Đông đảo văn nghệ sỹ Hà Tĩnh tham gia buổi tọa đàm
Sáng tác các tác phẩm dành cho thiếu nhi là một hoạt động khá quan trọng trong sáng tác văn học - nghệ thuật nói chung, góp phần không nhỏ vào quá trình nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách của trẻ.
Mảng văn học thiếu nhi trước đến nay vẫn là thế mạnh của văn học Hà Tĩnh với đội ngũ sáng tác chắc tay, được tiếp nối liên tục. Số lượng tuy chưa nhiều nhưng được xuất bản và giới thiệu khá đều đặn. Nhiều tập sách có giá trị như: Sen lên, Những cây dù đỏ (Xuân Hoài), Hoa cúc vàng (Đức Ban), Giấc mơ bong bóng (Phan Trung Hiếu), Chùm nhãn ngọt, Thả diều (Lê Duy Phương)…
Nhà văn Đức Ban: Ký ức tuổi thơ và trí tưởng tưởng là hai yếu tố không thể thiếu để người viết cho thiếu nhi sáng tác nên những tác phẩm chất lượng, thu hút độc giả.
Cuộc thi Viết vẽ tuổi học trò do Hội VHNT Hà Tĩnh tổ chức cũng đã có những thành công nhất định. Sau 8 lần tổ chức, cuộc thi đã thu hút hàng nghìn bài dự thi, nhiều cây bút trẻ được phát hiện, làm phong phú hơn bức tranh văn học thiếu nhi Hà Tĩnh.
Tại buổi tọa đàm, các tác giả đã bày tỏ những tâm tư trong quá trình sáng tác cho thiếu nhi. Nhiều ý kiến cho rằng, tác giả viết cho thiếu nhi chưa thoát ra khỏi lối mòn trong cách viết ngày xưa, bị đóng khung trong kho ký ức về tuổi thơ xưa cũ; các sáng tác thơ ca khô khan, sa vào diễn giải, thiếu chất hồn nhiên của trẻ nhỏ.
Cùng với đó, đề tài tác phẩm quá quen thuộc, không có nhiều tình huống bất ngờ, hấp dẫn trong tác phẩm, nên khó tiếp cận trẻ em. Đội ngũ sáng tác kế cận đang hụt hẫng, các cây viết trẻ không mấy mặn mà với thể loại này, trong khi những cây viết già thì tuổi cao, sức yếu hoặc chuyển sang mảng đề tài khác.
Phó trưởng ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy Hà Tiến Lam: Hội VHNT cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các ban ngành liên quan để phổ biến rộng rãi, nâng cao chất lượng các sáng tác dành cho thiếu nhi
Bên cạnh đó, sự lấn sân của truyện tranh ngoại nhập, sự thống lĩnh của các tác phẩm văn học dịch cũng đã làm cho văn học thiếu nhi truyền thống "lép vế" trên thị trường sách dành cho thiếu nhi.
Các tác giả cũng cho rằng, để vực dậy lĩnh vực sáng tác văn học cho thiếu nhi, bên cạnh xây dựng đội ngũ sáng tác, có cơ chế hỗ trợ phát triển tài năng thì bản thân người sáng tác phải mang được hơi hướng của thời đại vào tác phẩm, vượt ra khỏi chính mình để sống với tâm hồn trẻ thơ.
Việc tổ chức thường xuyên hơn nữa các hoạt động thực tế sáng tác, đưa các loại hình văn học - văn nghệ thiếu nhi vào trường học, khuyến khích học sinh sáng tác… cũng được các đại biểu đề xuất nhằm nâng cao chất lượng tác phẩm cho thiếu nhi đương đại.