Phong trào bắt nguồn từ giáo viên lớp 1 có tên Zelene Blancas ở trường tiểu học Dr. Sue Shook, thuộc thành phố El Paso, bang Texas, Mỹ với sáng kiến rất thú vị để có thể gắn kết các em và thầy cô lại với nhau là để bọn trẻ tự lựa chọn hình thức chào hỏi với giáo viên qua những hình ảnh được dán ở cửa lớp. Nhờ đó, bọn trẻ không còn chán ghét đến trường nữa, thậm chí còn tỏ ra vô cùng hào hứng khi nghe thấy tiếng chuông bước vào giờ học.
Không còn những màn chào hỏi miễn cưỡng, tại Trường Mầm non Trí Đức, các em nhỏ đã được tự tin lựa chọn cách chào hỏi với giáo viên theo sở thích của mình.
Cách làm độc đáo ấy đã trở thành hiện tượng và được nhiều thầy cô tại Hà Tĩnh áp dụng. Tại Trường Mầm non Trí Đức (TP Hà Tĩnh), các giáo viên đã đưa ý tưởng này vào lớp học của mình để học sinh thực hiện.
Theo đó, giáo viên tại Trường Mầm non Trí Đức đã sử dụng các hình ảnh để đón bé từ 3 - 6 tuổi vào lớp học của mình.
Những bạn nhỏ Trường Mầm non Trí Đức nối đuôi nhau thành một hàng dọc để sẵn sàng chọn “menu” hành động cảm xúc với giáo viên.
Phá cách hơn một chút, các cô đã nghĩ ra một số chủ đề khác trong “menu lựa chọn” cho các bé như: Ôm hôn, đập tay, thả tim, nhún nhảy, fist bumb (một kiểu chào của đàn ông Mỹ, dùng hai nắm đấm chạm vào nhau)...
Các bé sẽ xếp hàng ngay ngắn trước cửa lớp. Lần lượt từng bé một sẽ chọn hình ảnh minh họa cho một hành động bất kỳ được dán trên tờ giấy ở cửa lớp. Tiếp đến, bé sẽ thực hiện động tác đó với chính cô giáo mình.
Những cái ôm siết chặt đầy ấm áp trước khi vào lớp để bắt đầu một ngày học tập, vui chơi đầy hứng khởi.
Cô Nguyễn Thị Nhung (Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Trí Đức) chia sẻ: “Qua những màn chào hỏi vui nhộn, tươi vui vào mỗi buổi sáng đã nhận lại được sự tương tác tích cực, khiến cho trẻ hứng khởi với việc học hơn. Để hướng tới lớp học hạnh phúc không phải là điều gì quá to tát mà ở chính từ những điều trẻ thích, do đó mọi hành động giữa cô và trò diễn ra hết sức tự nhiên”.
Tại trường Mầm non quốc tế Trung Kiên đã áp dụng, sáng tạo thêm những hành động yêu thương cho các bé thoả sức lựa chọn.
Áp dụng chương trình “Vòng tay yêu thương” được hơn 2 tháng nay, mỗi buổi sáng tại Trường Mầm non quốc tế Trung Kiên (TP Hà Tĩnh) luôn tràn đầy tiếng cười và tình yêu thương.
Không còn mè nheo, nhõng nhẽo khi rời vòng tay của bố mẹ, những đứa trẻ chỉ hơn 3 tuổi nhanh chóng đập tay lên cửa lớp chào cô theo cách khác biệt rồi vui vẻ chạy vào lớp cùng các bạn.
Tại mỗi lớp học, các bạn nhỏ sẽ được áp dụng những cách thể hiện chào hỏi khác nhau như đi vòng tròn, kề má... để tương tác lại với giáo viên của mình. Không quá khó khăn và cũng không hề tốn kém chi phí, những màn chào hỏi sáng tạo, thú vị này không chỉ để lan toả tình yêu của giáo viên đến học sinh mà còn là cách để chính các em nhỏ truyền năng lượng, niềm vui đến cho “người mẹ thứ 2” của mình.
Mỗi bé sẽ chọn một hành động ưa thích của bản thân. Các bé nam thường chọn những cái bắt tay, fist bumb mạnh mẽ còn các bé gái sẽ chọn những cái ôm hôn, nhún nhảy ấm áp, vui vẻ.
“Các bạn nam thì thường chọn những cái đập tay, fist bumb mạnh mẽ trong khi các bạn nữ thì thường chọn những cái ôm ấm áp, tình cảm. Và sau mỗi hành động cảm xúc theo ý thích thì các bé còn ôm hôn cô giáo, thủ thỉ vào tai cô những lời nói tình cảm. Chính điều đó khiến bản thân những người nuôi dạy trẻ như tôi cảm thấy hạnh phúc, yêu nghề, yêu trẻ hơn rất nhiều” - Chị Nguyễn Thị Diệu Linh (Giáo viên trường Mầm non quốc tế Trung Kiên) tâm sự.
Qua những màn chào hỏi đặc biệt đầy yêu thương này, không chỉ các cô giáo lan toả tình yêu đến các con trẻ mà chính các bé cũng truyền năng lượng, niềm vui cho “người mẹ thứ 2” của mình.
“Qua những hành động yêu thương mà con nhận được mỗi ngày ở trường với thầy cô, bạn bè thì khi về nhà con đã tự tin hơn, thường xuyên yêu cầu được thể hiện tình cảm với ông bà, bố mẹ hơn. Hi vọng rằng, xen kẽ giữa các chương trình học thì sẽ có thêm thật nhiều những hoạt động như vòng tay yêu thương để cô trò gần gũi nhau, các con được vui chơi, cọ xát với nhau để từ đó phát triển tư duy nhanh nhẹn, vui vẻ hơn” - Chị Nguyễn Thị Lan Anh (phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) chia sẻ.
Sở dĩ nhiều người ủng hộ cách làm này là bởi đây là cách có thể kết nối tự nhiên giữa cô và trò trong trò chơi nho nhỏ nhưng ý nghĩa lớn đó. Từ việc chạm tay, cái ôm… tất cả khiến tình cô trò thêm ấm áp, và các bé sẽ có một ngày đi học vui vẻ và từ đó dễ dàng lan toả những lớp học, trường học hạnh phúc.