Phục dựng giếng cổ, giữ gìn nét văn hóa làng quê

(Baohatinh.vn) - Phong trào phục dựng, tôn tạo giếng làng đã góp phần bảo tồn truyền thống văn hóa, tạo nên một nét đẹp riêng trong bức tranh nông thôn mới ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh).

aDJI_0371.jpg
Giếng làng tại thôn 7 (xã Bình An, Lộc Hà) được tôn tạo công phu, tạo cảnh quan đẹp mắt.

Cùng với hình ảnh cây đa, sân đình, thì giếng nước (giếng làng) là một biểu tượng truyền thống của làng quê Việt Nam. Những hình ảnh ấy đã đi sâu vào tiềm thức của người dân và trở thành biểu tượng mang giá trị tinh thần ở nhiều làng xã.

Để góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đó, những năm qua, người dân huyện Lộc Hà đã huy động nguồn lực, góp ngày công, hiến đất, hiến cây, chung tay phục dựng, tôn tạo các giếng làng, tạo nên một nét riêng trong bức tranh nông thôn mới huyện nhà.

aIMG_0950 copy.jpg
Giếng làng tại thôn 3 (xã Bình An) được phục dựng với tường bao, nền gạch, lối vào.

Theo chân cán bộ văn hóa tới tham quan khuôn viên cây đa, giếng làng tại thôn 3, xã Bình An, chúng tôi cảm nhận được một không gian chan hòa, gần gũi, bình dị và thân thương của làng quê.

Người dân nơi đây cho biết, giếng làng này đã tồn tại nhiều trăm năm và không bao giờ cạn. Vì vậy mà những ngày khô hạn, người dân từ các vùng lân cận cũng tìm đến để gánh nước về dùng. Trải qua bao năm tháng, bao thế hệ, vết chân của người đi lấy nước hằn rõ lên những viên gạch thẻ xung quanh miệng giếng, trở thành dấu tích của thời gian, minh chứng cho sự cổ xưa của giếng làng.

Tuy nhiên, sự khắc nghiệt của thời gian, chiến tranh, khu vực này dần trở nên hoang sơ, cây cối um tùm, hoang vắng. Việc phục dựng giếng làng trở thành niềm trăn trở của những người con sinh ra trên mảnh đất này.

aIMG_0924.jpg
aIMG_0946.jpg
aIMG_0953.jpg
Nét cổ xưa được lưu giữ tại giếng làng thôn 3 xã Bình An.

“Từ nguồn kinh phí xã hội hóa và đóng góp của con em xa quê, sự hỗ trợ, động viên của địa phương, công trình phục dựng giếng làng chính thức được khởi công năm 2016 và hoàn thành năm 2018 với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng. Quá trình phục dựng chúng tôi cố gắng gìn giữ những nét nguyên sơ của công trình, đồng thời xây dựng thêm các hạng mục như lối đi, tường bao, sân bãi… trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương”, ông Nguyễn Đình Bá - một người dân địa phương chia sẻ.

aIMG_0965.jpg
Khuôn viên giếng làng thôn 7 xã Bình An được tôn tạo công phu.

Tại thôn 7, xã Bình An, công trình tôn tạo khuôn viên Giếng Truông với tổng kinh phí gần 600 triệu đồng trở thành một điểm nhấn trong không gian văn hóa vùng quê nơi đây. Theo người dân, rất khó để xác định “tuổi” của giếng làng, chỉ biết rằng tuổi thơ của những người cao niên nhất cũng đã gắn liền với dòng nước mát lành này.

Tới nay, với nguồn lực xã hội hóa, giếng được trùng tu, xây dựng lại và nằm trong khuôn viên với các công trình cây đa, hồ sen, núi đá, công viên cây xanh… tạo nên hình ảnh làng quê nông thôn vừa tươi mới nhưng vẫn giữ được nét mộc mạc, thân quen.

aIMG_0967.jpg
Nguồn nước mát nuôi dưỡng bao thế hệ người dân.

Được biết, trên địa bàn xã Bình An đã có 3/7 giếng được phục dựng và phong trào ngày càng được bà con đồng tình hưởng ứng cao.

Tại xã Hộ Độ, có 3/4 giếng cổ đã được tôn tạo và đã trở thành điểm giao lưu, vui chơi, sinh hoạt cộng đồng bổ ích cho bà con.

Đứng bên cạnh giếng làng thôn Đồng Xuân (xã Hộ Độ), ông Lê Doãn Nông cho biết: "Từ đầu những năm 90, khi đời sống phát triển, người dân trong thôn đều đào, khoan giếng để thuận tiện hơn trong sinh hoạt cũng như có nhiều nguồn nước sạch khác nên giếng làng ngày một xuống cấp, bỏ hoang. Sau thời gian tích cực vận động, thôn đã huy động được 200 triệu đồng để phục dựng giếng làng trong niềm mong mỏi của bà con nhân dân".

aIMG_0987.jpg
Giếng làng thôn Đồng Xuân được tôn tạo từ nguồn xã hội hóa.

Với những người sinh ra từ làng quê, giếng làng đã trở thành một hình ảnh rất đỗi thân quen, gắn bó trong cuộc sống. Vì vậy, khi nhìn khung cảnh người dân quây quần trong khuôn viên giếng làng, mỗi người đều cảm thấy vui và ấm áp, bởi những giá trị văn hóa làng vẫn được gìn giữ và phát huy bởi các thế hệ mai sau.

