Lễ huý kỵ Hoàng Thái hậu Trần Thị Ngọc Hào ở Đức Thọ

(Baohatinh.vn) - Hoàng Thái hậu Trần Thị Ngọc Hào (hiệu Bạch Ngọc) sống vào giai đoạn cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, là vợ vua Trần Duệ Tông (1337 - 1377), nhạc mẫu vua Lê Lợi. Bà đã có nhiều đóng góp cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Sáng 8/8/2023 (22/6 âm lịch), tại chùa Am, UBND xã Hòa Lạc phối hợp với Ban trị sự chùa Am cùng bà con nhân dân trong vùng long trọng tổ chức lễ huý kỵ 592 năm ngày mất của Bạch Ngọc Hoàng Hậu Trần Thị Ngọc Hào.

Lễ huý kỵ Hoàng Thái hậu Trần Thị Ngọc Hào ở Đức Thọ

Xã Hòa Lạc phối hợp với Ban trị sự chùa Am và bà con nhân dân trong vùng về dự lễ húy kỵ của Hoàng Thái Hậu Trần Thị Ngọc Hào.

Hoàng Thái hậu Trần Thị Ngọc Hào (hiệu Bạch Ngọc) sống vào giai đoạn cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, là vợ vua Trần Duệ Tông (1337 - 1377), nhạc mẫu vua Lê Lợi.

Sau khi nhà Trần mất ngôi, nhà Minh mượn cớ sang đánh nhà Hồ để xâm lược nước ta, bà đã đưa con gái là công chúa Huy Chân (Trần Thị Ngọc Hiên) và gia nhân chạy vào xứ Nghệ, tổ chức khai phá đất hoang, lập nên nhiều làng xóm ở vùng hạ Hương Khê, thượng Can Lộc và vùng thượng Đức Thọ. Mẹ con bà mang số thóc gạo dự trữ được cung cấp cho nghĩa quân Lam Sơn.

Sau ngày thắng lợi, Bạch Ngọc Hoàng Hậu Trần Thị Ngọc Hào xin vua cho lập ngôi chùa ở Am Sơn (phát tích của chùa Am hiện nay) và xuất gia tu hành tại đây. Về sau, công chúa Huy Chân cũng xin về tu hành cùng bà tại đây.

Bạch Ngọc Hoàng Hậu qua đời vào ngày 22/6, niên hiệu Hồng Đức, đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Mộ của bà được an táng tại bản Điền Sơn, xứ Bì Cốc nay là xã Hòa Lạc (Đức Thọ).

Lễ huý kỵ Hoàng Thái hậu Trần Thị Ngọc Hào ở Đức Thọ

Lãnh đạo chính quyền địa phương và Ban trị sự chùa Am dâng hương tại bàn thờ Hoàng Thái hậu Trần Thị Ngọc Hào.

Ghi nhớ công lao to lớn của bà, nhân dân địa phương đã suy tôn bà là “Vương Mẫu”, “Thánh Mẫu”. Với những công lao to lớn và sự đóng góp của bà đối với đất nước, với Nhân dân, vua Lê Chiêu Tông đã cảm công đức to lớn của bà nên đã cho đúc tượng bằng đồng đen và thờ ở chùa Am. Trải qua bao thăng trầm biến cố của lich sử, ngày nay, đền thờ của bà đã được tôn tạo, xây dựng ngày một khang trang và được công nhận di tích lịch sử quốc gia.

Theo tục truyền, hằng năm cứ nhằm ngày 22/6 âm lịch, chính quyền xã Hòa Lạc, người dân trong vùng và các tăng ni phật tử khắp mọi miền đã tập trung về chùa Am dâng hương, đặt lễ huý kỵ (lễ giỗ) để tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn của bà theo đúng phong tục tập quán của quê hương.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast