Làng văn hóa du lịch Trường Lưu nhìn từ những giá trị cốt lõi

(Baohatinh.vn) - Lưu giữ hệ thống các công trình, di tích lịch sử văn hóa nhiều giá trị là cơ sở để hướng đến bảo tồn, xây dựng làng cổ Trường Lưu (xã Kim Song Trường, Can Lộc, Hà Tĩnh) trở thành làng văn hóa du lịch.

b1.jpg
CLB Dân ca ví, giặm xã Kim Song Trường tập luyện bên sân Đình làng Trường Lưu.

Trong chuyến khảo sát gần đây ở làng Trường Lưu để tìm bối cảnh cho bộ phim với đề tài xưa, đạo diễn nổi tiếng Lưu Trọng Ninh cho rằng: “Hiếm có nơi nào còn lưu giữ được một hệ thống di tích cổ xưa như ở Trường Lưu. Một không gian quá khứ với những ngôi nhà cổ, những con đường làng, con ngõ, giếng nước đến ngôi nhà… đều đậm hồn xưa, nét cổ”.

Không riêng đạo diễn Lưu Trọng Ninh, từ bao lâu nay, những di sản văn hóa, những danh nhân tài ba của làng Trường Lưu đã trở thành mối quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và du khách thập phương; trở thành đề tài của nhiều nhà khoa học lịch sử, xã hội…

bqbht_br_a1-2796.jpg
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh bên ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi ở làng Trường Lưu.

Theo các tư liệu lịch sử, làng Trường Lưu được hình thành cách đây hơn 600 năm, người có công lập nên ngôi làng là ông Nguyễn Uyên Hậu, người từng giữ chức Ngũ kinh bác sĩ (thầy giáo dạy 5 kinh) ở Quốc Tử Giám. Ông là Thủy tổ họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu, sinh sống ở vùng đất này vào quãng giữa thế kỷ XV. Tương truyền, thời điểm đó các làng ở đây gồm Kẻ Đò, làng Vạc và làng Tràng đều ở đồng trũng, người dân vất vả quanh năm. Nhận thấy vùng đất Phượng Lĩnh cách đó không xa là nơi “địa linh tú khí”, cao ráo, bề thế, có cơ phát triển, ông Uyên Hậu đã đề xuất với người dân ở 3 làng chuyển về đó lập làng, sau đó nhập với Kẻ Bỉn (thuộc làng Đông Tây) đặt tên làng mới là Tràng Lưu (hay Trường Lưu). Kể từ đó, làng quê này không ngừng phát triển, “địa linh” đã sinh ra nhiều bậc “tuấn kiệt”, cống hiến cho đất nước trong nhiều thời kỳ lịch sử.

a1.jpg
Đường vào làng Trường Lưu

Trải qua hơn 6 thế kỷ hình thành và phát triển, Trường Lưu đã khắc tên vào bản đồ đất nước bằng những danh nhân nổi tiếng cùng những giá trị văn hóa độc đáo. Ngày nay, khi về thăm xã Kim Song Trường, du khách vẫn có thể cảm nhận được chiều sâu và chiều dài văn hóa qua hệ thống di sản văn hóa phi vật thể còn được người dân lưu giữ. Theo thống kê của Ban Quản lý Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa làng Trường Lưu, hiện nay, trên địa bàn có hàng chục công trình, di tích gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của làng. Trong đó, có 4 di tích cấp quốc gia gồm: nhà thờ Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ, mộ và nhà thờ Nguyễn Huy Oánh, đền thờ Nguyễn Huy Cự; 8 di tích cấp tỉnh gồm: đình làng Trường Lưu, nhà cổ Nguyễn Huy Thản, nhà thờ Nguyễn Huy Vinh, nhà thương Lam Kiều, địa đạo Phượng Sơn, nhà thờ Nguyễn Uyên Hậu, mộ Nguyễn Huy Tựu, mộ Nguyễn Công Ban.

a2.jpg
Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Nhà thờ Nguyễn Huy Tự nhìn từ trên cao.

Bên cạnh đó còn có nhiều di tích, phế tích gắn liền với văn hóa của ngôi làng như: Dấu tích về Thư viện Phúc Giang - được xem là ngôi trường tư thục đào tạo khoa bảng đầu tiên của Việt Nam thời phong kiến do Thám hoa Nguyễn Huy Oánh lập nên; hệ thống 10 ngôi nhà cổ có tuổi đời trên 100 năm, giếng Ngọc, sông Minh, bát cảnh Trường Lưu…

Gắn với mỗi di tích lịch sử là những câu chuyện văn hóa sâu sắc, ý nghĩa về vùng đất và con người Trường Lưu. Đó là câu chuyện mang tính giai thoại nhưng đầy mê hoặc về bà mẹ của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), trong đêm gánh nước ở giếng Ngọc đã nhìn thấy vì sao sa vào thùng nước, về sau thụ thai và sinh ra ông. Người sau này không chỉ đỗ đạt làm quan đến chức Thượng thư bộ Hộ, đi sứ Trung Quốc viết nên tác phẩm Hoàng Hoa sứ trình đồ mà còn lập nên Thư viện Phúc Giang nổi tiếng. Đó là những di tích ghi lại công trạng của các danh nhân như: Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ; là đình làng Trường Lưu, nơi ghi dấu nhiều hoạt động của một làng quê văn hóa…

