Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đánh giá giống mới HTKB tại xã Cẩm Quang, Cẩm Xuyên
Năm nay, mới cuối tháng 8, bão đã “ghé thăm”, rút ngắn đến 10 ngày so với dự kiến sản xuất vụ hè thu trước đó. Có đến 50% diện tích chưa thể hoàn thành thu hoạch trước cơn bão đầu tiên trong năm nay ảnh hưởng đến Hà Tĩnh. Không chỉ những giống dài ngày, kể cả những cái tên thuộc vào bộ giống chủ lực chất lượng như: Nếp 98, VTNA 2 hay HT1 đều không “chạy” kịp diễn biến của thời tiết.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho biết: “Trên thực tế, vụ hè thu năm nay khá đặc biệt, dù tiến độ đã được đẩy sớm hơn các năm trước gần nửa tháng, thế nhưng vẫn không thể chủ động được thời tiết. Hiện nay, thời gian tồn tại của một giống lúa chỉ khoảng 5 - 7 năm và không có loại giống nào có thể hoàn toàn sạch sâu bệnh, cũng như chống chịu tuyệt đối với ngoại cảnh".
Đó là lý do Sở NN&PTNT với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về công tác giống phải tuyển chọn khắt khe bộ giống mới, vừa bổ sung bộ giống chủ lực để nâng cao chất lượng lúa gạo Hà Tĩnh, vừa thay thế dần các giống lúa thoái hóa.
Doanh nghiệp muốn đưa giống vào Hà Tĩnh phải đăng ký và được sự đồng ý của Sở NN&PTNT. Đồng thời, chịu sự giám sát chặt chẽ, đánh giá khoa học của cơ quan này suốt quá trình từ khảo nghiệm đến sản xuất chính thức.
Tuy nhiên, theo ông Thanh, bất cứ giống lúa nào nếu xảy ra sự cố về năng suất thì Sở NN&PTNT sẽ loại ngay ra khỏi cơ cấu. Trên thực tế, đã từng có nhiều loại giống bị “đánh bật” vì không chịu được sự khắc nghiệt của điều kiện sản xuất ở Hà Tĩnh.
Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh phải mất 4 năm để tìm chỗ đứng cho giống BQ. Trước khi trở thành giống lúa khu vực hóa trong bộ giống lúa tỉnh, BQ đã phải trải qua ít nhất hai năm để khảo nghiệm sản xuất, tiếp đó là sản xuất thử, sản xuất diện rộng trên tất cả vùng sinh thái dưới sự giám sát chặt chẽ của Sở NN&PTNT. Vụ hè thu năm nay, BQ đã phủ rộng gần như khắp các địa phương với diện tích lên đến cả nghìn ha.
Ông Hoàng Văn Hà (thôn Ích Mỹ, xã Ích Hậu, Lộc Hà) cho hay: “Mấy năm nay, tôi chuyển 2 sào lúa từ giống XM 12 sang BQ thì năng suất đều đạt cao và ổn định. Vụ hè thu năm nay đạt trên 3 tạ/sào, gặt kịp trước khi đợt mưa lớn xảy ra (2-5/9). Cái ưng nhất là bộ lá to, cây cứng nên giữ được cây không bị đổ ngã và chịu thâm canh rất cao".
Với vai trò đơn vị chủ lực về giống lúa, công ty liên tục thực hiện nhiệm vụ chọn lọc, khảo nghiệm giống mới triển vọng cho tỉnh. Vụ hè thu 2019, Hương thơm Kinh bắc (HTKB) đã lấy được “điểm cộng” khi chỉ có thời gian sinh trưởng 90 - 95 ngày. Năng suất thực thu đạt 53 - 55,2 tạ/ha, giống đang trong “tầm ngắm” có thể thay thế cho giống HT1 đã tồn tại hơn 1 thập kỷ qua.
Trong khi đó, Công ty CP Giống cây trồng Trung ương với thế mạnh “ông lớn” trong ngành giống và đang là đơn vị chiếm thị phần lớn trong sản xuất lúa gạo Hà Tĩnh. Hiện, có khoảng trên dưới chục loại giống sản xuất do đơn vị cung ứng như: RVT, Thiên ưu 8, Kim cương 111...
Giống HTKB có triển vọng thay thế giống HT1 đã dần thoái hóa
Thế nhưng, với thị trường Hà Tĩnh lại rất cẩn trọng. Ông Nguyễn Văn Lý - Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Trung ương Chi nhánh miền Trung cho biết: “Với điều kiện sản xuất Hà Tĩnh, giống lúa phải đảm bảo được thời gian sinh trưởng ngắn, chống chịu được sâu bệnh đặc thù như: đạo ôn ở vụ xuân; sâu cuốn lá nhỏ, khô vằn ở vụ hè thu... Hiện, công ty sản xuất thử 3 ha giống lúa thuần VNR20 tại xã Khánh Lộc, tuy nhiên để đánh giá khả năng chống chịu, phát huy tiềm năng năng suất, mức độ ổn định của giống thì cần phải thêm thời gian cũng như thử trên các vùng sinh thái khác nhau nữa".
Giống VNR 20 được sản xuất thử tại Khánh Lộc, Can Lộc
Trong bộ giống lúa chủ lực, giống có thời gian sử dụng lâu nhất đã kéo dài suốt gần 2 thập kỷ, giống mới nhất cũng đã 4- 5 năm. Sự thay thế, bổ sung bộ giống mới không chỉ bởi sự thích ứng ngày càng cao với điều kiện sản xuất mà còn tăng cao chất lượng hàng hóa lúa gạo Hà Tĩnh.
Tuy nhiên, thực trạng về cung ứng giống lúa Hà Tĩnh vẫn đang phụ thuộc vào ngoại tỉnh. Cơ quan quản lý nhà nước có “tỉnh táo” đến đâu thì việc kiểm soát chất lượng giống từ gốc vẫn…ngoài tầm. Vì thế, quy trình khảo nghiệm sản xuất kỹ lưỡng, âu cũng là “cẩn tắc vô áy náy”!