6 bệnh viện xin “rút” tự chủ
Sau gần 2 năm được giao quyền tự chủ tài chính theo lộ trình, 6/9 bệnh viện tuyến huyện đã gửi tờ trình tới UBND tỉnh và Sở Y tế xin trở lại bệnh viện không tự chủ, gồm Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) các huyện: Cẩm Xuyên, Can Lộc, Nghi Xuân, Hương Sơn, Hương Khê và Lộc Hà.
Còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, cộng với những "rào cản" trong chính sách BHYT nên BVĐK Cẩm Xuyên đã làm đơn gửi Sở Y tế và UBND tỉnh xin "rút" khỏi cơ chế tự chủ tài chính
Giám đốc BVĐK huyện Cẩm Xuyên Phan Thanh Minh bày tỏ: “Chuyển sang cơ chế tự chủ, bệnh viện Cẩm Xuyên còn thua thiệt trong cạnh tranh vì cơ sở vật chất chật chội, một số dãy nhà bị xuống cấp do xây dựng từ lâu; việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao lâu nay gặp khó. Tuy nhiên, xét về số lượng bệnh nhân, bệnh viện vẫn luôn quá tải. Nghịch lý là, mặc dù luôn phải phục vụ trong tình trạng quá tải bệnh nhân nhưng bệnh viện vẫn luôn bị áp lực bởi nỗi lo thu không đủ bù chi”.
Năm 2017, BVĐK huyện Cẩm Xuyên tự cân đối được nguồn lực tài chính đảm bảo chi thường xuyên, tuy nhiên, nguồn tài chính vẫn chủ yếu là do cấp ứng chứ chưa được BHYT quyết toán. Năm 2018, nhiều chính sách thay đổi như tăng lương cơ bản, giá dịch vụ y tế giảm theo Thông tư 15/2018/TT-BYT trong khi nhiều khoản chi phí tăng giá như: Chi trả dịch vụ điện, nước, phí môi trường xử lý chất thải; nhiều khó khăn trong khám chữa bệnh BHYT. Theo tính toán sơ bộ, từ khi áp giá theo Thông tư 15/2018/TT-BYT, bình quân BVĐK Cẩm Xuyên giảm thu mỗi tháng hơn 200 triệu đồng nên khó đảm bảo chi thường xuyên, đặc biệt là chi lương cho công chức, viên chức và người lao động.
Thực trạng trên cũng là nỗi trăn trở của đa số bệnh viện tuyến huyện khi bước vào tự chủ. Theo bà Trần Thị Thu Hà - Kế toán trưởng Sở Y tế Hà Tĩnh, khi quyết định giao quyền tự chủ tài chính cho các bệnh viện, ngành thẩm định trên cơ sở đề nghị doanh thu quyết toán BHYT. Tuy nhiên, việc quyết toán của BHYT rất chậm. Theo các quy định và Luật BHYT, đầu quý II hàng năm phải thanh quyết toán BHYT năm trước nhưng thực tế cho đến nay, BHYT vẫn chưa thanh quyết toán năm 2017 cho các bệnh viện. Các bệnh viện chi chủ yếu dựa vào nguồn cấp ứng BHYT.
Bệnh viện Đa khoa Hương Khê đang gặp khó khăn, lúng túng trước lộ trình tự chủ tài chính
Như ở BVĐK Hương Khê, năm 2018, giao dự toán nguồn thu BHXH 43 tỷ đồng nhưng phát sinh thêm 30 tỷ đồng. 3 quý đầu năm 2018, BHXH mới quyết toán 4,5 tỷ đồng, trong khi bệnh viện phải chi tiền lương đến 16 tỷ đồng, chưa kể đến tiền để thanh toán thuốc, vật tư y tế… Chính “nút thắt” này gây khó khăn cho ngành y tế trong đánh giá hiệu quả việc tự chủ tài chính cũng như thực hiện công tác tham mưu.
