Truyện ngắn: Mùa xuân trên bản Tà Phèng

(Baohatinh.vn) - Bản Tà Phèng cuối mùa đông, ánh nắng le lói xuyên qua lớp mây mù từ phía đằng Đông, ánh sáng trải tia nắng vàng vọt ấm áp xua tan đi lớp sương mù loãng tan ra. Những ngọn núi suốt cả mùa đông ẩn sau lớp sương mù âm u thì nay đã hiện ra trùng điệp màu xanh. Những mái nhà sàn nhấp nhô tựa dưới thung xa, người dân bản tấp nập chợ sáng sặc sỡ áo hoa. Mùa xuân sắp đến.

Truyện ngắn: Mùa xuân trên bản Tà Phèng

Ảnh minh họa: internet

1. Ở nơi cao nhất của bản Tà Phèng, đơn vị biên phòng lập lán chỉ huy tăng cường. Ở nơi đây, trên ngọn Tà Pùa, cây cối mọc thấp, đứng trên mỏm đá mồ côi chênh vênh mé đồi phóng tầm mắt là có thể quan sát cả một vùng rộng lớn. Già làng bản Tà Phèng bảo, năm xưa, chiến tranh bom Mỹ đã cày xới nơi đây, những cây rừng cổ thụ ngùn ngụt cháy. Bom Napan đã thiêu đốt cả vạt rừng nguyên sinh. Gần nửa thế kỷ trôi qua, ngọn Tà Pùa chỉ còn những lùm cây mọc lưng chừng xấp xỉ ngang vai người. Người dân bản Phèng ai cũng biết, muốn sang nước bạn Lào thì phải qua đây, trèo lên ngọn Tà Pùa, men theo lối mòn mà tụt xuống thung sâu, bên kia đã là nước bạn.

Người đàn ông ngược con đường dốc đi lên trại gác A2. Ông đứng nhìn ngọn quốc kỳ tung bay trên chiếc lán lợp bằng lá cọ, đưa mắt nhìn quanh một lượt rồi bước vào lán. Người đàn ông ấy là Đại tá Lâm - Chỉ huy Đồn Biên phòng Tà Phèng.

- Chào đồng chí Tuấn!

- Ôi! Chào thủ trưởng.

- Các đồng chí khác đâu rồi đồng chí?

- Báo cáo thủ trưởng. Các đồng chí ấy đang đi tuần tra ạ. Chúng tôi vừa nhận được thông tin có một nhóm người từ bên kia nước bạn đang tìm cách vượt biên qua đây ạ.

- Các đồng chí làm tốt lắm.

Đại tá Lâm đưa mắt nhìn quanh. Ông nhớ lại, chỉ mấy tháng trước, nơi đây chỉ là một dải đất hoang vu, vậy mà từ khi lập trại đến nay, anh em chiến sỹ đã dọn dẹp khai quang đẹp đẽ hẳn lên. Lán trại nằm giữa vạt đất bằng phẳng, anh em chiến sĩ còn trồng được cả rau sạch, tăng gia lợn, gà. Vị đại tá đứng dậy bước tới gần một giò hoa lan rừng, ông ngắm nghía từng cánh hoa còn ngậm sương. Rồi quay về phía Tuấn, giọng nói ông nhẹ nhàng, tình cảm:

- Tuấn này! Mình có tin vui cho cậu đấy!

Tuấn rót nước mời thủ trưởng. Anh hỏi:

- Em có tin vui ạ?

- Ừ! Cậu sắp được chuyển công tác về xuôi rồi đấy. Mình có mang quyết định theo đây. Từ nay về dưới ấy được gần gia đình vợ con rồi. Chúc mừng cậu nhé!

- Em cảm ơn thủ trưởng ạ. Bao giờ hả anh?

- Ngay tháng sau nhận công tác mới đấy.

- Vâng... nhưng... - Giọng anh chùng xuống.

- Cậu có điều gì muốn nói phải không?

