Những vấn đề đặt ra trong xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở

(Baohatinh.vn) - 80 năm qua, dưới sự dẫn đường của Đề cương về văn hóa Việt Nam, nền văn hóa của cả nước nói chung, trong đó có Hà Tĩnh đã đạt nhiều thành tựu, bao gồm xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Dẫu vậy, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra ở nội dung này.

Để định hướng cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, ngày 11/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2164/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được chia làm 4 cấp như sau: cấp tỉnh, các bộ ngành đoàn thể trung ương; cấp huyện; cấp xã; cấp thôn.

Những vấn đề đặt ra trong xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở

Lớp học Tiếng Anh miễn phí được tổ chức tại nhà văn hóa thôn Phan Chu Trinh (xã Cẩm Duệ - Cẩm Xuyên).

Với tầm quan trọng như vậy, thiết chế văn hóa, thể thao bản thân đã mang tính đại chúng sâu sắc và là thuộc tính hết sức quan trọng phải được đặt lên hàng đầu trong việc quy hoạch, tổ chức xây dựng hệ thống đó.

Một thiết chế đáp ứng được đầy đủ các tính chất của tính đại chúng sẽ được quần chúng nhân dân đón nhận, sử dụng và hưởng thụ những giá trị nó mang lại và ngược lại.

Những vấn đề đặt ra trong xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở

Thời gian qua, Hà Tĩnh đã chú trọng tập trung xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tại các nhà văn hóa thôn.

Tỉnh Hà Tĩnh trong nhiều năm qua đã chú trọng tập trung xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến thôn. Đặc biệt, từ phong trào xây dựng nông thôn mới, hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cấp xã, thôn đã phát triển nhanh, tạo ra sự thay đổi lớn về cảnh quan đô thị cũng như nông thôn tỉnh nhà.

Thông qua hệ thống thiết chế, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn dân cư, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, thể thao của các tầng lớp nhân dân; đồng thời, làm nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và địa phương.

Tuy vậy, vì nhiều nguyên nhân nên hệ thống này ở tỉnh ta còn một số bất cập cần thẳng thắn nhìn nhận. Ở cấp tỉnh, một số thiết chế hết sức quan trọng để phục vụ các nhu cầu của Nhân dân chưa được xây dựng như: Bảo tảng tỉnh; Nhà hát Nghệ thuật truyền thống; hệ thống rạp chiếu phim... Ở cấp huyện và cơ sở, một số thiết chế như sân vận động, khu thể thao tuy được đầu tư nhưng chưa phát huy giá trị sử dụng.

Theo tìm hiểu, nguyên nhân chính của các vấn đề trên là ở việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa chưa thật sự hướng tới đại chúng rộng rãi. Thực tế cũng đã chứng minh rằng, nếu một thiết chế được xây dựng mà đáp ứng đầy đủ tính đại chúng thì các thiết chế đó sẽ phát huy hiệu quả và ngược lại.

Chẳng hạn, một sân vận động có cần thiết cho các hoạt động của người dân và chính quyền cơ sở hay không? Về mặt lý thuyết, sân vận động rất cần thiết trong các hoạt động thể dục, thể thao, nhất là bóng đá và các hoạt động lễ hội. Nếu chỉ nhìn nhận như vậy, tại sao nhiều sân vận động của các xã sau đầu tư xây dựng có thực trạng bị bỏ hoang và gây lãng phí?

Để trả lời điều này, cần xem xét cụ thể đặc điểm của từng địa phương, như số người có nhu cầu chơi bóng đá có nhiều không? Vị trí để xây dựng sân vận động đó ở đâu, có thuận lợi không? Nhu cầu các hoạt động lễ hội hoặc tập trung đông người hàng năm ở địa phương đó có không?

Nếu khảo sát cụ thể và trả lời đầy đủ các câu hỏi đó chắc chắn khi sân xây dựng sẽ đón nhận được sự hưởng ứng của quần chúng và sân vận động sẽ thực sự đáp ứng đầy đủ được các tính chất của tính đại chúng.

Những vấn đề đặt ra trong xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở

Nhà văn hóa cộng đồng tránh trú lũ bão - “ngôi nhà trí tuệ” tại thôn Trung Tiến (xã Điền Mỹ, Hương Khê).

Từ thực trạng trên, có thể thấy, ở một số nơi, tính đại chúng của việc xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao bị xem nhẹ.

Thiết nghĩ, các nhà quản lý nhất là quản lý văn hóa, thể thao từ trung ương đến cơ sở cần thấu suốt và vận dụng một cách sáng tạo phù hợp thực tiễn tinh thần Đề cương Văn hóa (1943) nói chung và tính chất đại chúng nói riêng trong tất cả các hoạt động văn hóa. Cần hết sức tránh việc hành chính quan liêu, không phù hợp, xem nhẹ tính đại chúng dẫn đến không hiệu quả, lãng phí nguồn lực, trong đó có việc đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast