Sir Alex Ferguson từng là quy chuẩn bất di bất dịch cho việc một HLV cần thời gian bởi trước khi có một sự nghiệp lẫy lừng ở Old Trafford, “Máy sấy tóc” cần tới 3 năm rưỡi mới đạt được danh hiệu đầu tiên cho Quỷ đỏ.
Nhưng thời đại của Sir Alex đã cách quá xa rồi, và nếu để tìm ra một mô hình có tính thực tiễn hơn, Solskjaer nên nhìn sang Klopp. Cũng giống như Solskjaer, chiến lược gia người Đức cũng không giành được bất cứ thứ gì trong 2 mùa trọn vẹn đầu tiên tại Liverpool.
Điều quan trọng nhất được Gary Neville nói ra trước trận derby nước Anh : “Thứ người ta quan tâm là những gì sau đó. Tôi chắc rằng BLĐ MU đang nhìn vào Solskjaer và nói:”Anh ta đang xây dựng một cái gì đó“. Đó chính là thứ Klopp đã làm trong 3 mùa đầu ở Liverpool”.
Nhưng vì Solskjaer được so sánh với những nét tích cực của Klopp, nên ông cũng phải nhận mặt trái của việc đặt lên cùng một hệ quy chiếu này. Đến mùa thứ 3 trọn vẹn của Klopp - tức mùa 2018/19, Liverpool đã vô địch Champions League và giành 97 điểm ở Premier League - nơi họ chỉ thua đúng 1 trận.
Mùa tiếp theo, The Reds đã vô địch Ngoại hạng Anh với số điểm thậm chí còn cao hơn. Mùa trước (2020/21), Liverpool chỉ giành được 69 điểm nhưng tất cả đều hiểu đội bóng của Klopp đã phải hứng chịu những điều gì thì mới dẫn tới tình cảnh đó.
Quay lại với MU, hi vọng Solskjaer thực hiện được bước tiếp theo liên quan nới niềm tin nhiều hơn là cơ sở. Đừng lôi Sir Alex ra làm bia đỡ, hãy nhớ trước khi tới MU, ông đã càn quét châu Âu cùng với Aberdeen, giành 10 danh hiệu lớn. Một người như thế xứng đáng có thời gian và sự tin tưởng.
Klopp cũng đã vô địch Bundesliga 2 lần với Dortmund, thậm chí vào tới tận chung kết Champions League. Ông đến Anfield với tư cách một trong những HLV tài năng nhất châu Âu. Đương nhiên, niềm tin để đồng hành với Klopp là rất lớn, dù đó luôn là một lộ trình trường kỳ.
Solskjaer không có được bản CV như 2 HLV vĩ đại kia, và điều đó khiến việc chờ đợi trở nên nguy hiểm. Như chúng ta vẫn nói, chờ đợi không đáng sợ, quan trọng là chờ đến bao giờ? Solskjaer có trả lời được câu hỏi này không, khi đến bản thân ông còn chưa tới đích bao giờ? Đầu tư thời gian vào một dự án không đi đến đâu chính là sự lãng phí tồi tệ nhất, đặc biệt là với quy mô của MU.
MU yếu ở đâu? Xin thưa, là tất cả mọi chỗ. Gần như vị trí nào cũng có vấn đề, trừ thủ môn. Solskjaer cần tiền vệ trung tâm. MU mua Van de Beek, vấn đề không được giải quyết. Solskjaer cần tiền đạo phải, MU mua Sancho, vấn đề không được giải quyết. Solskjaer cần trung vệ, MU mua Varane, vấn đề vẫn không được giải quyết!
Vì sao những tân binh của Klopp cải thiện Liverpool, còn của Solskjaer chỉ khiến mọi thứ thêm phức tạp. Phải chăng đấy là vì sự thiếu vắng của một triết lý rõ ràng - một cái lõi để phát triển đội bóng lâu dài và lành mạnh. Vấn đề luôn tồn tại cho tới khi tinh trạng này không còn nữa, đó là MU vẫn thắng vì con người, nhưng lại thua vì lối chơi.
Klopp truyền tải thông điệp của mình rất rõ ràng, một lối chơi tấn công tạo sức ép rực lửa, vừa mang tính giải trí, vừa không quên hiệu quả. Khi định hình lối chơi, họ điểm thêm ngôi sao vào, Mo Salah, Van Dijk và Alisson được bổ sung, danh hiệu theo sau. Tất cả đều nhận ra thành công của The Reds không phải chỉ vì họ sở hữu Salah hay Van Dijk, mà bởi họ thi đấu dựa trên một lối chơi định sẵn.
“Luôn có một ý tưởng cơ bản nhưng cầu thủ càng giỏi, thứ bóng đá càng tốt”, Klopp thừa nhận tầm quan trọng của chất lượng cầu thủ, nhưng không quên cài điều kiện tiên quyết.
Đương nhiên, “người thành công nói gì cũng đúng”. Solskjaer không có được điều đó và giờ vẫn hỗn loạn đi tìm. Kéo theo sau, là một bức tranh phản chiếu ở MU, hệt như những gì vừa diễn ra trước Atalanta . Rất có thể, khi Solskjaer chuẩn bị tới đích, ông lại không còn cơ hội để hoàn thành nó nữa, bởi BLĐ MU đâu có nhìn được thứ chỉ hiện diện qua lời hứa!