- Dạ! Báo cáo anh, hiện giờ tình hình dịch bệnh đang căng. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang đồng lòng ra sức chiến đấu chống lại dịch bệnh. Anh cũng biết đấy! Tình hình vượt biên trái phép, rồi các nhóm tội phạm vận chuyển hàng lậu, hàng trái phép đang tăng, diễn biến phức tạp. Bản thân em gắn bó với nơi đây đã lâu nên em hiểu rừng, thuộc các lối tiểu mạch cũng như thủ đoạn của đám buôn lậu... Em... dạ... thủ trưởng có thể báo cáo cấp trên nguyện vọng của em là muốn ở lại cho hết năm nay cùng anh em rồi sẽ nhận quyết định luân chuyển sau được không ạ?

Đại tá Lâm lặng cười tiến lại gần Tuấn, ông biết ngay thể nào Tuấn cũng nói ra điều mà ông đang nghĩ trong lòng. Đôi mắt người thủ trưởng hiện rõ vẻ xúc động. Ông đặt bàn tay lên vai Tuấn bóp nhẹ, cử chỉ thân tình và cảm mến người đồng chí, đồng đội đã cùng ông gắn bó bao năm trên miền sơn cước. Cảm xúc này, ông đã từng trải qua, đã từng băn khoăn, vui mừng lẫn hồi hộp khi nhận được thông báo luân chuyển công tác những năm về trước.

- Quyết thế nhé! - Rồi như sực nhớ ra, đại tá tiếp lời - À! Tớ có mua được của đồng bào mấy lít mật ong rừng. Cưa đôi nhé, tớ lấy nửa, còn một nửa tớ gửi cậu, bao giờ về quê biếu các cụ.

- Vâng ạ! Em cảm ơn thủ trưởng!

Truyện ngắn: Mùa xuân trên bản Tà Phèng

Minh họa của Huy Tùng.

2. Thằng Leng lầm lũi đi trong sương sớm. Khuôn mặt lấm lem bụi đất quyện sương đọng trên lá nơi nó đi qua. Từng chiếc lá mua rừng, lá dương xỉ lướt qua má nó tê tê, lành lạnh. Bàn chân trần bước đi nhẹ nhàng như con báo, nó luồn lách đi qua những khe đá của hang sâu như con trăn lựa mình trườn qua đám cỏ. Cái con đường này ngày nào nó cũng đi qua, với bao tải hàng vắt trên vai.

Nó vừa đi, vừa nhẩm tính số tiền công được bà Lò trả nó. Mỗi chuyến băng rừng vác hàng, nó được trả đến năm chục nghìn đồng. Số tiền không lớn lắm, nhưng bù lại nó đi nhiều nên mỗi tháng cũng kha khá tiền để nuôi cái thân. Bây giờ thì nó khôn hơn, đòi hỏi tiền công cao hơn một chút bởi vì vác hàng qua biên giới là phạm pháp. Người lớn như các ông Pồ, ông Lầu đi vác hàng bị bộ đội biên phòng bắt hết. Leng nhớ lại cái ngày nằm chèo queo bên chái quán nhà bà Lò.

- Này Leng... Mày muốn kiếm cái ăn không? Muốn kiếm cái ăn thì phải biết kiếm cái tiền.

Bà Lò mở chiếc bao đụt buộc ngang chiếc bụng tròn lẳn, thò tay lôi ra mớ tiền cầm lên tay dứ dứ trước mặt Leng.

- Tiền đây, có tiền thì mua được cái ăn, cái bánh kẹo. Mà muốn có tiền thì phải đi làm.

- Làm gì để có tiền?

Nó tròn xoe đôi mắt ngạc nhiên. Nó cũng thích có tiền lắm, nếu tiền mua được cái ăn như bà Lò nói. Bởi lâu nay nó chỉ chờ người ta cho cái ăn. Hoặc khi đói thì đi vào rừng đào cái củ, bẻ trộm bắp ăn như con khỉ xám. Bà Lò kéo nó vào quán, lôi ổ bánh mì đưa cho nó. Ánh mắt nó hơi nghi ngờ: có bao giờ bà Lò tốt thế đâu. Nhưng cho thì cứ ăn cái đã, Leng cầm ổ bánh mì, xé một miếng đưa lên miệng, vị bánh mì thơm, hơi dai và khô, nhưng nước miếng nó đã tứa ra. Lần đầu tiên nó được ăn bánh mì. Thơm ngon thật đấy. Bà Lò còn lấy hộp sữa nhỏ xé ra đẩy về phía nó, giọng điệu ân cần, nhẹ nhàng:

- Chấm nó vào cái này nè.

