Nhiều lợi ích
Từ đầu năm 2017 đến nay, Sở Y tế Hà Tĩnh đã giao quyền tự chủ đảm bảo kinh phí hoạt động (theo nhóm) cho 12 bệnh viện công lập trực thuộc. Việc thực hiện chủ trương này đã tăng tính chủ động và sự cạnh tranh lành mạnh giữa các bệnh viện.
Trong điều kiện ngân sách đầu tư còn hạn chế, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh tăng cường xã hội hóa kêu gọi tài trợ thiết bị phục vụ bệnh nhân
Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hoàng Quang Trung cho biết: “Nhờ thực hiện tự chủ, đội ngũ thầy thuốc đã xem bệnh nhân là khách hàng đặc biệt. Cũng từ nhận thức đó mà mỗi cán bộ, viên chức ý thức tự giác, đoàn kết cùng xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, an toàn, thân thiện, nâng cao chỉ số hài lòng để thu hút bệnh nhân. Đặc biệt, các khoa, phòng chủ động, tích cực trong phát triển kỹ thuật chuyên sâu. Mặt khác, từ tự chủ kinh phí hoạt động, bệnh viện đã tiết kiệm cho ngân sách nhà nước đến 108,9 tỷ đồng chi tiền lương cho cán bộ, nhân viên”.
Không chỉ tăng tính chủ động, thực hiện tự chủ còn tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các bệnh viện. Hầu hết các bệnh viện, kể cả đã được giao quyền tự chủ và chưa giao quyền tự chủ đều tích cực, nỗ lực cải tiến chất lượng hoạt động, hướng đến sự hài lòng người bệnh.
Thực hiện tự chủ, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh triển khai nhiều kỹ thuật mới, nhân viên phục vụ trách nhiệm, chuyên nghiệp, chỉ số hài lòng không ngừng được nâng cao
Mặt khác, tự chủ còn tạo cơ hội cho các bệnh viện cải thiện chế độ tiền lương cho đội ngũ cán bộ, bác sỹ và nhân viên. Bác sỹ Nguyễn Thị Diện - Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh cho biết: “Thực hiện tự chủ, nhiều kỹ thuật mới được phát triển, nhân viên phục vụ trách nhiệm, chuyên nghiệp, chỉ số hài lòng không ngừng được nâng cao nên nguồn thu cũng ngày một tăng.
Năm 2016, bệnh viện thu được 17 tỷ đồng nhưng đến năm 2017 thực hiện tự chủ, bệnh viện thu được 30 tỷ đồng. Dự kiến năm 2018, bệnh viện thu 35 tỷ đồng. Bình quân thu nhập của mỗi cán bộ, viên chức bệnh viện tăng 30% so với trước đây, trong đó, thu nhập tăng thêm người ít nhất cũng 2 triệu đồng/tháng; có người cao nhất 10 triệu đồng/tháng”...
“Rào cản” hoạt động khám, chữa bệnh
Cùng với nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển, các bệnh viện khi tự chủ, bị cắt giảm nguồn ngân sách cũng đồng nghĩa với khó khăn sẽ nhiều hơn.
Bác sỹ Trần Nguyên Phú - Giám đốc BVĐK thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Hiện, giá viện phí mới chỉ được tính 4/7 yếu tố; 3 yếu tố (khấu hao tài sản cơ sở hạ tầng, khấu hao trang thiết bị, chi phí đào tạo và nghiên cứu khoa học) vẫn chưa được cấu thành vào giá viện phí. Giá khám chữa bệnh của các đơn vị tuyến dưới còn chênh lệch với tuyến trên đáng kể. Mặt khác, lương cơ bản tính trong giá viện phí là 1.150.000 đồng, nhưng trên thực tế, từ ngày 1/7/2018, bệnh viện phải trả cho người lao động 1.390.000 đồng. Vì vậy, với giá viện phí như hiện nay, thì thu chưa đủ bù chi”.
Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh phát triển các dịch vụ thu hút bệnh nhân
Không chỉ vướng trong vấn đề cân đối thu - chi, theo ghi nhận từ các bệnh viện, khó khăn nữa là tình trạng bệnh nhân vượt tuyến cùng với việc thông tuyến BHYT đối với tuyến huyện và tới đây là tuyến tỉnh, khiến các bệnh viện càng khó giữ được bệnh nhân. Hơn nữa, trần BHYT ở Nghệ An cao hơn nhiều so với trần BHYT ở Hà Tĩnh do đó, thu hút rất lớn bệnh nhân, tạo nên thách thức đối với các bệnh viện.
Giám đốc BVĐK huyện Thạch Hà Lê Văn Bình cho biết: Nói là tự chủ nhưng việc mua sắm vật tư tiêu hao, trang thiết bị, thuốc… đều qua đấu thầu tập trung, bệnh viện không được chủ động mua sắm, trong khi thủ tục thanh quyết toán rất phức tạp. Chỉ cần chậm trễ, quá thời gian quy định trong hợp đồng, các công ty cung ứng sẽ cắt đơn hàng, ảnh hưởng đến việc khám, chữa bệnh…
(Còn nữa...)