Trong tiến trình phát triển của mình, thế kỉ XIX có lẽ là thời kỳ rực rỡ nhất của văn học Nga. Những tác phẩm ấy ra đời và có tầm ảnh hưởng trên thế giới đến cả những thế kỷ sau. Nhờ mảnh đất hiện thực mầu mỡ của cuộc đấu tranh cách mạng và sự xuất hiện đúng lúc của các tài năng sáng chói mà văn học Nga đã bắt kịp những thành tựu của văn học phương Tây và phát triển đến đỉnh cao. Có lẽ nhờ đó mà nhiều nhà nghiên cứu đánh giá, văn học Nga là một trong những nền văn học phong phú và tiên tiến nhất của nhân loại, là một trong những thành tựu rực rỡ nhất của nghệ thuật thế giới. Nhận xét đó không hề thừa khi nước Nga sở hữu những tên tuổi chói lọi như Puskin, Lermantop, Ðôxtôiepki, Tuôcghênhep, Sêkhôp, Tônxtôi, Ilia êren bua... Những tác phẩm của các tác gia này là những mẫu mực, tinh hoa của nền nghệ thuật hiện đại và có ảnh hưởng lâu dài, sâu rộng đến các nền văn học khác trên thế giới.
Khám phá khung cảnh thiên nhiên nước Nga thơ mộng luôn là niềm ao ước của nhiều người Việt Nam |
Người ta có thể tự hào về tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình của Lep Tônxtôi như một trong những tiểu thuyết được xem là hay nhất thế giới. Không đất nước nào dễ dàng có được những bộ tiểu thuyết đồ sộ như: “Sông Đông êm đềm” (M.A.Solokhov), “Piotr đệ nhất” (A.N.Tolstoi) hay “Rừng Nga” (L.M.Leonov)… Cũng không có nước nào tôn vinh một nhà thơ Puskin thành “Mặt trời của thi ca Nga” như vậy… Chính M.Gorki đã lí giải sức hấp dẫn của nền văn học nước mình một cách đầy tự hào rằng: “Trong lịch sử phát triển của nền văn học châu Âu, nền văn học trẻ tuổi của chúng ta là một hiện tượng kì lạ. Tôi sẽ không phóng đại sự thật khi nói rằng không có nền văn học phương Tây nào ra đời với một khí thế mạnh mẽ, với một tốc độ thần kì trong một ánh hào quang rực rỡ của tài năng như nền văn học của ta. Ở châu Âu không có ai sáng tác được những cuốn sách lớn được cả thế giới hâm mộ như thế, và không có ai sáng tạo được cái đẹp thần diệu như vậy trong những hoàn cảnh không sao tả xiết (…) Không có nơi nào mà chỉ trong non một thế kỉ đã hiện lên cả một vầng sao rực rỡ của những tên tuổi vĩ đại như ở Nga”.
Nhà thơ Bằng Việt có những câu thơ rất hay về văn của Pautopxki: “Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ/ Như áng mây ngũ sắc ngủ trong đầu”. Và có lẽ những ai đã yêu văn học Nga thì câu thơ ấy không chỉ để riêng nói về truyện Pautopxki. Lòng yêu nước nhiệt thành, khát vọng tự do, dân chủ, tinh thần nhân đạo cao cả, tư tưởng phê phán, tố cáo xã hội sâu sắc được phản ánh trong phần lớn những tác phẩm từ lớn đến nhỏ của nền văn học này rất phù hợp với tâm tư tình cảm của người Việt, hoàn cảnh lịch sử nước Việt nên có sức ảnh hưởng rất lớn. Đã có những thế hệ lớn lên trong những câu chuyện cổ tích của Nga như Ông già Khốt- ta- bít của Lazar Lagin, Cánh buồm đỏ thắm của Aleksandr Grin, rồi sau đó là “Người thầy đầu tiên”, “Giamilia”, “Cây phong non trùm khăn đỏ”.. của Aitmatov, truyện ngắn của Sê-khop…. Nhiều thế hệ người Việt đã đi qua chiến tranh bằng những bộ tiểu thuyết đồ sộ chứa đựng tinh thần nhân văn cao cả như: Sông Đông êm đềm, Chiến tranh và hòa bình, Người mẹ, Thép đã tôi thế đấy… Những tác phẩm ấy đã có mặt rất lâu trong các thư viện, tủ sách gia đình ở nhiều nước trên thế giới.