Tự chủ - xu hướng tất yếu
Nhận thức rõ những lợi ích từ tự chủ, ngành Y tế Hà Tĩnh đã thực hiện đổi mới trong các bệnh viện với 3 nội dung trọng tâm: Hướng đến sự hài lòng người dân; nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển kỹ thuật; xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp. Đặc biệt, gần đây, chương trình “5S” (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) được triển khai trong tất cả các bệnh viện giúp chuyên nghiệp hóa hơn trong cung cấp dịch vụ và phục vụ bệnh nhân. Ngành cũng đã làm rõ về tự chủ trong mua sắm: Nếu mua sắm trang thiết bị thuộc nguồn từ Quỹ Phát triển sự nghiệp thì thuộc thẩm quyền các bệnh viện, không đưa vào đấu thầu tập trung.
Tự chủ bệnh viện đòi hỏi các bệnh viện không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng các dịch vụ và phát triển kỹ thuật chuyên sâu, đáp ứng sự hài lòng của người dân.
Gần đây, ngành Y tế Hà Tĩnh cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định về việc phê duyệt phương án tự chủ cho 3 bệnh viện tuyến tỉnh giai đoạn 2017-2019 gồm: BVĐK tỉnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh và Bệnh viện Y học cổ truyền. Theo đó, các bệnh viện được quyết định thành lập hoặc tổ chức lại các khoa, phòng trên cơ sở tổ chức bộ máy đã được UBND tỉnh phê duyệt; được quyết định vị trí việc làm và cơ cấu viên chức… Đây là một bước phát triển mới trong thực hiện lộ trình tự chủ bệnh viện công của ngành Y tế Hà Tĩnh.
Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu khẳng định: “Thực tiễn cho thấy, thực hiện tự chủ đã tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở khám chữa bệnh và giữa y tế công lập với tư nhân. Đây chính là gốc rễ để thúc đẩy sự phát triển. Vì thế, ngành y tế phải kiên trì trong thực hiện lộ trình tự chủ. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh, ngoài những khó khăn do cơ chế, ngành sẽ có trách nhiệm tham mưu và kiến nghị từng bước tháo gỡ, tuy nhiên, các cơ sở cũng phải đối mặt với mặt trái của cạnh tranh vì đó là quy luật tất yếu và hơn hết tất cả phục vụ quyền lợi người bệnh”.
Giám đốc Sở Y tế cũng chia sẻ với các bệnh viện khi gặp những khó khăn nêu trên, đồng thời bày tỏ băn khoăn khi chưa có hướng dẫn cụ thể hoạt động tự chủ về bộ máy, nhân sự, tổ chức tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Như vậy, việc tiến tới tự chủ là tất yếu, tuy nhiên, trước mắt còn rất nhiều việc phải làm.
Bà Nguyễn Thị Diện - Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh: Tự chủ là động lực để phát triển đòi hỏi phải làm thực chất. Với quyết định mới của UBND tỉnh về giao quyền tự chủ giai đoạn 2017-2019 càng thêm cơ hội cho Bệnh viện Phục hồi chức năng phát triển thêm một bước mới. Bệnh viện không chỉ chủ động trong thực hiện chuyên môn mà còn được lựa chọn nhân lực tuyển dụng theo quy định của Nhà nước. Ngoài tuyển dụng những người làm được việc, đảm bảo chuyên môn phù hợp với đặc thù bệnh viện, với cơ chế này, bệnh viện có cơ hội tuyển dụng đội ngũ tham mưu về chính sách và chiến lược phát triển bệnh viện... Bà Trần Thị Thu Hà - Kế toán trưởng Sở Y tế Hà Tĩnh: Muốn các bệnh viện thực hiện được tự chủ tài chính, điều quan trọng là phải gỡ được “nút thắt” trong thanh quyết toán BHYT. Theo tính toán sơ bộ của chúng tôi, nếu các bệnh viện tuyến huyện (đã được giao quyền tự chủ theo nhóm - PV) được thanh quyết toán kịp thời thì họ có thể đảm bảo nguồn chi trong thực hiện các chính sách theo đơn vị tự chủ. |