Lúc bắt đầu biết đọc, tôi vẫn nhớ cuốn sách đầu tiên tôi đọc là Truyện cổ Grim được bà nội mua cho ở tiệm sách cũ. Tôi vừa đánh vần vừa đọc, nhưng đã cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi được bước vào một thế giới xa xôi rực rỡ phép màu như thế. Tôi đã yêu việc đọc sách từ khi ấy, mỗi buổi chiều học xong tôi đều lên thư viện trường để mượn sách về nhà đọc. Thư viện hồi ấy còn nghèo nàn, chỉ có những cuốn truyện cũ được quyên góp từ học sinh, phần lớn nhiều sách giáo khoa, sách tham khảo nên tôi tìm được khá ít sách để đọc.
Lúc ấy tôi tôi chỉ thích cầm sách về nhà, ngồi ở gốc cây trong vườn, hay nằm võng ngoài hè, nằm ườn trong phòng đọc sách hơn chạy ra kia chơi. Ảnh: doanhnhansaigon. |
Cho đến khi bước vào năm cuối tiểu học, khi đã thân thiết với Lan, tôi đã khám phá ra một tủ sách cũ, và bước vào thế giới sửng sốt với vô vàn điều diệu kỳ.
Đó là tủ sách của ông nội Lan, với hàng trăm cuốn sách cũ mà tôi chưa từng nhìn thấy. Tôi còn nhớ khoảnh khắc ấy mình đã hét lên sung sướng ra sao. Ông mắt đã mờ nên không còn đọc được sách nữa, Lan thường đọc sách cho ông nghe. Còn tôi bắt đầu bước vào một giai đoạn đọc “sung sướng” nhất đời mình. Tôi thề là sung sướng nhất, cho đến tận hai mươi năm sau, khi vô số sách đã được đọc thì cũng chưa bao giờ tôi có được cảm giác sung sướng ấy thêm một lần nữa.
Ban đầu, tôi đã chọn đại một cuốn trong tủ sách, chỉ vì cái tên Trà hoa nữ. Thế mà đọc ngấu nghiến, hết cả ngày hôm ấy. Về sau ông nội Lan bảo, trẻ con sao lại đi đọc cái cuốn sách ảm đạm bi đát ấy. Đúng là nàng Marguerite Gautier đã khiến tôi bị sốc, khóc đến sưng húp mắt. Thời ấy là bị sốc thật, dù tôi không thể hiểu được nhiều. Tôi cứ tự hỏi, trên thế giới có những người sống như thế, và có những người có thể viết được câu chuyện như thế sao.
Chính cụ Dumas (con) đã dắt dắt tôi vào thế giới của văn học cổ điển, mà sau này tôi dai dẳng đeo đuổi, say đắm. Pháp là đất nước tôi được biết đến đầu tiên sau thị xã lặng lẽ nơi tôi sinh ra, bằng cách đi chu du cùng với cặp đôi Marguerite và Armand, tại ngôi nhà ở vùng ngoại ô Paris. Chưa từng được thấy nơi nào lại mang một vẻ đẹp thấm đẫm không khí ngọt ngào đến thế.
Tôi vốn thể trạng yếu, từ nhỏ cũng không được tham gia những trò chơi của lũ trẻ trong xóm. Lúc đầu tôi cũng có phần buồn, nhưng khi được ông cho mượn sách đọc thì nỗi buồn đã hết hẳn. Lúc ấy tôi chỉ thích mang sách về nhà, ngồi dưới gốc cây trong vườn, hay nằm võng ngoài hè, rồi nằm ườn trong phòng đọc sách. Chúng bạn bây giờ gặp lại, vẫn trêu là ngày xưa của tôi nhạt nhẽo quá, chả có gì thú vị để kể. Mà đúng thật, khi mọi người chen nhau nói về những trò chơi ngày xưa, thì tôi chỉ có mỗi một chút chút ký ức kết nối với Lan, và những cuốn sách cũ.
Sau Trà hoa nữ , tôi đọc một mạch đến Con hủi, Jane Eyre, Kiêu hãnh & Định kiến, Đồi gió hú, Bá tước Monte Cristo, Cuốn theo chiều gió, Ba chàng lính ngự lâm, Thằng gù nhà thờ Đức Bà, Những người khốn khổ ... Có nhiều cuốn đã nát, chữ bị nhòe hết, chẳng còn nhìn thấy gì nhưng tôi cũng soi cho bằng được, rồi khi bất lực, cảm thấy khổ sở vô cùng. Nhưng thỉnh thoảng vì vậy mà tôi suy đoán và tưởng tượng, cũng đôi khi ra lắm điều thú vị, mãi sau này được đọc trọn vẹn tôi mới cảm thấy.
Những cuốn sách tiểu thuyết cổ điển ngày ấy, vẫn luôn được gìn giữ cẩn thận ở nhà tôi, và trong ký ức thơ bé giấu kín của tôi. Ảnh: Internet. |
Tôi đã đọc hết cả tủ sách của ông trong mấy năm học cấp một, lên cấp hai, nhưng hồi đó tôi lại không được giỏi giang lắm khi học văn ở trường. Tôi “toàn viết nhảm nhí”, cô Ngọc dạy văn lớp tám đã từng phê như thế trong bài kiểm tra hàng tháng của tôi. Thì cũng tại tôi suốt ngày mơ mộng đến những mối tình lâm ly bi đát của thế giới.
Những tiểu thuyết thuở ấy đã đọc, tôi say mê nhất Đồi gió hú. Hồi ấy thích nàng Catherine vì nàng tự do, thẳng thắn, và hơi điên loạn nữa, chứ thực ra chưa thấm được vì sao tình yêu luẩn quẩn hận thù triền miên đến thế. Nhưng sau này lớn, đọc thêm vài lần nữa, rồi nhiều lần nữa, thành thói quen của mỗi dịp lễ 14/2, tôi càng buồn và càng mê mẩn Đồi gió hú . Sở thích trèo lên sân thượng vào ban đêm, ngồi hàng giờ đồng hồ cũng là từ Đồi gió hú mà ra.
Hơn chục năm trước, khi ông nội Lan mất, tủ sách của ông được ông căn dặn tặng hết cho tôi, vì nhà ông cũng không ai cần giữ sách để đọc. Đó là món quà lớn nhất trong cuộc đời cho đến bây giờ tôi được nhận. Sau này, tôi tích thêm rất nhiều sách vở, đủ các thể loại, lịch sử đọc của tôi cũng trở thành một nồi lẩu “thập cẩm” nhưng những tiểu thuyết cổ điển ngày ấy, vẫn luôn được gìn giữ cẩn thận ở nhà tôi, và trong ký ức thơ bé giấu kín của tôi. Đó là giấc mơ đẹp nhất về hạnh phúc mà tôi sở hữu.