Nó chưa bao giờ được thấy cái thứ cũng gọi là sữa được đóng hộp ngon ngọt đến tê lưỡi như vậy. Bởi từ khi Leng sinh ra thì xung quanh chẳng có ai thân thích. Leng như con sói hoang trong rừng già thâm u này vậy. Cứ dựa vào núi đồi mà sống, đói thì cái gì cũng vơ vội mà cho vào mồm. Còn giờ đây nó được ăn bánh mì chấm sữa. Chỉ cần no cái bụng, ngon cái miệng thì làm gì chả được.

Từ đấy Leng vào nghề vác hàng lậu. Đôi bàn chân Leng lách qua phiến đá hẹp, bao hàng cọ vào cành cây, phiến đá soàn soạt. Vào hẳn trong hang, cậu nhẹ nhàng thả bao hàng xuống nghỉ chân. Ở đây le lói từng tia nắng hắt xuống hang sâu, rọi vào từng phiến đá, nước dưới chân nơi con suối ngầm chảy róc rách rồi tụ lại thành một ao tròn trong vắt. Leng thích nơi này, mùa đông ở đây cũng không lạnh giá như ngoài kia, bởi nơi đây cơn gió không kịp tới. Chỗ phiến đá bằng phẳng kia còn rất nhiều thuốc lá và rượu. Chỗ hàng ấy là Leng mang từ bên kia về, đợi khi màn đêm bao phủ, Leng sẽ đưa về chỗ bà Lò. Tiền công Leng sẽ nhận đủ.

Từ hôm đám ông Pồ, ông Lầu bị bắt, bà Lò xem Leng như lao động chính, bởi lúc này chỉ có Leng là người giúp bà ấy lấy hàng bên kia về. Bà bao luôn cái ăn, cái mặc, chốn ở cho nó để giữ người phòng khi cần kíp. Leng về ở với bà Lò, ngay căn phòng dưới chân sàn nhà chính.

Một bữa có khách. Có người đàn ông dưới Kinh lên. Họ đi ô tô gửi tít mãi ngoài đường lớn rồi đi bộ vào bản. Bà Lò bắt gà làm cơm, họ ngồi uống rượu cần. Đêm ấy, Leng nhìn qua liếp gỗ, thấy hai người rù rì nói chuyện cùng nhau. Leng nghe tiếng bà Lò khe khẽ: Mình yên tâm đi, hàng hóa có thằng Leng nó lo rồi. Bàn tay bà Lò vặn nhỏ ngọn đèn... tắt phựt. Đêm đen như mực. Leng chìm vào giấc ngủ nhọc nhằn.

3. Leng ngồi bên đám trẻ con cùng bản. Tay nó cầm cuốn sách, chăm chú đọc to. Nó đọc vanh vách câu chuyện cho đám bạn, lâu lâu nó dừng lại đảo mắt quanh một lượt rồi hỏi:

- Bọn bay có hiểu gì không?

- Hiểu hiểu! Mày đọc tiếp đi.

Nó lại chăm chú đọc, câu chuyện làm bọn trẻ ngồi ngoan ngoãn, chăm chú theo, thi thoảng có đứa lại bàn luận thắc mắc rồi cãi nhau rôm rả. Cái cảnh tượng ấy đập vào mắt Tuấn, đôi bàn chân anh chững lại, dõi theo đám trẻ hồi lâu. Anh lắng tai nghe câu chuyện thằng Leng đọc. Và rồi anh sửng sốt khi thấy cuốn sách thằng Leng đang đọc là cuốn Toán học lớp 9. Tuấn cười: Cu cậu này cũng lém lỉnh thật, cứ đọc vanh vách như thật. Anh thầm nghĩ, cũng phải thôi, cô giáo cắm bản cứ thưa dần, ngày càng ít trẻ đến lớp. Tuấn nhớ đã không ít lần được các cô giáo nhờ đi vận động các trẻ đến lớp. Thế rồi bọn trẻ cứ được ít bữa lại theo cha mẹ lên nương, lên rẫy, bỏ lớp, bỏ trường. Thằng Leng nhận ra Tuấn đang chăm chú dõi theo câu chuyện nó đọc cho đám bạn, nó lúng túng lo sợ Tuấn phát hiện ra điều giả dối nó đang làm. Leng gấp cuốn sách, mắt làm bộ ngó lơ ra xa, nói bâng quơ:

- Hôm nay đọc đến đây thôi nhé tụi bay. Mai ra đây tao đọc tiếp.

Lũ trẻ nhao nhao

- Mày đọc đi Leng, đang hay mà.

- Không!

Bọn trẻ tản ra như bầy kiến tỏa đi kiếm mồi. Còn lại Leng, nó ngồi tư lự, thi thoảng đưa cặp mắt dò xét nhìn về phía Tuấn. Anh ngồi xuống cạnh nó, chìa tay ra.

- Cho chú mượn cuốn sách.

Leng trố mắt nhìn, ánh mắt nó lộ rõ vẻ ái ngại. Tuấn hỏi:

- Cháu không biết chữ đúng không?

- Dạ...

Leng lí nhí trả lời.

- Nếu cháu biết đọc, chú sẽ tặng sách cho cháu. Muốn thế, cháu phải học chữ cái đã.

- Ở đây chả đứa nào đi học cả.

- Nếu cháu thích, chú sẽ dạy. Cả mấy đứa bạn của cháu nữa.

- Cháu không có thời gian để học - Leng nói rồi phủi quần đứng dậy, vẻ ái ngại hiện rõ trên mặt thằng bé. Linh cảm mách bảo cho Tuấn biết rằng, Leng đang có điều gì đó khó nói. Đôi lần anh gặng hỏi Leng, nhưng nó đều tìm cách tránh né.

4. Leng men theo lối mòn trở về nhà bà Lò với bao hàng khoác trên vai. Vừa thấy mặt thằng Leng, bà ta đã nắm tay kéo tuột nó vào trong nhà. Đôi mắt liến láo nhìn quanh một vòng, không thấy động tĩnh gì ngoài những vạt cỏ lau nhấp nhô với gió phía ngoài xa. Bà ta mở bao hàng kiểm tra. Nét mặt bà Lò mừng rỡ, đứng dậy na tấm thân béo phì ì ạch tới chỗ căn phòng phía trong. Mụ hé mắt nhìn qua liếp cửa đưa tay gõ nhẹ. “Dậy thôi, hàng đã về”.

Gã đàn ông người Kinh mở toang cánh cửa trong bộ dạng ngái ngủ. Gã tiến đến kiểm đếm lần nữa, đưa cục hàng lên mũi ngửi, rút con dao rạch một đường trên cục hàng và nếm thử. Gương mặt hớn hở nở nụ cười.

Leng vẫn lầm lũi như con sói con cô độc trong cánh rừng già. Băng qua hẻm núi, những gã đàn ông phía bên kia biên giới đã đón đợi Leng sang. Bọn chúng giao hàng cho thằng Leng mang về. Nó lại luồn rừng, lách qua khe đá, bàn chân thoăn thoắt bước vào hang sâu.

Nhưng lần này may mắn không mỉm cười với nó. Trong lúc xuyên vào hang tối sâu hun hút, nó đã bị rắn cắn rồi ngất đi.

- Leng! Sao lại ngồi ở đây?

Leng nghe tiếng lay gọi dồn dập

- Cháu... cháu...

- Thôi được rồi, vào lán đã nhé, cháu đã ăn uống gì chưa?

Thằng Leng lắc đầu, đôi mắt ẩm ướt lén nhìn Tuấn, khi bắt gặp ánh mắt thằng bé trộm nhìn mình ra điều khó nói, Tuấn đưa cho Leng hộp sữa tươi, ánh mắt và cử chỉ ân cần. Leng cầm hộp sữa đưa lên uống ngon lành.

- Bố mẹ cháu đâu hả Leng?

- Chết cả rồi...

- Sao cơ?

-... Dạ, chết...

Không khí yên tĩnh bao trùm lên căn trại gác. Tuấn thấy khóe mũi cay cay, anh nhìn thằng bé, nó cũng trạc tuổi con anh. Ở nơi này, nơi thâm sâu cùng cốc của những bản làng heo hút, cuộc sống vốn dĩ đã rất khó khăn, thiếu thốn. Thế nhưng, một đứa trẻ mồ côi như Leng giữa cái làng bản này thì sẽ phải sinh tồn như thế nào? Tuấn ngồi bên Leng, anh gặng hỏi về cuộc đời của nó, cuộc đời của đứa trẻ mồ côi mẹ ngay giây phút nó được sinh ra.

Dưới ánh đèn điện cháy sáng được thắp bằng chiếc bình ắc-quy, hai chú cháu ngồi kể chuyện cuộc đời. Đêm ấy, thằng Leng nằm cuộn tròn trong tấm chăn màu xanh ấm áp ngủ ngon lành. Tuấn ngồi tư lự trong màn đêm, thỉnh thoảng anh ngắm nhìn gương mặt nó. Tội nghiệp thằng nhỏ, anh đã theo dõi nó hơn một tháng nay ở kho vận chuyển hàng lậu của bà Lò. Anh không muốn làm tổn thương một đứa trẻ như nó. Nhóm trinh sát đã đưa ra phương án vây bắt ngay tại khu vực bàn giao hàng.

Chiếc còng bập vào hai kẻ tội phạm. Mụ Lò gào lên. Nhưng đã muộn rồi. Những họng súng đen sì đồng loạt chĩa vào gã đàn ông. Khuôn mặt hắn trắng bệch, hắn chồm lên vùng vẫy như một con thú điên. Nhưng tiếng súng đã vang lên chát chúa làm rơi con dao trong tay hắn. Phát súng chỉ thiên từ tay Tuấn làm thủng mái ngói, ánh sáng xuyên qua lỗ thủng soi rọi vào mặt Leng, thứ ánh sáng ấy phất phơ làn khói mỏng từ nòng súng loãng vào không gian.

Truyện ngắn: Mùa xuân trên bản Tà Phèng

Mùa xuân trên bản. Ảnh: internet

Bản Tà Phèng đã vào xuân, những cành đào bên suối đã trổ những nụ hoa bé xinh, điểm tô những cánh hoa hồng phấn xen vào những lộc xanh. Từ trên cao nơi A2 nhìn xuống bản làng, những nóc nhà sàn lung linh màu sắc của người dân bản. Những chiếc ô xinh nơi góc chợ của những nam nữ thanh niên. Tiếng khèn vang lên hòa nhịp với núi rừng. Tuấn đứng trên mỏm đá chiêm ngưỡng cảnh vật dưới bản. Tiếng thủ trưởng vang lên phía sau lưng anh:

- Sắp được về xuôi với vợ con rồi, tiếc hả?

- Em chào thủ trưởng! Về dưới ấy rồi cũng sẽ nhớ anh em, nhớ đồn và nhớ nơi đây thủ trưởng ạ!

- Thế thằng Leng thì làm thế nào nhỉ? Mình thấy hai chú cháu gắn bó với nhau như bố con vậy... Hay đồn nhận ít đứa mồ côi như nó làm con nuôi nhỉ?

- Ôi! Em cũng có suy nghĩ như thế thủ trưởng ạ. Chúng ta nên nhận mấy đứa trẻ trên đây làm con nuôi của đồn. Còn về phần thằng Leng, em sẽ nhận nuôi cháu rồi đưa về dưới xuôi. Chỉ mong nó thích nghi được với môi trường mới là mừng thủ trưởng ạ.

Người chỉ huy tròn xoe mắt ngạc nhiên, bối rối:

- Cậu đã bàn với vợ chưa? Kẻo thím ấy hiểu lầm là mệt đấy!

- Vâng! Ban đầu thì cô ấy cũng phản đối ghê lắm, nhưng sau khi nghe kể về hoàn cảnh của Leng thì cũng xuôi xuôi rồi ạ.

- Thế thì tốt rồi. Chúc mừng bố con cậu nhé!

