"Vạn lý Trường thành xanh" 36 tỷ USD ngăn sa mạc hóa

Sau 17 năm, dự án "Vạn lý Trường thành xanh" đã khôi phục khôi phục hơn 7,7 triệu hecta đất dọc châu Phi.

Cây xanh trồng ở Walalde, Senegal. Ảnh: Reuters
Cây xanh trồng ở Walalde, Senegal. Ảnh: Reuters

Trong vài thập kỷ qua, chặt phá rừng, mở rộng nông nghiệp và hạn hán đều góp phần dẫn tới sa mạc hóa ở nhiều nơi trên lục địa châu Phi. Lớp đất màu mỡ trở nên khô cằn và cho năng suất kém hơn. Hơn chục quốc gia châu Phi đang chiến đấu với tình trạng sa mạc hóa bằng dự án tham vọng nhằm trồng cây và hoa màu trên 100 triệu hecta đất, khu vực rộng gấp 2,3 lần California.

Mục tiêu của dự án Bức tường xanh vĩ đại (GGW) 17 năm tuổi (hay còn gọi là Vạn lý Trường thành xanh) với chi phí ước tính khoảng 36 - 49 tỷ USD cũng bao gồm tạo ra 10 triệu việc làm và giảm 250 triệu tấn carbon vào năm 2030, theo Business Insider.

Các nước từ Senegal tới Djibouti đang cố gắng tái phủ xanh vùng Sahel bán khô cằn, dải đất trải rộng từ Đại Tây Dương tới Biển Đỏ. Những khu rừng Tây Phi từng bao phủ hơn 129.500 km2. Từ năm 1975, nạn chặt phá rừng, chủ yếu để mở rộng nông nghiệp, khiến diện tích rừng giảm xuống khoảng 82.880 km2, theo Cục khảo sát Địa chất Mỹ.

Ngoài làm đất đai kém màu mỡ, sa mạc hóa khiến đất dễ bị xói mòn bởi gió hơn và giảm khả năng duy trì độ ẩm. Nó cũng dẫn tới mất đa dạng sinh thái về động thực vật. Tất cả những yếu tố này làm con người khó sinh tồn hơn.

Liên minh Châu Phi chính thức bắt đầu dự án vào năm 2007. Ban đầu GGW bao gồm 11 nước: Burkina Faso, Chad, Djibouti, Eritrea, Ethiopia, Mali, Mauritania, Niger, Nigeria, Senegal, và Sudan. Trong vài năm sau khi bắt đầu, nhiều nước khác cũng tham gia.

Lúc đầu, dự án hướng tới lấp đầy diện tích 16 x 7.000 km của Sahel bằng cây cối. Cây có thể giúp làm chậm xói mòn đất, hấp thụ carbon dioxide, và thúc đẩy đa dạng sinh học thông qua cung cấp thức ăn và nơi trú ẩn cho động vật.

Tuy nhiên, những nhà phê bình chỉ ra nhiều thiếu sót, và dự án vấp phải một số rào cản. Vấn đề lớn ở kế hoạch trồng cây là bản thân cây cối. Một số cây non phát triển kém hoặc chết. Chúng được trồng ở khu vực hẻo lánh, khiến việc chăm sóc khó khăn. Nhiệt độ ấm lên và lượng mưa thấp cũng góp phần vào vấn đề. Vài cộng đồng cho rằng chính phủ không huy động đầy đủ người dân bản xứ ở địa phương vào dự án. Chính phủ nhiều nước khác cố ý di dời nhiều người dân khỏi nhà ở nằm trong rừng cây và khu vực bảo tồn.

Thành công của GGW cũng khó theo dõi ở một số khu vực. Những chuyên gia độc lập gặp rắc rối trong việc xác minh một số dữ liệu của chính phủ. Vào năm 2020, dự án chỉ hoàn thành 4%. Năm 2021, các nhà lãnh đạo thế giới cam kết chi 19 tỷ USD để hỗ trợ đo đạc và thúc đẩy thành công của dự án.

Khi đó, trọng tâm của GGW bắt đầu chuyển sang kết hợp phương pháp gieo trồng và tưới tiêu truyền thống. Trước khi GGW bắt đầu, người dân địa phương ở nhiều nơi thuộc Niger và Burkina Faso bắt đầu sử dụng kỹ thuật gọi là tái tạo tự nhiên do nông dân quản lý. Thay vì trồng cây mới, nông dân ở vùng trung nam Niger khuyến khích chăm sóc những cây bụi và cây to có sẵn. Hoạt động đó giúp tái phủ xanh 4,9 triệu hecta và trồng 2 triệu cây.

Ở Burkina Faso, nông dân dựa vào kinh nghiệm truyền thống để điều chỉnh sau các đợt hạn hán trong thập niên 1970 và 1980. Họ đào hố sâu gọi là zai và lắp rào chắn bằng đá để giúp thu thập và duy trì độ ẩm.

Từ khi bắt đầu GGW, nhiều nước gặt hái thành công với những dự án nhỏ do nông dân khởi xướng. Ở Senegal, nông dân bắt đầu trồng vườn zai trong thời kỳ cách ly do Covid-19. Mang tên Tolou Keur trong tiếng Wolof, các hố bán nguyệt chứa và dẫn nước tới cây trồng. Dù không phải mọi Tolou Keur đều tồn tại, nhiều vườn đang phát triển mạnh. Nông dân trồng mọi thứ từ cây cao lương tới hibiscus. Hố bán nguyệt xây rất nhanh, không tốn nhiều diện tích và chỉ cần khoảng 10 người để duy trì.

Drone và vệ tinh gần đây bắt đầu cung cấp thông tin chi tiết về đất cải tạo, sử dụng AI để xác định những loài cây riêng lẻ. Nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ và tổ chức như Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đang cộng tác để giúp cộng đồng ở Sahel lập bản đồ và theo dõi quần thể cây baobab, giúp giảm xói mòn đất.

Ethiopia, Niger, và Senegal đều tái phủ xanh phần đất của họ. Ngoài vườn zai, Senegal đã trồng 20.234 hecta cây. Năm 2023, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc báo cáo dự án GGW đã hoàn thành 18%, khôi phục hơn 7,7 triệu hecta đất và tạo ra 350.000 việc làm.

vnexpress.net

Đọc thêm

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.