Gìn giữ hồn cốt làng quê xưa trong bức tranh nông thôn mới ở Lộc Hà

(Baohatinh.vn) - Cổng làng, giếng nước, gốc đa… biểu trưng của cuộc sống yên bình, gần gũi vẫn được người dân Lộc Hà (Hà Tĩnh) bảo tồn, gìn giữ, tôn tạo làm điểm nhấn trong bức tranh NTM.

Gìn giữ của sự uy nghi của mỗi làng quê

3-copy-6253-4970.jpg
Cổng làng thôn Hồng Thịnh (xã Thịnh Lộc) uy nghi, bề thế, có lối kiến trúc đẹp.

Nằm dọc tuyến đường quốc lộ ven biển đi qua xã Thịnh Lộc là 5 làng quê đang được khoác trên mình những tấm áo mới nhờ thành quả của công cuộc xây dựng NTM, đó là các thôn Quang Trung, Hồng Thịnh, Yên Định, Hòa Bình, Nam Sơn. Cùng với những mái ngói đỏ tươi, các công trình phúc lợi khang trang là những tuyến đường trục thôn, ngõ xóm được mở rộng, thảm nhựa thoáng mát nối nhau, vươn đến mỗi nếp nhà. Đặc biệt, 5 cổng làng được đầu tư xây dựng kiên cố đã tạo nên những nét chấm phá ấn tượng trong bức tranh chung và thể hiện sự yên bình, uy nghi, nền nếp của mỗi làng quê…

Ông Hoàng Văn Hồng - Bí thư Chi bộ thôn Hồng Thịnh (xã Thịnh Lộc) chia sẻ: “Trong quá trình xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, bà con trong thôn rất quan tâm đến việc xây dựng hệ thống thiết chế nhà văn hóa để gìn giữ những nét đẹp truyền thống, nổi bật nhất là tôn tạo, xây dựng các cổng làng. Riêng cổng làng Hồng Thịnh có mức kinh phí xây dựng hàng trăm triệu đồng, làm theo lối kiến trúc cổ xưa, mang bản sắc văn hóa riêng của cư dân trong vùng. Đối với những người con xa xứ, cổng làng của chúng tôi là hình bóng của quê hương, xứ sở; còn đối với thôn dân thì đây là niềm tự hào, thành quả của quá trình đóng góp công sức, tiền của, trí tuệ để xây dựng cuộc sống luôn yên bình, êm ấm, đủ đầy…”.

12-copy-2979-6675.jpg
Người dân thôn Thanh Mỹ (xã Phù Lưu) xem việc xây dựng, chỉnh trang, dọn dẹp cổng làng là trách nhiệm của mỗi người, mỗi nhà.

Trên vùng quê giàu trầm tích lịch sử - văn hóa Lộc Hà hiện có 5 xã có cổng chính và 56 thôn có cổng làng kiên cố, mang đậm hồn cốt làng quê xưa trong bức tranh NTM hôm nay. Dựa trên những đặc điểm về văn hóa, phong tục tập quán của từng vùng, từng làng mà các cổng làng được xây dựng phong phú về kiểu mẫu, có cả sự kết hợp giữa cổ xưa và hiện đại… Nhưng, tất cả đều rất đẹp, linh thiêng, ý nghĩa và thể hiện được tinh thần đoàn kết, niềm tự hào của mỗi người dân.

Trong hàng chục cổng làng đó, có nhiều cổng rất ấn tượng như: cổng làng thôn Thanh Mỹ (xã Phù Lưu), cổng làng thôn Tiến Châu, Thanh Tân (xã Thạch Châu), Đông Thắng (Mai Phụ), Hồng Thịnh (xã Thịnh Lộc)…

Anh Đặng Văn Hòa – Trưởng thôn Thanh Mỹ (xã Phù Lưu) chia sẻ: “Để lưu giữ những nét cổ xưa trong cuộc sống hiện đại ngày nay, ngay từ khi bắt tay vào xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, bà con chúng tôi đã có ý tưởng xây dựng cổng làng thật ấn tượng. Năm 2018, chúng tôi đã vận động Nhân dân, con em xa quê được hơn 300 triệu đồng để xây dựng cổng làng thuộc diện đẹp nhất huyện, được làm bằng đá nguyên khối, hai bên cổng chạm khắc cầu kỳ, 4 mặt câu đối được khắc nổi trên nền hoa văn đẹp, bên cổng dựng bia đá khắc tên làng…”.

1-copy-9615-7656.jpg
Đi qua cổng làng thôn thôn Thanh Tân (xã Thạch Châu) là đến một vùng quê trù phú, yên bình, giàu bản sắc văn hóa.

Để hòa quyện những giá trị văn hóa, tâm linh xưa với các giá trị trong xây dựng NTM ngày nay, nhiều địa phương ở Lộc Hà đã huy động các nguồn lực xây dựng hệ thống cổng làng khang trang, hiện đại, nhưng cũng đầy hoài niệm, thân thương. Đằng sau những chiếc cổng làng uy nghi, nền nếp đó là những vùng quê đáng sống. Mọi người, mọi nhà đang cùng nhau đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới, hăng say lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống no đủ, bình yên, hạnh phúc. Các địa phương tiêu biểu trong xây dựng cổng làng hiện nay là Thạch Châu, Mai Phụ, Thịnh Lộc, Phù Lưu, Ích Hậu…

Anh Lê Tiến Quyết – cán bộ phụ trách NTM xã Thạch Châu thông tin: “Những năm qua, xã Thạch Châu đã vận động, khuyến khích Nhân dân và con em xa quê chung tay xây dựng, bảo vệ, phát huy các giá trị truyền thống từ những công trình văn hóa cổ xưa, nhất là xây dựng cổng làng. Toàn xã hiện có 7/11 thôn xây dựng được cổng làng kiên cố, mỗi cổng có trị giá từ 200 – 450 triệu đồng, làm hoàn toàn bằng nguồn xã hội hóa. Những cổng làng này đã tạo nên những điểm nhấn trong bức tranh xã NTM kiểu mẫu”.

4-copy-186-6134.jpg
Không gian mang đậm nét hoài cổ ở thôn Chân Thành (xã Bình An) với cổng làng kiên cố và uy nghi, cây đa xanh mướt bên giếng Tran (giếng cổ nhất huyện, có từ thế kỷ 15, đã qua 3 lần tôn tạo).

Ông Lê Quang Huệ - cán bộ hưu trí ở thôn Thanh Tân (xã Thạch Châu) bộc bạch: “Chúng tôi rất tự hào về cổng làng của thôn mình vì không chỉ là một công trình kiến trúc đẹp, mang bản sắc văn hóa cộng đồng mà còn là nơi “níu giữ” và “mở ra” bao giá trị văn hóa, lịch sử từ ngàn xưa. Phía sau cánh cổng làng của thôn chúng tôi là sự kết nối cộng đồng gia tộc, kết nối làng xã, là những nét chung về phong tục, tập quán và cũng là bản sắc văn hóa riêng biệt, không hòa lẫn với các vùng quê khác. Vì vậy, dù nhịp sống đô thị hóa có phát triển đến đâu thì nét riêng, hồn cốt riêng của xóm làng chúng tôi vẫn không thể nào mất đi”.

Khơi dậy mạch nguồn trong mát từ ngàn xưa

7-copy-2099-8800.jpg
Giếng Truông ở thôn Xuân Triều (xã Bình An) được xây dựng từ năm 1538, đến năm 2023, Nhân dân trong vùng quyên góp 500 triệu đồng để xây dựng, chỉnh trang thành điểm sinh hoạt cộng đồng.

Giếng làng ở các vùng quê ven biển ngày nay không còn là nơi các bà, các mẹ, các chị sớm chiều ra gánh nước, giặt giũ, nghỉ chân chuyện trò, cũng chẳng còn là nơi trai gái hẹn hò, hay điểm để lũ trẻ tắm táp nô đùa như ngày xưa; nhưng đây vẫn là không gian sinh hoạt văn hóa quan trọng, gần gũi, thường xuyên của những người dân quê mộc mạc, chân tình. Từ không gian giếng nước đã góp phần vun đắp tình làng nghĩa xóm, thắt chặt tình cộng đồng, tạo ra một bầu không khí sinh hoạt gần gũi.

11-copy-4736-5863.jpg
Quang cảnh nên thơ ở giếng làng Đồng Xuân (xã Hộ Độ).

Hiện nay, các vùng quê ở Lộc Hà luôn có xu hướng khơi dậy được mạch nguồn trong mát từ ngàn xưa, phục dựng hệ thống giếng làng để làm điểm nhấn trong bức tranh NTM. Trong hàng chục giếng cổ trên địa bàn thì giếng làng thôn Đồng Xuân ở xã Hộ Độ (hay còn gọi là giếng Mụ Ruộng) được trùng tu, tôn tạo mới nhất.

Với tình cảm đối với quê hương, cách đây hơn 2 tháng, các doanh nghiệp và con em làm ăn xa quê cùng người dân trong thôn Đồng Xuân đã phát tâm quyên góp được hàng trăm triệu đồng để phục dựng lại giếng cổ được xây dựng dưới thời vua Tự Đức. Cùng với tôn tạo lại giếng, các nhà hảo tâm còn ủng hộ kinh phí để xây dựng khuôn viên xung quanh thoáng mát, nhiều cây xanh, bố trí bàn ghế đá, có đèn chiếu sáng, các bức tường rào được vẽ tranh bích họa… để tạo nên một không gian vui chơi giải trí cho mọi người dân trong thôn.

22-copy-3598-4748.jpg
Giếng làng Đồng Xuân vừa được trùng tu, tôn tạo.

Trải qua bao thăm trầm lịch sử, nhất là trước nhu cầu phát triển của cuộc sống hiện đại, không gian và giá trị sử dụng của các giếng làng dần bị thu hẹp nên nhiều giếng làng bị lãng quên, xuống cấp. Chính vì thế, trong quá trình xây dựng NTM, các địa phương ở Lộc Hà luôn chú trọng đến việc phục dựng lại các giếng làng và nhiều nơi đã làm rất tốt như Hồng Lộc, Hộ Độ, Bình An, Ích Hậu, Tân Lộc...

Hiện nay, toàn huyện đã có 22 giếng cổ được khôi phục, xây dựng khang trang, sạch đẹp, an toàn bằng nguồn xã hội hóa trị giá hàng trăm triệu đồng và khoảng 40 giếng khác cũng đang được quan tâm, chờ ngày khôi phục lại. Nhiều giếng cổ mới được khôi phục tạo điểm nhấn của làng quê như giếng làng Đồng Xuân (xã Hộ Độ), giếng làng thôn 7 (xã Bình An), giếng Cồ (thôn Đông Thịnh, xã Hồng Lộc)…

154d5014031t12919l0-2505-835.jpg
Giếng Cồ ở thôn Đông Thịnh (xã Hồng Lộc) mới được người dân trong thôn phục dựng.

Xã Hồng Lộc được xem là địa phương có nhiều giếng cổ được khôi phục, bảo vệ nhất huyện Lộc Hà. Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc Lê Viết Bình chia sẻ: “Từ ngàn xưa đến nay, giếng nước luôn có vai trò cực kỳ quan trọng trong sinh hoạt, đời sống của người dân mỗi làng nên khi xây dựng NTM, bà con luôn quan tâm đến các công trình cổ xưa này. Hiện nay, 12 giếng cổ trên địa bàn đang được tôn tạo, bảo vệ rất cẩn thận để lưu giữ những nét đẹp của làng quê xưa và tạo không gian sinh hoạt thân thiện trong cộng đồng hôm nay. Ngoài ra, đây còn là nguồn hiện vật, tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu, khảo cổ tìm hiểu về giá trị giếng làng, kỹ thuật xây dựng giếng theo kiểu Chăm Pa xưa, cũng như lịch sử hình thành, phát triển làng xã trên địa bàn”.

1111-copy-8723-1180.jpg
Sau khi được trùng tu, tôn tạo, các giếng cổ đã trở thành những nơi sinh hoạt cộng đồng lành mạnh, là điểm nhấn trong bức tranh NTM ở Lộc Hà.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Nguyễn Việt Cường chia sẻ: “Với mỗi người dân Lộc Hà, cứ hễ nhìn thấy cổng làng, giếng nước, gốc đa… là nhìn thấy quê hương, nhớ nguồn cội, người thân và hướng về những vùng quê đầy gần gũi, yêu thương. Tôn trọng những di sản văn hóa cổ xưa, phát huy truyền thống tốt đẹp của ông cha nên cùng với việc xây dựng làng xã văn hóa, địa phương đạt chuẩn NTM thì chúng tôi luôn ưu tiên phục dựng, bảo tồn các giá trị lịch sử văn hóa, tâm linh, nhất là hệ thống giếng làng, cổng làng, chùa chiền... Qua đó, góp phần lưu giữ và tiếp tục phát huy những nét đẹp cổ xưa, tạo những điểm nhấn hài hòa trong bức tranh NTM trên địa bàn và tạo không gian sinh hoạt văn hóa lành mạnh, an toàn cho người dân”.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

'Săn' mai anh đào nở sớm

'Săn' mai anh đào nở sớm

Thời điểm này, trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, người dân và du khách đã bày tỏ sự vui mừng khi hoa mai anh đào đã bắt đầu nở rộ tại khắp các vùng ngoại ô TP Đà Lạt.
Kịch bản 'Táo quân 2025' bị lộ?

Kịch bản 'Táo quân 2025' bị lộ?

Theo bảng phân vai "Táo quân 2025" được NSƯT Chí Trung đăng tải, buổi chầu năm nay của các Táo sẽ thay bằng hình thức cuộc thi.
Podcast truyện ngắn: Hơi ấm đêm xuân

Podcast truyện ngắn: Hơi ấm đêm xuân

Tim tôi như đứng lặng trong lồng ngực. Cớ gì mọi thứ lại trùng hợp đến vậy. Tôi khẽ nhìn khuôn mặt anh Ba qua kính chiếu hậu, thấy anh hiền, chân chất, lương thiện, nhân hậu như má, như ba...
VTV tung những hình ảnh đầu tiên về 'Táo quân 2025'

VTV tung những hình ảnh đầu tiên về 'Táo quân 2025'

Mới đây, chương trình "VTV Kết nối" đã thực hiện phóng sự đột nhập phòng tập "Táo quân" lúc nửa đêm. Các nghệ sĩ Chí Trung, Quang Thắng, Vân Dung... cũng có những chia sẻ đầu tiên về chương trình.
Podcast tản văn: Mùi của tết

Podcast tản văn: Mùi của tết

Những ngày cuối đông, tiết trời hao hao rét. Giữa khung cảnh ngược xuôi tấp nập của phố phường, ta thoảng nghe trong gió lạnh một mùi vị rất quen thuộc...
Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Vui bốn mùa

Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Vui bốn mùa

Tiết mục Vui bốn mùa (dân ca quan họ Bắc Ninh lời cổ), phối khí: NSƯT Quang Hưng, biên đạo: NSƯT Khánh Toàn, do Đoàn nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Hoa muộn

Podcast truyện ngắn: Hoa muộn

Bên trong vẫn ồn ào náo nhiệt, ngoài này tĩnh lặng bất thường. Chú nắm tay Thụy, ấm áp và yêu thương. Đêm bỗng nở hoa. Muộn mằn nhưng nồng nàn...
Podcast: Bức họa tháng Chạp

Podcast: Bức họa tháng Chạp

Thế là tháng Chạp đã trở về trong sự dùng dằng của đất trời buổi cuối đông. Lòng người vào Chạp cũng trở nên khác lạ với những hối hả để gói ghém lại một năm dài, với những chậm rãi, níu kéo trong sự ươm ủ đón chờ năm mới…
Podcast truyện ngắn: Chiếc khăn xanh

Podcast truyện ngắn: Chiếc khăn xanh

Tôi không biết điều kỳ diệu nào đã giữ bà tôi gắng gượng ở lại đón cái Tết cuối cùng với gia đình năm đó. Nhưng mãi về sau này, trên những hành trình xuôi ngược, tôi luôn giữ bên mình chiếc khăn len màu xanh bà trao cho tôi ngày ấy...