Phó Chủ tịch UBND xã Hộ Độ Hoàng Hải Đường thông tin: “Gắn liền với phong trào xây dựng nông thôn mới, khu dân cư kiểu mẫu, việc tôn tạo giếng làng đã hình thành nên không gian giao lưu, vui chơi, sinh hoạt cộng đồng, nâng cao đời sống văn hóa cho người dân, đồng thời góp phần giáo dục cho thế hệ sau về những nét đẹp văn hóa của quê hương”.

aIMG_0998.jpg
Giếng làng trở thành không gian để người dân sinh hoạt cộng đồng.

Dẫu không còn phát huy công năng, mục đích như vốn có, song phong trào phục dựng giếng làng đã trở thành nhu cầu của người dân Lộc Hà. Đó là mong muốn khôi phục giá trị tinh thần, gìn giữ truyền thống, phát huy nét đẹp xưa. Quá trình tôn tạo đã xây dựng được nét đẹp văn hóa làng quê, tạo điểm sinh hoạt, giao lưu kết nối, tạo điều kiện để người dân tham gia nhiều hơn vào các hoạt động văn hóa, góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống của làng Việt.

Gắn liền với thực hiện tiêu chí nông thôn mới ở địa phương, 20/29 giếng làng tại huyện Lộc Hà đã được trùng tu với nguồn lực xã hội hóa chiếm 95%. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, kêu gọi xã hội hóa, đồng hành với người dân tôn tạo giếng làng, từ đó xây dựng nét đẹp làng quê, duy trì và phát huy giá trị văn hóa, đưa đời sống tinh thần của người dân ngày một nâng cao.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Nguyễn Việt Cường

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Truyện ngắn: Màu áo lính

Truyện ngắn: Màu áo lính

Phía ngoài ô cửa sổ, loa phát thanh đang vang lên tin tức về những hoạt động mừng ngày tết Độc lập. Ông Việt nhìn ra lá cờ đỏ sao vàng tung bay ngoài song cửa rồi mắt ông ầng ậc nước…
Cây muỗm ở Nghi Xuân là cây di sản Việt Nam

Cây muỗm ở Nghi Xuân là cây di sản Việt Nam

Cây muỗm được công nhận cây di sản Việt Nam có tuổi đời hơn 360 năm, nằm trong khuôn viên nhà thờ Phan Tôn Chu và Ngọc Hoa công chúa ở thôn Phú Vinh, xã Cổ Đạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Miền gió

Podcast truyện ngắn: Miền gió

Anh hứa chỉ xin gặp lại một lần thôi chứ sẽ không làm gì xáo trộn cuộc sống bình yên của chị, nhưng chị biết tình yêu ban đầu ấy vẫn còn như ngọn lửa, chỉ một khoảnh khắc thôi cũng đủ cháy bùng lên tựa thuở thanh xuân...
Kịch bản nào cho nơi "địa lý yếu" dịp 2/9?

Kịch bản nào cho nơi "địa lý yếu" dịp 2/9?

Điểm đến gặp bất lợi về địa lý cần đẩy mạnh "những con chim mồi" đặc trưng tại địa phương nếu muốn thu hút dòng khách nội địa, theo ông Dương Đức Minh, Phó Viện Trưởng ITERD.
Chuyên gia: 8Wonder đang là “đường hai chiều” kết nối âm nhạc Việt Nam với thế giới

Chuyên gia: 8Wonder đang là “đường hai chiều” kết nối âm nhạc Việt Nam với thế giới

8Wonder đang trở thành sân khấu đẳng cấp thế giới khiến người hâm mộ mong chờ. Sau những màn thăng hoa đỉnh cao tại Phú Quốc và Nha Trang, giới chuyên gia tin tưởng, 8Wonder Moon Festival với siêu đại nhạc hội lần đầu tổ chức ở Hà Nội sẽ là cú bùng nổ tiếp theo mang âm nhạc Việt ra thế giới.
Truyện ngắn: Triền cỏ lau thơm nắng

Truyện ngắn: Triền cỏ lau thơm nắng

Tôi vẫn còn nhớ rất rõ hình ảnh ba tôi những sớm những chiều đi về trên dốc nắng. Bóng ba đổ xuống, vươn dài tận chân đồi bên kia...
Podcast tản văn: Lớp lớp rêu phong

Podcast tản văn: Lớp lớp rêu phong

Tôi ngồi trước nhà mà vẫn mường tượng rõ mồn một bước chân luôn tất tả của mẹ, khi thì với đôi quang gánh, lúc thì mấy lưỡi liềm. Người mẹ cả một đời tần tảo, chẳng có phút giây nào được ngơi nghỉ...
Chương trình nghệ thuật 'Vĩ tuyến 17 - Khát vọng hòa bình': Sâu lắng và xúc động

Chương trình nghệ thuật 'Vĩ tuyến 17 - Khát vọng hòa bình': Sâu lắng và xúc động

Chương trình nghệ thuật chính luận đặc biệt "Vĩ tuyến 17 - Khát vọng hòa bình" đã đưa khán giả đến với những câu chuyện về những huyền thoại đôi bờ Hiền Lương, nơi vĩ tuyến 17 chỉ có thể chia cắt được về mặt địa lý, nhưng lại là sợi dây nối liền tình yêu nước, tình yêu quê hương của những con người vùng “đất thép”.