây, nhưng chỉ khi vẫn duy trì “các nguyên tắc bất di bất dịch của chủ nghĩa xã hội”. Thậm chí, Аndropov cũng sẽ không nhượng bộ về mặt kinh tế theo mô hình của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ở điểm này ông khác với nhà cải cách Đặng Tiểu Bình. Đó là một nỗ lực nhằm thay đổi toàn bộ về mặt kỹ trị đối với hệ thống hiện có, thể hiện sự độc nhất vô nhị trong kế hoạch hiện đại hóa Liên Xô của Yury Andropov. Tuy nhiên, lịch sử đã cho ông quá ít thời gian để thực hiện kế hoạch này.

Theo Báo QĐND

Đọc thêm

Tết sớm ở Trường Sa

Tết sớm ở Trường Sa

Khi những chuyến tàu rẽ sóng, vượt hàng trăm hải lý chở hàng tết đến với Trường Sa cùng những yêu thương đong đầy mà đất liền gửi gắm, ấy là lúc quân và dân nơi đây bắt đầu đón tết.
Đề án 06 - cuộc cách mạng chuyển đổi số

Đề án 06 - cuộc cách mạng chuyển đổi số

Sau 3 năm thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), Hà Tĩnh được đánh giá là một trong những địa phương có cách làm hay, ghi dấu ấn, tạo tiền đề quan trọng trong cuộc cách mạng chuyển đổi số.
Có một Trường Sa trù phú giữa trùng khơi!

Có một Trường Sa trù phú giữa trùng khơi!

Vượt hơn 200 hải lý, niềm mơ ước trong tôi về một lần được đặt chân đến quần đảo Trường Sa đã trở thành hiện thực. Trong tầm mắt tôi và các đồng nghiệp, hình ảnh một Trường Sa thân thương và căng tràn sức sống, hiên ngang giữa trùng khơi đã xua tan những mệt mỏi sau một hành trình dài lênh đênh trên biển cả.
Công an tỉnh Bolikhămxay chúc Tết Công an Hà Tĩnh

Công an tỉnh Bolikhămxay chúc Tết Công an Hà Tĩnh

Nhân dịp đón Tết cổ truyền của Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Công an tỉnh Bolikhămxay (CHDCND Lào), Đại tá Khên Von Lo Văn Xay - Phó Giám đốc Công an tỉnh gửi đến cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Tĩnh lời chúc năm mới an khang, thịnh vượng.
Xuân biên cương ấm tình quân dân

Xuân biên cương ấm tình quân dân

Những người lính quân hàm xanh trên hai tuyến biên giới đang có nhiều hoạt động ý nghĩa, trách nhiệm hướng về Nhân dân khu vực biên giới để Tết cổ truyền nơi đây ấm áp, thắm đượm tình quân dân.