Nhân vật Pavel - hình mẫu lý tưởng của thanh niên Việt Nam thời chống Mỹ |
Ở Việt Nam thì tiểu thuyết, truyện ngắn hay thơ Nga là những quyển sách gối đầu cho cán bộ, chiến sỹ, sinh viên, học sinh Việt Nam trong suốt cả một quá trình dài đấu tranh bảo vệ và xây dựng tổ quốc. Mỗi người đều tìm thấy cho mình những tác phẩm, tác giả yêu thích và những nhân vật, tính cách Nga và dòng tư tưởng trong những tác phẩm ấy đã tác động sâu sắc đến tư tưởng, lý tưởng và hành động của không ít người. Có thế thấy điều này rõ nhất qua tác phẩm Thép đã tôi thế đấy của Nikolai A.Ostrovsky. Đây là cuốn sách gối đầu của nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam. Thông qua nhân vật Pavel, tác phẩm đã truyền cho thanh niên Việt Nam thời kỳ chống Mỹ ngọn lửa yêu nước và chất thép cách mạng. Chắc hẳn những người từng tham gia chiến tranh đều tôn sùng nhân vật Pavel coi phương châm sống của nhân vật này là của mình: Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người.... Có thể tìm thấy điều này trong rất nhiều cuốn nhật ký, lưu bút của thế hệ cán bộ, chiến sỹ cách mạng Việt Nam mà phổ biến nhất là trong cuốn Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc (Mình thèm khát được sống như thế. Sống trọn vẹn cuộc đời dành cho Đảng, cho giai cấp. Sống vững vàng trước những cơn bão táp của cách mạng và của cuộc đời riêng...") và Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm (có những người lính như mình nằm dưới công sự nghe giặc đào ở trên mà vẫn kể cho nhau nghe chuyện về anh chàng Pavel Corsaghin trong "Thép đã tôi thế đấy"). Ngoài ra, nhiều bài thơ cách mạng, thơ tình Nga được dịch ra tiếng Việt cũng được nhiều thanh niên Việt Nam yêu thích và chọn làm lẽ sống như: Anh yêu em của Puskin, Đợi anh về của Xi – mô – nốp, Không đề, Mùa lá rụng của Onga Becgon, Tổ quốc bắt đầu từ đâu của M. Matuxốpxki , Cuộc sống ơi, ta mến yêu người của K. Vansenkin v.v….
Không chỉ có thế, thiên nhiên thơ mộng của nước Nga với những rừng dương phủ tuyết trắng, rừng phong lá đỏ hay thảo nguyên mênh mông đã trở thành niềm yêu mến của người Việt, thậm chí trở thành động lực, quyết tâm sang Nga du học. Để sau chiến tranh, đội ngũ trí thức này đã góp phần to lớn trong việc xây dựng tổ quốc Việt Nam XHCN.
Độc giả Việt Nam đã từng tiếp cận Văn học Nga theo cách như thế: Yêu thích và ngưỡng mộ rồi phấn đấu để cống hiến. Nhiều ngày, thiều tháng, nhiều năm đã qua đi nhưng tình yêu ấy vẫn âm ỉ cháy trong tâm hồn người Việt. Tuy không sôi nổi và hào hứng như những năm tháng chiến tranh nhưng vẻ đẹp và giá trị tầm cỡ của các tác phẩm ấy vẫn tiếp tục hấp dẫn độc giả Việt Nam, để văn học Nga và nước Nga luôn gần gũi trong tình yêu người Việt!