Truyền cảm hứng học tiếng Anh cho học sinh nông thôn Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Không còn tình trạng đối phó hay nhàm chán vào mỗi giờ học tiếng Anh, các giáo viên của Trường THCS Thụ Hậu (xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) luôn nỗ lực đổi mới, sáng tạo phương pháp dạy - học ngoại ngữ để học sinh hứng thú với môn học này.

Video: Học sinh THCS Thụ Hậu trong một giờ học tiếng Anh

Những năm học gần đây, em Trần Thị Anh Thư (học sinh lớp 9D - Trường THCS Thụ Hậu) luôn hào hứng đến trường. Ngoài say mê những môn học khác trên giảng đường, điều khiến Anh Thư thích thú hơn cả là những tiết học tiếng Anh đầy thú vị.

Không còn cảm giác nhàm chán hay cảnh đối phó trả bài cho thầy cô, mỗi tiết học tiếng Anh là nơi để em cùng các bạn học tập từ vựng, ôn luyện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết sao cho đúng chuẩn. Thay vì rụt rè, nhút nhát, không dám giơ tay phát biểu thì Anh Thư đã tự tin, mạnh dạn hơn để học tiếng Anh và từ đó, trình độ ngoại ngữ cũng được cải thiện hơn rất nhiều.

Thay vì rụt rè, nhút nhát, nhiều học sinh đã tự tin, mạnh dạn hơn trong quá trình học tiếng Anh.

“Ở trường em thì các tiết học tiếng Anh không hề cứng nhắc mà lại khá thú vị. Tuỳ vào từng chủ đề của bài học mà chúng em trao đổi, thảo luận, phát biểu ý kiến của bản thân chứ không bị gò ép vào một khuôn khổ nào. Học sinh được đóng - nhập vai vào các nhân vật trong từng đoạn hội thoại theo chủ đề, từ đó rèn luyện và có những phản xạ tiếng Anh tốt hơn”- Anh Thư chia sẻ.

Để có được những tiết học tiếng Anh gây hứng thú cho học sinh, từ năm học 2018-2019, Trường THCS Thụ Hậu đã triển khai các chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong giờ học ngoại ngữ. Chú trọng rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết ngay trong từng tiết dạy học môn tiếng Anh. Các giáo viên ngoại ngữ tăng cường bài giảng, thay đổi giáo án theo hướng đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu và phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Học sinh đóng - nhập vai vào các nhân vật trong từng đoạn hội thoại theo chủ đề, từ đó có thể rèn luyện và có những phản xạ tiếng Anh tốt hơn

Để tạo sự hứng thú học tập cho học sinh và đạt kết quả cao, các thầy cô giáo trong tổ Ngoại ngữ của Trường THCS Thụ Hậu đã cùng xây dựng, thiết kế chương trình dạy học hấp dẫn, sinh động.

“Một trong những hạn chế của học sinh vùng nông thôn chính là ít có cơ hội giao tiếp với người bản xứ, vì vậy chúng tôi khai thác toàn bộ tài nguyên trên mạng Internet, kênh Youtube... để rèn luyện khả năng nghe, nói của các em. Mỗi buổi thảo luận, chúng tôi giao chủ đề cho các em tự chuẩn bị, thực hành tự do nhằm tạo sự tự tin trong giao tiếp. Chính sự háo hức làm những điều mình thích đã hỗ trợ rất nhiều cho việc học tiếng Anh của các em” - Thầy Phạm Bá Phong, Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ cho biết.

Các giáo viên còn kèm cặp, hỗ trợ phụ đạo học sinh yếu

Để tổ chức một giờ học tiếng Anh, giáo viên thường chọn những trò chơi ngôn ngữ phù hợp, chia ra thành nhiều nhóm nhỏ để rèn luyện kỹ năng cho học sinh. Nhờ tích cực đổi mới sinh hoạt chuyên môn, phương pháp dạy học nên 2 năm học qua, những tiết học thao giảng quy mô cấp huyện của nhà trường luôn được các trường học trên địa bàn quan tâm, học hỏi.

Những chủ đề về môi trường, thể thao, âm nhạc... xen lẫn trong các hoạt động ngoại khoá khiến cho môn ngoại ngữ “khó nhằn” này trở nên gần gũi, thích thú hơn với các em học sinh nông thôn

Thầy Đặng Hữu Tường - Hiệu trưởng Trường THCS Thụ Hậu chia sẻ: “Để kích thích sự ham học, không né tránh, nhiều năm qua nhà trường đã thành lập các CLB tiếng Anh, tổ chức các chương trình tiếng Anh quy mô cấp huyện cho các em học sinh. Sau mỗi tiết chào cờ, các em sẽ được sinh hoạt ngoại ngữ, kể về những câu chuyện hàng ngày hoặc ca múa hát bằng tiếng Anh.

Những chủ đề về môi trường, thể thao, âm nhạc... xen lẫn trong các hoạt động ngoại khoá khiến cho môn ngoại ngữ “khó nhằn” này trở nên gần gũi, thích thú hơn với các em học sinh nông thôn”.

Chủ đề Hà Tĩnh 24h

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói