Liên hoan tín ngưỡng thờ Mẫu cung cấp cái nhìn đúng đắn loại trừ mê tín

(Baohatinh.vn) - Liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ người Việt Lần thứ III năm 2019 tại Hà Tĩnh đã thành công tốt đẹp. Từ liên hoan cho thấy, việc thực hành tín ngưỡng trong đời sống hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm.

Nhận định về liên hoan năm nay, ông Nguyễn Văn Liền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục văn hóa Việt (thuộc Hội Khoa học giáo dục tâm lý Việt Nam) – Trưởng ban giám khảo cho rằng: “Công tác tổ chức liên hoan tại Hà Tĩnh khá tốt, chất lượng chuyên môn cao so với liên hoan ở các tỉnh khác. Các đoàn tham gia liên hoan chấp hành đúng quy định, không có những sai phạm ảnh hưởng đến hình ảnh, giá trị văn hóa của tín ngưỡng”.

Liên hoan tín ngưỡng thờ Mẫu cung cấp cái nhìn đúng đắn loại trừ mê tín

Hầu đồng là nghi thức chính và quan trọng của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu (Trong ảnh: Tiết mục diễn xướng của một thanh hầu tham dự liên hoan thực hành tín ngưỡng Mẫu Tam Phủ người Việt Lần thứ III năm 2019 tại Hà Tĩnh)

Không chỉ tạo dấu ấn với ban tổ chức, liên hoan còn để lại ấn tượng tốt đẹp với các đoàn tham gia. Đến từ Nam Sách (Hải Dương), thanh đồng Đoàn Văn Biên cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia diễn xướng tại Hà Tĩnh nhưng khá ấn tượng. Đây thực sự là cơ hội để các thanh đồng gặp gỡ, giao lưu và trao đổi những vấn đề về chuyên môn”.

Mặc dù nhận được những phản hồi tích cực từ phía các nhà nghiên cứu và thực hành nghi thức hầu đồng, hát chầu văn, tuy nhiên, sau thành công của các kỳ liên hoan vẫn còn nhiều vấn đề cần suy ngẫm về sự phát triển của loại hình văn hóa độc đáo này.

So với các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, tín ngưỡng thờ Mẫu đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Năm 2016, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã chính thức được UNESCO vinh danh, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Liên hoan tín ngưỡng thờ Mẫu cung cấp cái nhìn đúng đắn loại trừ mê tín

Nghi thức có sự kết hợp của các yếu tố trang phục, âm nhạc, hát xướng...

Ngành chức năng cũng đã xây dựng chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt giai đoạn 2017 – 2022.

“Điều đó chứng tỏ sức sống mạnh mẽ của tín ngưỡng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và thể hiện sự quan tâm của các cấp, ngành trong bảo tồn di sản văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đích thực tín ngưỡng trong đời sống hiện đại là cả một vấn đề không đơn giản” - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục văn hóa Việt Nguyễn Văn Liền phân tích.

Là người có kinh nghiệm 20 năm nghiên cứu chuyên đề hát văn, hầu đồng, ông Liền đã chứng kiến những thăng trầm trong bước đường phát triển của loại hình này. Dù khẳng định được giá trị văn hóa nhưng hầu đồng không tránh khỏi những biến tướng trong quá trình thực hành và có những thời điểm bị coi là hoạt động mê tín dị đoan.

Liên hoan tín ngưỡng thờ Mẫu cung cấp cái nhìn đúng đắn loại trừ mê tín

Trang phục, màu sắc, động tác... trong hầu đồng được quy định rất chặt chẽ (Trong ảnh: Trang phục, đồ dùng của một thanh đồng)

Nghi thức hầu đồng là nghi thức chính và quan trọng của tín ngưỡng thờ Mẫu, được thực hành theo một nguyên tắc cực kỳ chặt chẽ, thể hiện sự tự tôn dân tộc. Trang phục hầu đồng, trang sức, màu sắc, vũ đạo, âm nhạc… đều được chuẩn hóa.

Tuy nhiên, hiện nay, trong nhiều buổi hầu đồng, các quy định này đã có sự biến tấu, thay đổi, làm giảm đi sự tao nhã, linh thiêng vốn có. Theo quan niệm, những người được cho là có “căn số” thì mới hầu đồng. Nhưng, gần đây lại xuất hiện một số người giàu có, có nhu cầu thể hiện, coi lên đồng là một thú ăn chơi, khoe của; lợi dụng tín ngưỡng để kinh doanh trục lợi…đã khiến cho người dân có cái nhìn lệch lạc về tín ngưỡng này.

Tại Hà Tĩnh, tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng, nghi lễ hầu đồng nói chung cũng đang được quan tâm bảo tồn và phát huy. Theo đó, tháng 9/2019, CLB Bảo tồn di sản hát chầu văn và nghi lễ hầu đồng Trung Lương (TX Hồng Lĩnh) được thành lập.

Liên hoan tín ngưỡng thờ Mẫu cung cấp cái nhìn đúng đắn loại trừ mê tín

Để quản lý tốt hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu, cần quy định chặt chẽ những địa điểm, di tích được hầu đồng (Trong ảnh: Đền Truông Bát ở xã Ngọc Sơn, Thạch Hà thờ Bà Chúa Lộc là di tích được chọn tổ chức liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu lần thứ III)

Thanh đồng Phạm Quang Hồng – Chủ nhiệm CLB cho biết: “Chỉ mới thành lập chưa đầy 2 tháng nhưng CLB đã có 140 thành viên sinh hoạt rất tích cực. Không chỉ sinh hoạt chuyên môn về thực hành tín ngưỡng hát chầu văn và hầu đồng, chúng tôi còn phối hợp cơ quan chức năng lên kế hoạch quản lý hoạt động tín ngưỡng trên địa bàn; khôi phục các ngôi đền đã xuống cấp”.

Tuy nhiên, cũng theo thanh đồng Phạm Quang Hồng, việc bảo tồn loại hình tín ngưỡng này trong đời sống người dân địa phương không đơn giản. Tín ngưỡng thờ Mẫu luôn có sự biến đổi, dung nạp những nhân tố mới để thích ứng xã hội, nhưng sự biến đổi mạnh mẽ cần phải có sự can thiệp, quản lý để không làm sai lạc văn hóa truyền thống.

Liên hoan tín ngưỡng thờ Mẫu cung cấp cái nhìn đúng đắn loại trừ mê tín

Nghi thức hầu đồng có sức sống mạnh mẽ trong đời sống nhân dân nên cần có quy chế quản lý phù hợp để bảo tồn và phát huy giá di sản văn hóa truyền thống

Trao đổi về vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở VH–TT&DL) Nguyễn Tùng Lĩnh cho rằng: Hiện nay, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này chủ yếu dựa vào Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, song những quy định của luật chưa bao quát hết được đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu.

Để quản lý tốt thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung, tại Hà Tĩnh nói riêng thì cần tuyên truyền, tập huấn kiến thức văn hóa cho ban quản lý các di tích, các ông đồng, bà đồng, đệ tử để họ có định hướng khi thực hành; nghiêm cấm hầu đồng ở những di tích không thờ Mẫu.

Đồng thời, cũng cần tăng cường truyền thông đến người dân để có cái nhìn đúng đắn về tín ngưỡng, góp phần lưu giữ, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại.

Chủ đề Nghệ thuật biểu diễn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast