Truyện ngắn: Đường về nhà

(Baohatinh.vn) - Tôi bú no sữa rồi nằm cuộn trong cái túi ngủ màu xanh được dệt bởi những sợi len lông cừu mịn màng. Đó là món quà đầu tiên trong đời của tôi. Ngoài tay mẹ ra, đó là nơi tôi cảm thấy thân thuộc, gần gũi và an toàn.

Khi bận rộn một việc gì đó, mẹ thường đặt tôi nằm ngay trên tấm phản kê sát bên cửa sổ. Đó là nơi đầu tiên nắng và gió lọt vào trong căn nhà chúng tôi. Những lúc như thế tôi làm bạn với bầu trời. Tôi rong ruổi theo những đám mây màu rám cá hồi lộng lẫy, lơ lửng trôi trên khúc nhạc du dương nào đó từ mặt đất vọng lên.

Truyện ngắn: Đường về nhà

Tôi thường rong ruổi theo những đám mây màu rám cá hồi lộng lẫy, lơ lửng trôi trên khúc nhạc du dương nào đó từ mặt đất vọng lên. Ảnh: Internet

Có khi tôi nhìn ra nó là ổ trứng tròn, khi là con cá quẫy đuôi, khi là cái cây, khi lại là hình thù như thác nước, như hang động, như con thú… kỳ thật những thứ đó tôi chưa từng thấy bao giờ nhưng hình như nó cứ lặp đi lặp lại trong tôi nhiều đến nỗi mỗi lần nhìn ra bầu trời là tôi nhìn thấy được. Đó là bí mật, mãi mãi là bí mật tuyệt mỹ của tôi với bầu trời miền Nam.

- Giá mà lúc ấy mình liều đi thì đã ra khỏi thành phố - mẹ tôi ngậm ngùi nói khi đón bát mì còn lại trong nhà mà bố tôi vừa pha - Mai này không biết ăn gì…

- Thôi ăn đi cho con có sữa - giọng bố rất nhỏ - Thể nào chút nữa cũng có đồ cứu trợ đến. Còn đi hay ở thì phải để xem tình hình mai này TP Hồ Chí Minh như thế nào đã rồi mình tính tiếp.

Trong giấc ngủ chập chờn tôi đã nghe những lời lo lắng bất an của mẹ khi nói chuyện cùng bố. Tôi lờ mờ nhận ra, hình như chúng tôi đã bị kẹt lại ở thành phố này.

Tôi chưa bao giờ hình dung chúng tôi lại bị cô lập trong chính thành phố sôi động này. TP Hồ Chí Minh là ước mơ của bao người muốn đến. Bố mẹ tôi cũng từng thế, họ vượt một chặng đường dài hàng nghìn cây số, hăm hở rời xa quê hương, chấp nhận mọi khó khăn, vất vả với hy vọng đổi đời.

Tôi đã quá quen với những ồn ã của phố xá khi còn trong bụng mẹ. Từ tiếng lanh canh bát đũa trong một nhà hàng sang trọng trên phố Nguyễn Huệ đến tiếng rao đêm bánh mì thịt nướng nơi lối rẽ vào xóm Vườn Ổi và cả những ái ngại khi mẹ bước về căn nhà trong cái xóm nhà lá tồi tàn nổi dập dềnh trên dòng kênh đen ngòm ngập mùi xú uế.

Tôi có cảm giác những lúc ấy mẹ như khựng lại, một tay bịt kín khăn ở mũi miệng, một tay đỡ xuống cái bụng to lùm có tôi, bởi nếu lỡ trượt ngã xuống kênh chắc chúng tôi sẽ chết ngạt vì mùi nồng nặc đó. Khi an toàn bước qua cánh cửa, mẹ lại nói với bố mỗi câu như mọi ngày: “Khi mô cho đủ tiền mà dọn đi nơi khác anh hè?”.

Điều ước đó đã theo suốt tôi những tháng ngày trong bụng mẹ cho đến khi đến Bệnh viện Từ Dũ. Mẹ đẻ mổ. Khoản tiền tích cóp thuê nhà của chúng tôi đã bị ba tháng dịch dã ngấm ngầm ngốn hết. Tôi nghe tiếng bà Tư béo vừa chạy, vừa thở hổn hển trong hành lang bệnh viện: “Tội cái thằng. Đưa vợ đi đẻ mà trong túi không có nổi cắc bạc”, là biết thể nào rồi tôi cũng không thoát khỏi cái xóm đầm lầy.

Vậy mà đi. Cuối cùng sự kiên nhẫn của bố cũng chạm đến giới hạn. Tôi không biết dịch bệnh nó có hình thù như thế nào nhưng cái chết bất ngờ không báo trước của bà Tư béo khiến mẹ gần như hoảng loạn và mất sữa. Bà Tư béo chỉ có một mình. Hai nhà chung nhau một cái cầu tre hình chữ y chõe ra hai bên. Mỗi lần có chuyện gì, bà hay bố mẹ tôi đều đứng ngay cửa sổ gọi vọng sang cho thật lẹ. Mới mấy hôm trước bà Tư còn buộc túm đồ ăn được phát qua cái gậy thòng sang cho mẹ tôi. Thế mà sáng nay, vừa mở mắt, cả nhà tôi đã thấy một đám người mặc đồ bảo hộ hớt hải đi vào nhà bà Tư phun khử khuẩn. Mẹ tôi níu chặt cửa sổ gào khóc. Bố tôi ngồi rũ xuống lặng người.

Truyện ngắn: Đường về nhà

Tôi không quấy khóc dù sữa mẹ lúc nào cũng ngậy mùi mì tôm và không nhiều như mọi ngày. Minh họa: Internet

Tôi không quấy khóc dù sữa mẹ lúc nào cũng ngậy mùi mì tôm và không nhiều như mọi ngày. Tôi hiểu, đến giờ phút này, đến cái ăn giản dị đó, bố mẹ tôi vẫn phải nhường cho nhau thì làm sao tôi có thể mơ được nước sữa ngọt lành như những hôm mẹ được ăn cháo chân giò hầm thuốc bắc.

Thành phố ồn ào, náo nhiệt và no đủ với cơ man đồ ăn thức uống là vậy mà giờ như đóng băng. Không có gì ngoài sự tĩnh lặng. Mỗi ngày trôi qua, tôi có thể nghe được cả tiếng chuột chạy dưới gầm giường, tiếng gió thốc qua mái tôn và cả tiếng cầu tre cót két khi có ai bước qua trên bờ kênh đen đặc.

Rồi rất lâu sau trong sự tĩnh lặng đó, tôi lại được nghe thấy tiếng người ồn ào, rạo rực của một con phố. Tin TP Hồ Chí Minh sẽ gỡ bỏ chốt chặn và rào chắn làm cả người và phố như bừng tỉnh. Bố tôi cuống cuồng gọi mẹ con tôi: “Đi thôi, về nhà…”.

Chúng tôi ra đi trong đêm tối. Gia tài không có gì ngoài hai chiếc bì tải được cột sẵn sàng sau dàn xe và một chiếc làn nhựa đựng bỉm sữa được đặt lên trên. Tôi nằm yên khi mẹ ấn lên trán tôi một vệt nhọ nồi. Mẹ làm xong nghi thức cuối cùng ấy trong căn nhà của chúng tôi rồi bế tôi đi. Tôi nhìn qua vai mẹ, những liếp nhà liêu xiêu nép vào nhau trong xóm Vườn Ổi dần xa khiến tôi bồi hồi. Làn gió nóng hâm hấp thổi từ bờ kè vào một mùi khú khắm nhưng tôi không còn thấy khó chịu nữa vì thật lòng, tôi rồi sẽ có ngày thương nhớ đến nó.

Truyện ngắn: Đường về nhà

Đường về nhà. Minh họa của Huy Tùng

Quê hương là gì mà khi cùng đường người ta lại muốn về? Tôi đã tự hỏi mình như vậy khi chen giữa hàng nghìn người nơi cửa ngõ thành phố. Tôi nằm trong vòng tay mẹ, mẹ ngồi dán chặt trên yên xe còn bố tôi cầm lái, hai chân đạp xuống đường cố nhích lên từng tí một giữa đám đông nghìn nghịt. Sau vài tiếng như bị cô đặc trong phố xá oi bức, xe chầm chậm lăn bánh. Tôi đã bắt đầu cảm nhận được hơi gió thổi vào má tôi qua tấm khăn bóng bay trùm đầu. Tôi như đang ở trong một trạng thái lâng lâng khi được chạy trên đường nhựa rộng rãi, trải dài tít tắp. Chúng tôi ngược đường ra Bắc.

Chúng tôi băng qua bao triền dốc, bao con đèo, bao khúc cua tay áo. Thấy cánh rừng vào thu lác đác có những cây trút lá vàng, thấy những bãi cát trắng trải dài tít tắp, những hàng dương và cả mặt biển xanh rầm rì sóng vỗ, những vì sao le lói trên bầu trời đêm tối thâm thẫm… Hóa ra thế giới này rộng lớn hơn hàng vạn lần cái ô cửa nhỏ hẹp trong căn nhà nơi xóm Vườn Ổi mà tôi, bố mẹ tôi đã từng lưu trú lại với hy vọng đổi đời từ đó.

- Hôm bữa em gọi điện về nhà, bà bảo nhà còn mấy ha đất rừng bỏ hoang, thôi thì về, không giàu nhưng cũng không đến nỗi chết đói - Bố tôi nói vậy.

- Không ai ngờ được tình thế này. Chú còn có đất, có rừng, anh đây giờ về cha mẹ không còn, đất đai không, giờ về đang không biết đâu mà tính…

- Anh có tay nghề mà. Một thợ máy lành nghề như anh lo gì không có việc. Quê mình anh cũng thấy rồi đó, có biết bao nhà máy đang được xây dựng lên - bố tôi cười - Hay anh cùng về với em, chúng ta sẽ làm lại từ đầu, có anh, có em, khó khăn nào chẳng vơi...

- Ừ, để anh tính…

Tôi đã nghe rõ cuộc trò chuyện đầy hứa hẹn của bố tôi và bác Lẫm - một người đồng hương thân thiết với gia đình tôi ở TP Hồ Chí Minh. Tôi tự nhiên thấy so đo thiệt hơn. Bố tôi đang còn đất, còn rừng để trở về, còn bác, đã gần 20 năm trụ lại miền Nam giờ trở về quê hương e chừng sẽ rất nhiều bỡ ngỡ. Nhưng một niềm tin thơ trẻ nói với tôi rằng, làng chẳng bao giờ phụ người, chẳng bao giờ bỏ người...

Đoàn chúng tôi về đến khu cách ly chỉ còn lại mười gia đình. Về đến đây, nghe giọng nói quê mình, đón nhận bao ân tình chia sẻ của đồng bào, ai cũng cảm thấy như đã thực sự được trở về nhà, gặp lại người thân. Tất cả đều chung tâm trạng háo hức, bồi hồi. Bố tôi mở cuốn sổ ghi nhật trình, ghi lại tên tuổi, số điện thoại hết thảy những nhà cùng trở về để sau này còn liên lạc.

- Thằng Núi sướng nhé! Ngày mai lại được về với núi đồi, tha hồ chạy nhảy - giọng bác Lẫm nói với vào trong cuộc điện thoại gọi cho mẹ tôi trong đêm cuối cùng ở khu cách ly.

Đêm đó, chúng tôi, những gia đình đã cùng nhau vượt qua bao khó khăn, thử thách đã không thể ngồi lại cùng nhau nhưng dường như ai cũng cảm nhận được tâm tư của nhau. Tất cả rồi sẽ nhớ mãi chuyến hồi hương lịch sử của cuộc đời mình. Trong đoàn chúng tôi, rất nhiều người mong muốn được ở lại quê nhà, được trồng cây, đánh cá, được trở thành những công nhân trong các nhà máy trên chính quê hương mình…

Truyện ngắn: Đường về nhà

Ngày mai, chúng tôi sẽ bắt đầu một cuộc sống mới. Từ một căn nhà bé con, một khu vườn tít tắp và góc sân nhỏ - nơi tôi tập lớn hằng ngày… Ảnh: Internet

Cơn ngủ sâu êm ái đến nỗi tôi không biết bố mẹ tôi đã băng qua bao cột mốc, bao cây cầu, dòng sông, bao khúc cua, mé núi… để về đến trước ngõ nhà mình, cho đến khi hơi nước sả thơm lừng làm tôi thức giấc. Vậy là tôi đã về nhà. Tôi nằm ngửa dưới tay bà tôi, ngâm mình trong chậu nước thơm ấm nồng tình quê hương.

Tôi cảm nhận được nước chảy dịu êm lên da thịt và bàn tay mẹ miết lên từng ngón tay, kẽ chân như gột đi bao bụi đường, vỗ lòng tôi những tiếng reo vui sảng khoái vô tận. Mọi người vây quanh tôi cùng cười. Tôi như cây con hứng khởi đón lấy mọi tin yêu, đẹp đẽ của cuộc đời này. Cuộc sống là vậy, dẫu có bao trúc trắc, buồn đau hay thất bại thì rốt cuộc những thứ đó cũng không ở mãi với chúng ta khi chúng ta không ngừng tin yêu và hy vọng.

Ngày mai, chúng tôi sẽ bắt đầu một cuộc sống mới. Từ một căn nhà bé con, một khu vườn tít tắp và góc sân nhỏ - nơi tôi tập lớn hằng ngày…

Chủ đề Sáng tác Văn học Nghệ thuật

Đọc thêm

'Săn' mai anh đào nở sớm

'Săn' mai anh đào nở sớm

Thời điểm này, trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, người dân và du khách đã bày tỏ sự vui mừng khi hoa mai anh đào đã bắt đầu nở rộ tại khắp các vùng ngoại ô TP Đà Lạt.
Kịch bản 'Táo quân 2025' bị lộ?

Kịch bản 'Táo quân 2025' bị lộ?

Theo bảng phân vai "Táo quân 2025" được NSƯT Chí Trung đăng tải, buổi chầu năm nay của các Táo sẽ thay bằng hình thức cuộc thi.
Podcast truyện ngắn: Hơi ấm đêm xuân

Podcast truyện ngắn: Hơi ấm đêm xuân

Tim tôi như đứng lặng trong lồng ngực. Cớ gì mọi thứ lại trùng hợp đến vậy. Tôi khẽ nhìn khuôn mặt anh Ba qua kính chiếu hậu, thấy anh hiền, chân chất, lương thiện, nhân hậu như má, như ba...
VTV tung những hình ảnh đầu tiên về 'Táo quân 2025'

VTV tung những hình ảnh đầu tiên về 'Táo quân 2025'

Mới đây, chương trình "VTV Kết nối" đã thực hiện phóng sự đột nhập phòng tập "Táo quân" lúc nửa đêm. Các nghệ sĩ Chí Trung, Quang Thắng, Vân Dung... cũng có những chia sẻ đầu tiên về chương trình.
Podcast tản văn: Mùi của tết

Podcast tản văn: Mùi của tết

Những ngày cuối đông, tiết trời hao hao rét. Giữa khung cảnh ngược xuôi tấp nập của phố phường, ta thoảng nghe trong gió lạnh một mùi vị rất quen thuộc...
Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Vui bốn mùa

Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Vui bốn mùa

Tiết mục Vui bốn mùa (dân ca quan họ Bắc Ninh lời cổ), phối khí: NSƯT Quang Hưng, biên đạo: NSƯT Khánh Toàn, do Đoàn nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Hoa muộn

Podcast truyện ngắn: Hoa muộn

Bên trong vẫn ồn ào náo nhiệt, ngoài này tĩnh lặng bất thường. Chú nắm tay Thụy, ấm áp và yêu thương. Đêm bỗng nở hoa. Muộn mằn nhưng nồng nàn...
Podcast: Bức họa tháng Chạp

Podcast: Bức họa tháng Chạp

Thế là tháng Chạp đã trở về trong sự dùng dằng của đất trời buổi cuối đông. Lòng người vào Chạp cũng trở nên khác lạ với những hối hả để gói ghém lại một năm dài, với những chậm rãi, níu kéo trong sự ươm ủ đón chờ năm mới…
Podcast truyện ngắn: Chiếc khăn xanh

Podcast truyện ngắn: Chiếc khăn xanh

Tôi không biết điều kỳ diệu nào đã giữ bà tôi gắng gượng ở lại đón cái Tết cuối cùng với gia đình năm đó. Nhưng mãi về sau này, trên những hành trình xuôi ngược, tôi luôn giữ bên mình chiếc khăn len màu xanh bà trao cho tôi ngày ấy...
Podcast tản văn: Có hẹn với mùa xuân

Podcast tản văn: Có hẹn với mùa xuân

Nỗi nhớ bỗng thắt chặt ngực tôi lúc này khi chợt nhận ra, đã bao nhiêu năm mình lỗi hẹn, đã bao nhiêu cái Tết cứ vội vã trở về để rồi lại vội vã đi...