a3.jpg
Du khách tham quan tại Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản văn hóa Trường Lưu xã Kim Song Trường (Can Lộc).
a6.jpg
Hoàng Hoa sứ trình đồ, 1 trong 3 di sản của làng Trường Lưu được UNESCO công nhận là di sản thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trường Lưu, trong nhiều năm lại nay được biết đến nhiều hơn khi liên tục có 3 di sản được UNESCO công nhận là di sản thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (gồm Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ, Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu). Đó là cơ sở, là động lực để xây dựng Trường Lưu thành làng văn hóa du lịch.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết: “Nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa, đồng thời đưa Trường Lưu thành điểm đến thu hút du khách mọi miền, góp phần phát triển kinh tế địa phương, thời gian qua, huyện Can Lộc đề xuất xây dựng Làng văn hóa du lịch Trường Lưu. Ý tưởng đó được tỉnh ủng hộ. Để triển khai, chúng tôi cũng đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành và các đơn vị tìm các hướng đi phù hợp. Huyện đã phối hợp cùng Tiến sỹ Nguyễn Huy Mỹ và Sở VH-TT&DL tổ chức nhiều cuộc hội thảo về văn hóa làng Trường Lưu; phối hợp với Viện Quy hoạch Kiến trúc xây dựng Nghệ An lập Quy hoạch phân khu xây dựng Làng văn hóa du lịch Trường Lưu”.

bqbht_br_a5-6463.jpg
Sơ đồ hướng phân vùng phát triển không gian văn hóa Làng Trường Lưu thuộc Quy hoạch phân khu xây dựng làng văn hóa du lịch Trường Lưu do Viện Quy hoạch kiến trúc xây dựng Nghệ An đề xuất.

Mặc dù “bát cảnh Trường Lưu” chỉ còn trong tư liệu, không gian làng cổ gần như bị phá vỡ, các ngành nghề xưa bị thất truyền… nhưng với những di sản văn hóa còn được bảo tồn, nhất là hệ thống di sản vật thể với nhiều công trình kiến trúc giá trị, việc xây dựng Trường Lưu thành làng văn hóa du lịch là hướng đi đúng đắn và cần thiết.

Bà Võ Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT&DL) cho biết: “Trong chuyến khảo sát tài nguyên, phát triển du lịch nông thôn do Sở VH-TT&DL tổ chức dịp đầu tháng 6/2024 vừa qua, các chuyên gia đã đánh giá cao tiềm năng, lợi thế trong xây dựng làng Trường Lưu trở thành điểm đến thu hút khách. Trong đó, chúng tôi tâm đắc với ý tưởng xây dựng mô hình du lịch văn hóa cộng đồng làng Trường Lưu. Đây là ý tưởng đi từ quyết tâm, trách nhiệm của người dân địa phương trong việc cùng chính quyền phát triển du lịch song song với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Hiện, Trường Lưu có đủ điều kiện để phát triển loại hình du lịch này hiệu quả như cách nhiều địa phương trong nước đã và đang xây dựng: đình làng, giếng nước, các ngôi nhà cổ, các di tích… Bên cạnh đó, còn có câu lạc bộ dân ca ví, giặm để phục dựng không gian văn hóa xưa”.

a4.jpg
Xây dựng Trường Lưu thành làng văn hóa du lịch là mong muốn không chỉ riêng của chính quyền, Nhân dân Can Lộc mà của tỉnh Hà Tĩnh.

Là làng cổ duy nhất ở Việt Nam đến thời điểm này có 3 di sản được UNESCO ghi danh, Trường Lưu xứng đáng trở thành điểm đến du lịch văn hóa nổi bật không chỉ ở Hà Tĩnh mà còn của cả nước. Để thực hiện được điều đó đòi hỏi sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, ngành và chung sức của người dân. Hy vọng tương lai không xa, làng Trường Lưu sẽ trở thành điểm đến ưa thích của du khách trong và ngoài nước.

Chủ đề Du lịch Hà Tĩnh

Đọc thêm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Talkshow: Quán quân Sao Mai xứ Nghệ Hoàng Thu Hà - "Cháy" cùng đam mê

Talkshow: Quán quân Sao Mai xứ Nghệ Hoàng Thu Hà - "Cháy" cùng đam mê

Sở hữu giọng hát ngọt ngào, sâu lắng nhưng cũng đầy nội lực cùng ngoại hình xinh đẹp, nữ ca sĩ GenZ Hoàng Thu Hà (quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã xuất sắc vượt qua các vòng thi của Sao Mai xứ Nghệ 2024 để đoạt giải quán quân một cách đầy thuyết phục.
7 năm cõng bạn vào lớp

7 năm cõng bạn vào lớp

Trong suốt 7 năm, hành trình gắn bó với con chữ của Lê Xuân Thịnh Hưng (lớp 10A6, Trường THPT Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) luôn có sự đồng hành của 2 bạn Đức Công và Nhật Hào.
Những tài năng nhí tỏa sáng cùng ví, giặm

Những tài năng nhí tỏa sáng cùng ví, giặm

Những làn điệu ví, giặm ngọt ngào đang ngày ngày được lan tỏa nhờ các tài năng nhí ở Hà Tĩnh. Giọng hát của các em góp phần gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương.
Tuổi cao nêu gương sáng

Tuổi cao nêu gương sáng

Không chỉ có lối sống mẫu mực, giáo dục con cháu sống hiếu thuận, nhiều người cao tuổi ở Hà Tĩnh còn đi đầu, bước trước, thể hiện vai trò nêu gương sáng trong cộng đồng.
Vì sao cần có công trình về địa chí Hà Tĩnh?

Vì sao cần có công trình về địa chí Hà Tĩnh?

Hà Tĩnh là vùng đất cổ, có bề dày về truyền thống lịch sử, văn hóa, chính trị... nhưng đến nay vẫn chưa có công trình địa chí tổng quan về văn hóa, con người núi Hồng, sông La.