Mùa xuân rộn rã mừng vui tiệc liên hoan chia tay bố con Leng chuyển về đơn vị mới dưới xuôi. Leng mặc bộ đồ mới do chính tay người thủ trưởng mua tặng. Nó mừng vui bên bố và các chú, các bác bộ đội biên phòng, bàn tay nó mang những phần quà từ dưới xuôi gửi lên đi chia cho đám bạn. Lát nữa thôi nó phải theo bố về dưới xuôi rồi, nó cũng sẽ nhớ nơi đây, nhớ các bạn nó nhiều lắm.

Đoàn người kéo nhau ra sân tiễn chân hai bố con xuống núi. Thằng Leng vác ba lô giúp bố, Tuấn vác cành đào trên vai xuống núi, mùa xuân đã về khắp bản Tà Phèng.

Chủ đề Sáng tác Văn học Nghệ thuật

Đọc thêm

'Săn' mai anh đào nở sớm

'Săn' mai anh đào nở sớm

Thời điểm này, trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, người dân và du khách đã bày tỏ sự vui mừng khi hoa mai anh đào đã bắt đầu nở rộ tại khắp các vùng ngoại ô TP Đà Lạt.
Kịch bản 'Táo quân 2025' bị lộ?

Kịch bản 'Táo quân 2025' bị lộ?

Theo bảng phân vai "Táo quân 2025" được NSƯT Chí Trung đăng tải, buổi chầu năm nay của các Táo sẽ thay bằng hình thức cuộc thi.
Podcast truyện ngắn: Hơi ấm đêm xuân

Podcast truyện ngắn: Hơi ấm đêm xuân

Tim tôi như đứng lặng trong lồng ngực. Cớ gì mọi thứ lại trùng hợp đến vậy. Tôi khẽ nhìn khuôn mặt anh Ba qua kính chiếu hậu, thấy anh hiền, chân chất, lương thiện, nhân hậu như má, như ba...
VTV tung những hình ảnh đầu tiên về 'Táo quân 2025'

VTV tung những hình ảnh đầu tiên về 'Táo quân 2025'

Mới đây, chương trình "VTV Kết nối" đã thực hiện phóng sự đột nhập phòng tập "Táo quân" lúc nửa đêm. Các nghệ sĩ Chí Trung, Quang Thắng, Vân Dung... cũng có những chia sẻ đầu tiên về chương trình.
Podcast tản văn: Mùi của tết

Podcast tản văn: Mùi của tết

Những ngày cuối đông, tiết trời hao hao rét. Giữa khung cảnh ngược xuôi tấp nập của phố phường, ta thoảng nghe trong gió lạnh một mùi vị rất quen thuộc...
Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Vui bốn mùa

Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Vui bốn mùa

Tiết mục Vui bốn mùa (dân ca quan họ Bắc Ninh lời cổ), phối khí: NSƯT Quang Hưng, biên đạo: NSƯT Khánh Toàn, do Đoàn nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Hoa muộn

Podcast truyện ngắn: Hoa muộn

Bên trong vẫn ồn ào náo nhiệt, ngoài này tĩnh lặng bất thường. Chú nắm tay Thụy, ấm áp và yêu thương. Đêm bỗng nở hoa. Muộn mằn nhưng nồng nàn...
Podcast: Bức họa tháng Chạp

Podcast: Bức họa tháng Chạp

Thế là tháng Chạp đã trở về trong sự dùng dằng của đất trời buổi cuối đông. Lòng người vào Chạp cũng trở nên khác lạ với những hối hả để gói ghém lại một năm dài, với những chậm rãi, níu kéo trong sự ươm ủ đón chờ năm mới…
Podcast truyện ngắn: Chiếc khăn xanh

Podcast truyện ngắn: Chiếc khăn xanh

Tôi không biết điều kỳ diệu nào đã giữ bà tôi gắng gượng ở lại đón cái Tết cuối cùng với gia đình năm đó. Nhưng mãi về sau này, trên những hành trình xuôi ngược, tôi luôn giữ bên mình chiếc khăn len màu xanh bà trao cho tôi ngày ấy...
Podcast tản văn: Có hẹn với mùa xuân

Podcast tản văn: Có hẹn với mùa xuân

Nỗi nhớ bỗng thắt chặt ngực tôi lúc này khi chợt nhận ra, đã bao nhiêu năm mình lỗi hẹn, đã bao nhiêu cái Tết cứ vội vã trở về để rồi lại vội vã đi...