“Tư lệnh” ngành nêu 7 giải pháp phát triển VH-TT&DL Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Sáng nay (16/12), sau phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở NN&PTNT, Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục với phần chất vấn và trả lời chất vấn của Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Xuân Thập.

“Tư lệnh” ngành nêu 7 giải pháp phát triển VH-TT&DL Hà Tĩnh

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Trần Tú Anh, Trần Văn Kỳ chủ tọa kỳ họp.

Theo đó, Giám đốc Sở VH-TT&DL giải trình về việc triển khai các nhiệm vụ theo Chương trình hành động số 01-CTr/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về lĩnh vực văn hóa còn chậm trễ; giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; việc phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận chưa hiệu quả...

Theo ông Bùi Xuân Thập, thời gian qua mặc dù có 2 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng nguồn kinh phí chính sách phát triển du lịch đã được phân bổ để triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu hỗ trợ phát triển du lịch Hà Tĩnh.

Trong đó: chính sách xúc tiến quảng bá: 14,734 tỷ đồng; chính sách đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực 1,913 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh công cộng: 380 triệu đồng (điểm du lịch cộng đồng); chính sách hỗ trợ lãi suất: 2,266 tỷ đồng.

“Tư lệnh” ngành nêu 7 giải pháp phát triển VH-TT&DL Hà Tĩnh

Toàn tỉnh hiện nay có 307 khách sạn, nhà nghỉ với hơn 7.000 phòng, trong đó: 1 sơ sở đạt tiêu chuẩn 5 sao; 3 cơ sở đạt tiêu chuẩn 4 sao; 8 cơ sở đạt tiêu chuẩn 3 sao. Khu điểm du lịch cấp tỉnh có 15 khu điểm.

Năm 2022, Hà Tĩnh đón 1,6 triệu lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng tăng 200% so với kế hoạch năm. Trong đó khách lưu trú quốc tế đạt 8.000 lượt khách, tăng 160% và khách lưu trú nội địa đạt 350.000 lượt khách tăng 140% so với kế hoạch năm.

Hiện nay, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh 2 nội dung chính sách hỗ trợ công tác xúc tiến quảng bá du lịch, chuyển đổi số, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực du lịch phù hợp với thực tiễn để góp phần phát triển du lịch Hà Tĩnh trong giai đoạn này.

“Tư lệnh” ngành nêu 7 giải pháp phát triển VH-TT&DL Hà Tĩnh

Tổ thư ký kỳ họp

Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX đề ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tuyên truyền nâng cao nhận thức đến các cấp ngành và người dân nhằm thực hiện tốt công tác phối hợp trong triển khai nhiệm vụ, gắn xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển du lịch phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của từng địa phương theo các giai đoạn.

Thứ hai, trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành du lịch rà soát, đánh giá, bổ sung quy hoạch các khu, vùng du lịch trọng tâm, trọng điểm để thu hút đầu tư.

Thứ ba, tăng cường thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tạo động lực thúc đẩy xã hội hoá lĩnh vực du lịch, phát triển các cơ sở thương mại, dịch vụ; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Chú trọng thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn lớn để đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, các trung tâm mua sắm, giải trí, đô thị, nghỉ dưỡng cao cấp tại các địa bàn trọng điểm.

“Tư lệnh” ngành nêu 7 giải pháp phát triển VH-TT&DL Hà Tĩnh

Thứ tư, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, phục vụ du lịch. Tập trung đầu tư hạ tầng các khu du lịch trọng điểm, quan tâm công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa; quan tâm bảo vệ môi trường, đảm bảo du lịch an toàn, văn minh, lịch sự.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; liên kết hợp tác phát triển du lịch. Thực hiện số hóa các điểm đến điểm du lịch văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh bằng giao diện ảnh 360, 3D, công nghệ thực tế ảo... để tăng cường ứng dụng công nghệ trong tuyên truyền quảng bá du lịch.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Tạo lập môi trường du lịch văn minh, thân thiện, hấp dẫn với khách trong nước và quốc tế với đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, có trình độ, giỏi ngoại ngữ và các công cụ thông tin hiện đại với nhiều thứ tiếng.

Thứ bảy, xác định rõ hai sản phẩm du lịch chủ lực, mũi nhọn để tập trung đầu tư, khai thác đó là: du lịch biển gắn với nghỉ dưỡng; khai thác du lịch văn hóa, tâm linh...

Tại phiên chất vấn, “tư lệnh” ngành VH-TT&DL cũng trả lời các nội dung liên quan đến các chương trình, đề án, kế hoạch Sở VH-TT&DL theo Chương trình hành động triển khai Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra trên lĩnh vực văn hóa; giải pháp đầu tư cho bộ môn bóng chuyền; phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận; nguyên nhân đến nay Hà Tĩnh vẫn chưa thể xây dựng Bảo tàng tỉnh;…

“Tư lệnh” ngành nêu 7 giải pháp phát triển VH-TT&DL Hà Tĩnh

Đại biểu Nguyễn Văn Tuấn - tổ đại biểu huyện Vũ Quang

Chất vấn Giám đốc Sở VH-TT&DL, đại biểu Nguyễn Văn Tuấn - tổ đại biểu huyện Vũ Quang hỏi: “Du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM cần làm thế nào để hiệu quả?”

Trả lời vấn đề đại biểu nêu, tư lệnh ngành VH-TT&DL cho biết, đây là loại hình du lịch mới đối với tỉnh ta. Thời gian qua, sở đã quan tâm và hình thành được một số mô hình du lịch nông thôn gắn với NTM nhưng hiệu quả chưa cao. Vừa rồi, sở đã mời chuyên gia tư vấn và chọn được 5 địa điểm phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, nội dung này vẫn còn nhiều khó khăn, cần sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành và cần tập trung khai thác nhiều hơn các hoạt động trải nghiệm…

“Tư lệnh” ngành nêu 7 giải pháp phát triển VH-TT&DL Hà Tĩnh

Tiếp tục quan tâm đến phát triển du lịch, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt - tổ đại biểu Thạch Hà yêu cầu ngành VH-TT&DL nêu rõ kết quả về phát triển liên kết vùng trong phát triển du lịch thời gian qua và giải pháp thời gian tới?

Theo ông Bùi Xuân Thập, từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động liên kết, phát triển các sản phẩm du lịch, trong đó xác định du lịch 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, 4 địa phương - 1 điểm đến (Hà Tĩnh – Nghệ An - Quảng Bình - Thanh Hóa) là trọng tâm và đã thu được kết quả nhất định. Tỉnh cũng tăng cường kết nối tour, tuyến với các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan, Lào và các nước trong khối ASEAN; tổ chức hội nghị, hội thảo, hội chợ; thành lập các tổ công tác phát triển du lịch Hà Tĩnh… Nhờ vậy, lượng khách đến với Hà Tĩnh có xu hướng tăng; góp phần quảng bá hình ảnh tỉnh nhà và tăng trưởng kinh tế - xã hội nói chung.

Tuy vậy, ông Bùi Xuân Thập cũng cho rằng, việc đầu tư cho du lịch ở Hà Tĩnh vẫn còn thiếu đồng bộ, tiềm năng du lịch của tỉnh là có nhưng chưa đủ để thu hút các nhà đầu tư lớn; cơ sở hạ tầng du lịch còn hạn chế. Thời gian tới, giải pháp cần tập trung trọng tâm đó là phát triển sản phẩm du lịch đặc thù; quan tâm tuyên truyền, xúc tiến quảng bá du lịch; phát triển bền vững tài nguyên và môi trường du lịch; xây dựng nguồn nhân lực chuyên nghiệp; chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ…

“Tư lệnh” ngành nêu 7 giải pháp phát triển VH-TT&DL Hà Tĩnh

Đại biểu Đào Thị Anh Nga đặt câu hỏi: Biển Thiên Cầm có lợi thế rất lớn cho Hà Tĩnh trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, thời gian qua, việc đầu tư du lịch vẫn chưa mang lại kết quả khả quan. Đề nghị Giám đốc sở làm rõ vai trò, trách nhiệm và giải pháp?

Trả lời câu hỏi này, người đứng đầu ngành VH-TT&DL cho rằng, dù Thiên Cầm được đánh giá là bãi biển đẹp và tỉnh đã có chiến lược quy hoạch nơi đây trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia song chưa được phê duyệt. Ngoài ra, tại đây còn tồn tại các vấn đề về cấp đất, cho thuê đất; một số doanh nghiệp chưa đầu tư hiệu quả. Do đó, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan vào cuộc để rà soát những khu đất, những doanh nghiệp được cấp phép cho thuê đất nhưng không thực hiện đúng cam kết để có giải pháp thu hồi; đồng thời tranh thủ huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng để kêu gọi các đầu tư có thực lực.

“Tư lệnh” ngành nêu 7 giải pháp phát triển VH-TT&DL Hà Tĩnh

Trước câu hỏi của đại biểu Đào Thị Anh Nga về việc nhà hàng, quán ăn tự phát tại khu vực hồ Gẻ Gỗ vứt rác bừa bãi, gây mất mĩ quan và ảnh hưởng tới sự linh thiêng của đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, trách nhiệm chính thuộc về chính quyền địa phương và các ngành liên quan. Đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu, phối hợp với địa phương và các ngành để quyết liệt thực hiện các giải pháp xử lý, giải quyết.

Đại biểu Thái Văn Sinh - tổ đại biểu Đức Thọ nêu ra 3 vấn đề lớn: việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở các thôn, tổ dân phố đã được quan tâm nhưng công năng chưa được phát huy, vậy giải pháp nào cho thực trạng này? Chính sách cụ thể để thực hiện 7 nhóm giải pháp đưa du lịch trở thành ngành mũi nhọn? Giải pháp nào để di sản văn hóa phi vật thể ca trù và dân ca ví giặm trở thành sản phẩm du lịch?

“Tư lệnh” ngành nêu 7 giải pháp phát triển VH-TT&DL Hà Tĩnh

Đại biểu Thái Văn Sinh - tổ đại biểu Đức Thọ

Trả lời đại biểu Thái Văn Sinh, “tư lệnh” ngành Sở VH-TT&DL nhận định: Các sân chơi, bãi tập, thiết chế văn hóa ở các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố hiện đang đáp ứng yêu cầu chỉ tiêu trong xây dựng NTM nhưng chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của người dân trong phục vụ cho hoạt động thể thao. Hệ thống chính quyền ở cơ sở, người dân phải là người vào cuộc để triển khai các hoạt động, phát huy công năng và xã hội hóa nguồn lực để tiếp tục đầu tư, nâng cấp các thiết chế này nhằm phục vụ chính nhu cầu của người dân.

Chia sẻ về các chính sách phát triển du lịch, ông Bùi Xuân Thập cho rằng, các chính sách chưa ngang tầm, chưa đáp ứng được yêu cầu để thực hiện 7 nhóm giải pháp trọng tâm phát triển du lịch. Để thực hiện các giải pháp cần có lộ trình căn cơ; trước mắt tập trung cho công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức…

Về các giải pháp để đưa các di sản văn hóa phi vật thể trở thành sản phẩm du lịch, ông Bùi Xuân Thập cho rằng, rất khó để so sánh các di sản văn hóa phi vật thể của Hà Tĩnh với các tỉnh khác trong việc phát triển sản phẩm du lịch. Nội dung này cần nhiều thời gian, quá trình và cần kết nối du lịch. Theo đó, cần kết nối tour tuyến, xây dựng mô hình du lịch và đưa ca trù, dân ca ví giặm trở thành một trải nghiệm trong du lịch.

Đại biểu Hoàng Trung Dũng (tổ đại biểu TP Hà Tĩnh) – Chủ tọa kỳ họp đặt câu hỏi: Toàn tỉnh hiện có 535 di tích cấp tỉnh, 86 di tích cấp quốc gia, 2 di tích quốc gia đặc biệt; trong đó có 190 nhà thờ danh nhân và dòng họ. Việc xếp hạng di tích như vậy liệu đã đảm bảo tính khoa học, chính xác?

Trả lời câu hỏi, Giám đốc Sở VH-TT&DL thông tin, việc lập hồ sơ xếp hạng di tích căn cứ theo Luật Di sản văn hóa. Ngoài việc thực hiện quy định về thẩm quyền, quyết định xếp hạng di tích theo luật, việc công nhận các di tích trên địa bàn Hà Tĩnh được thực hiện theo Thông tư của Bộ VH-TT&DL về phân cấp xếp hạng.

Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết thêm, quá trình lập hồ sơ xếp hạng di tích tại Hà Tĩnh được thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình, quy định của pháp luật. Việc có nhiều danh nhân, nhà thờ dòng họ được xếp hạng di tích văn hóa do Hà Tĩnh là mảnh đất khoa bảng, có nhiều dòng họ có đóng góp cho quê hương, đất nước.

Xung quanh câu hỏi của đại biểu Hoàng Trung Dũng về lộ trình phát triển phong trào các bộ môn thể thao lợi thế, đạt thứ hạng cao, người đứng đầu ngành VH-TT&DL cho biết, thời gian qua, 2 bộ môn bóng đá, bóng chuyền của Hà Tĩnh đã đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, đạt được thứ hạng cao. Tuy nhiên, để phát triển bền vững các bộ môn thể thao này, cần nguồn lực đầu tư để đáp ứng yêu cầu đặt ra. Sở Nội vụ cần tham mưu tăng biên chế cho huấn luyện viên đào tạo. Sở VH-TT&DL tiếp tục tăng cường đào tạo, tuyển chọn người có chuyên môn trong đào tạo, liên kết với các tỉnh bạn để tìm các giải pháp khả thi.

Kỳ họp diễn ra trong 2 ngày (15 và 16/12) tại Hội trường tầng 1, UBND tỉnh. Trong thời gian HĐND tỉnh họp, cử tri và Nhân dân tỉnh nhà có ý kiến, kiến nghị đề nghị liên hệ qua số điện thoại: 02393.853.032 hoặc gửi thư điện tử qua địa chỉ: thuky.hdndht@hatinh.gov.vn.

Đọc thêm

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, các loại khí, chất gây nghiện từ năm 2025.