Tùng Ảnh “giữ vững chí khí chiến đấu” trên chặng đường mới

(Baohatinh.vn) - Từ những bức ảnh flycam, có thể thấy thật rõ nét sự đổi thay của quê hương Tùng Ảnh, Đức Thọ (Hà Tĩnh). Và nếu nhìn sâu hơn một chút, ta có thể cảm nhận được sự “khai sinh hoa trái” từ những mạch nguồn quê hương và niềm tự hào về người con tuấn kiệt Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Cố Tổng Bí thư Trần Phú - niềm tự hào của quê hương

Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904 tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; nguyên quán ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông đã trở thành người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới 26 tuổi (năm 1930).

Tùng Ảnh “giữ vững chí khí chiến đấu” trên chặng đường mới

Bia mộ đồng chí Trần Phú tại xã Tùng Ảnh, Đức Thọ.

Thân phụ của đồng chí Trần Phú là ông Trần Văn Phổ, thân mẫu là bà Hoàng Thị Cát. Ông Trần Văn Phổ vốn là người thông minh lại ham học đã đỗ giải nguyên, được chính quyền thực dân phong kiến bổ dụng làm tri huyện. Trong những năm làm quan, bọn thống trị thường xuyên ép buộc ông làm những việc trái với đạo lý, lương tâm, buộc ông phải quyên sinh để giữ cho tâm hồn trong sáng.

Tùng Ảnh - quê hương của đồng chí Trần Phú là vùng đất địa linh nhân kiệt. Đây cũng quê hương của lãnh tụ phong trào yêu nước Phan Đình Phùng, học giả Bùi Dương Lịch, Lê Bôi. Ở bất cứ thời kỳ nào, Tùng Ảnh cũng đều có người đỗ đạt cao, cống hiến sức lực và trí tuệ cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

Tùng Ảnh “giữ vững chí khí chiến đấu” trên chặng đường mới

Một góc khuôn viên khu mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú.

Noi gương người cha thanh bạch và tiếp nối mạch nguồn cách mạng của quê hương, người thanh niên yêu nước Trần Phú luôn giữ khí chất cương trực, đầy nhiệt tình cách mạng và sống có lý tưởng vì nước, vì dân.

Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Trần Phú sớm có ý thức tự lập, vượt khó vươn lên. Lúc đi dạy học, tham gia hoạt động cách mạng, Trần Phú càng tỏ rõ tinh thần yêu nước, yêu quê hương và lòng căm thù giặc sâu sắc.

Tùng Ảnh “giữ vững chí khí chiến đấu” trên chặng đường mới

Câu nói bất hủ “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” đã trở thành bài học cho muôn đời sau.

Năm 1931, đồng chí Trần Phú bị giặc Pháp bắt. Dù bị giặc tra tấn dã man, hay dụ dỗ, mua chuộc nhưng đồng chí không hề nao núng. Ngược lại, đồng chí còn truyền niềm tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng đến các đồng chí cùng bị giam.

Sự tra tấn và đày ải của kẻ thù đã cướp đi Tổng Bí thư Trần Phú vào ngày 6/9/1931. Nhưng trước lúc hy sinh, đồng chí Trần Phú vẫn nhắn gửi đồng chí, đồng bào với lời nói bất hủ: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Câu nói ấy còn vọng mãi giữa non sông, giữa quê hương Tùng Ảnh, là ánh sáng soi đường cho công cuộc xây dựng quê hương trong thời kỳ mới.

Bước đột phá trên chặng đường mới

Phát huy truyền thống văn hóa cách mạng, tự hào là quê hương của cố Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, Tùng Ảnh đang ngày càng vươn lên khẳng định là đơn vị đi đầu trong các phong trào. Nổi bật nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM).

Tùng Ảnh “giữ vững chí khí chiến đấu” trên chặng đường mới

Cổng làng khoa bảng Đông Thái được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Trong giai đoạn đầu (từ năm 2000 đến 2005), Tùng Ảnh là một trong 7 xã đầu tiên hoàn thành 19 tiêu chí NTM do tỉnh đề ra; giai đoạn hai từ 2006 - 2010, Tùng Ảnh đã trở thành đơn vị duy nhất hoàn thành 33 tiêu chí NTM của tỉnh khi về đích vào cuối năm 2008, rút ngắn được thời gian hai năm.

Tiếp đó, tháng 9/2019, xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Với sự cố gắng không ngừng nghỉ, Tùng Ảnh tiếp tục tạo nên bước đột phá khi trở thành 1 trong 2 xã đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM kiểu mẫu vào tháng 1/2021. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 54,2 triệu đồng.

Tùng Ảnh “giữ vững chí khí chiến đấu” trên chặng đường mới

Vẻ trù phú của Tùng Ảnh bên dòng sông La ngày nay. Ảnh: UBND xã Tùng Ảnh cung cấp

Những năm gần đây, kinh tế của Tùng Ảnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ thương mại. Hiện nay, toàn xã có 585 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, 12 tổ hợp tác, 6 HTX và 30 doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Có 3 doanh nghiệp lớn và 1 HTX về đầu tư, sản xuất trên địa bàn, góp phần giải quyết việc làm cho hàng lao động tại địa phương...

Tùng Ảnh “giữ vững chí khí chiến đấu” trên chặng đường mới

Nhà máy may xuất khẩu Appritech Hàn Quốc được đầu tư xây dựng tại thôn Châu Lĩnh, xã Tùng Ảnh với tổng mức đầu tư 6 triệu USD, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương.

Tự hào với thành quả đạt được, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Tùng Ảnh đang đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất, tiếp tục đưa NTM lên một tầm cao mới. Trong đó, quan tâm phát huy đoàn kết, dân chủ, thống nhất trong Đảng; nâng cấp tiêu chí môi trường, khôi phục và phát huy giá trị truyền thống gắn với xây dựng khu dân cư NTM bền vững; tạo nếp sống văn minh, văn hóa trong Nhân dân… Đó cũng là cách mà chúng tôi “giữ vững chí khí chiến đấu” như lời căn dặn của Tổng Bí thư cách đây 90 năm.

Ông Phan Tiến Dũng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tùng Ảnh

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Hướng dẫn số 03-HD/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên; độ tuổi cấp ủy viên; cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên BTV và phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương, cấp cơ sở...