Đun nhiều nước và để nguội vào các bình dùng dần là thói quen của chị Mai (Hoàng Mai, Hà Nội). Không chỉ chị Mai mà đây còn là thói quen của nhiều người khác.
Trong chương trình Ngon và Lành (VTC14), PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm - ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, nước đun sôi về cơ bản đã diệt được vi khuẩn, ký sinh trùng. Tuy nhiên, để nước quá lâu vi khuẩn sẽ xâm nhập, phát triển khiến nước bị thiu, nhiễm độc.
Một số chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, chất muối axit nitrat (chất dễ gây ung thư) được sản sinh trong nước đun sôi để nguội. Cụ thể, sau một ngày mỗi ml nước có thể sản sinh 0,004 mg axit nitrat. Để sau 3 ngày, chúng có thể lên đấy 0,011 mg và 20 ngày con số này có thể là 0,73 mg.
Nước đun sôi để quá lâu có thể tái nhiễm khuẩn. Ảnh:Haikudeck.com |
Nitrat ở nước bình thường không gây hại cho cơ thể, nhưng trong hệ tiêu hóa nitrat được khử thành nitrit. Nếu lượng nitrat vượt quá mức cho phép, nitrit sẽ nhiều lên và làm giảm hô hấp của tế bào, ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp, gây đột biến, phát triển khối u dẫn đến ung thư.
PGS.TS Thịnh cho biết thêm, thông tin này không chính xác. Nước tự nhiên chỉ có một tác động duy nhất là nhiệt, nóng lên lại nguội đi. Quá trình này không thể là tác nhân gây ung thư. Bên cạnh đó, nitrat cũng không thể tự xuất hiện, chúng phải có quá trình chuyển hóa, có nguồn nitơ từ ngoài chuyển vào. Giả định có hàm lương nitrat, khi vào cơ thể sẽ trải qua quá trình đào thải. Người dân không nên quá lo lắng trước thông tin này.
Bên cạnh đó, hiện nay cũng có ý kiến, nước ở các khu vực thành phố chủ yếu sử dụng clo để khử khuẩn. Clo có thể kết hợp với các chất hữu cơ trong nước tạo thành hợp chất gây ung thư.
"Nước đun sôi để lâu ngày có thể thay đổi một số tính chất của nước như tái nhiễm khuẩn, Co2 tan trong nước làm giảm độ PH nhưng gây ung thư là thông tin phi khoa học và không có căn cứ", PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa- ĐH Khoc học Tự nhiên Hà Nội khẳng định.