Ngày 22/3/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt các xã, phường, thị trấn, đại diện bí thư, thôn trưởng, tổ trưởng tổ dân phố để thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng về hệ thống chính trị; nghe phản ánh tình hình, các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị đề xuất của cơ sở. Cùng dự có các đồng chí đại diện lãnh đạo: Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng 770 cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn; bí thư, thôn trưởng, tổ trưởng tổ dân phố tiêu biểu tham dự hội nghị.
Tại Hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã quán triệt một số nội dung cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai một số nội dung về công tác quản lý Nhà nước. Hội nghị có 13 ý kiến thảo luận của đại diện cán bộ chủ chốt các xã, phường, thị trấn, bí thư, thôn trưởng, tổ trưởng tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở ý kiến phát biểu của các đại biểu tại hội nghị, ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết luận:
1. Triển khai nhiệm vụ chính trị từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng nhờ sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành linh hoạt, chủ động của cả hệ thống chính trị, đồng thời tranh thủ tốt sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, sự đồng thuận của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Hà Tĩnh đã khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai lũ lụt cuối năm 2020, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, ổn định đời sống Nhân dân, từng bước phục hồi kinh tế.
Thu ngân sách các năm 2021, 2022 đạt cao nhất từ trước đến nay. Thu hút đầu tư có những tín hiệu tích cực. Văn hóa, xã hội có nhiều khởi sắc. Lĩnh vực an sinh xã hội được quan tâm chăm lo. Công tác cải cách hành chính đạt những kết quả tích cực. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, không xảy ra các điểm nóng. Nhân dân tin tưởng, chung sức, đồng lòng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước.
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải chủ trì hội nghị.
Có được những kết quả trên, ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện, có sự đóng góp quan trọng của hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn, nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn trong khắc phục hậu quả thiên tai, phòng, chống dịch bệnh Covid-19, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đảm bảo an ninh trật tự, công tác an sinh xã hội.... Đội ngũ bí thư, thôn trưởng, tổ trưởng tổ dân phố trong toàn tỉnh đã làm tốt vai trò cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến với người dân, khơi dậy các phong trào hành động cách mạng trong Nhân dân.
Tuy vậy, việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong toàn tỉnh từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 2020 - 2025 đến nay vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Nhiều chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch, nhất là tăng trưởng kinh tế. Thực hiện các tiêu chí xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ đô thị hóa còn thấp. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu; môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự thuận lợi. Một số địa phương thiếu tập trung trong công tác giải quyết các vụ việc tồn đọng. Tình trạng khiếu kiện, khiếu nại, nhất là trên lĩnh vực đất đai còn diễn ra ở nhiều nơi. Ở một số địa phương cơ sở, sự lãnh đạo của cấp ủy, chỉ đạo của chính quyền, phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể hiệu quả chưa cao. Nguồn cán bộ ở một số xã, phường, thị trấn hụt hẫng, người đứng đầu một số địa phương chưa thực sự tâm huyết, trách nhiệm; một số cán bộ, công chức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Cán bộ thực hiện nhiệm vụ ở thôn, tổ dân phố công việc nhiều trong khi chế độ đãi ngộ còn bất cập. Những khó khăn, hạn chế ở cơ sở đã ảnh hưởng nhất định đến kết quả chung của tỉnh.
2. Thời gian tới, để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, với ý chí, quyết tâm chính trị cao nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, trong đó tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
2.1. Tiến hành sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 -2025, rà soát mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết đại hội, phân tích những hạn chế, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, đề ra giải pháp tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới; lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy và các cơ chế, chính sách của Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành.
2.2. Về kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, đối ngoại
- Tập trung triển khai Quy hoạch tỉnh gắn với hoàn chỉnh các quy hoạch vùng, ngành đảm bảo đồng bộ, gắn công bố Quy hoạch tỉnh với tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư. Rà soát, xác định những công trình, dự án trọng điểm cần tập trung nguồn lực để triển khai trong nhiệm kỳ. Ngoài các chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh, các địa phương phát huy tính chủ động, sáng tạo để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư về trên địa bàn. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh theo chỉ đạo về tiến độ của Trung ương.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, công tác thanh tra, kiểm tra, chú trọng các lĩnh vực tổ chức cán bộ, tài chính- ngân sách, thuế, đầu tư, xây dựng, đất đai, tài nguyên khoáng sản, giống và vật tư nông nghiệp... gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
- Tiếp tục rà soát, đánh giá các tiêu chí nông thôn mới cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, xây dựng đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Đối với các xã, các thôn đã đạt chuẩn, tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn nâng cao, kiểu mẫu, gắn với phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Các địa phương tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp hợp tác, đầu tư các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, giá trị, có thêm nhiều nông sản xuất khẩu.
- Rà soát, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển sản xuất, kinh doanh để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập; xây dựng các mô hình trên các lĩnh vực. Các địa phương, các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để các nhà đầu tư tìm hiểu, triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh.
- Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, rà soát, xây dựng các phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh theo Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị gắn với Đề án mở rộng địa giới thành phố Hà Tĩnh.
- Đầu tư nguồn lực tương xứng cho văn hóa, du lịch, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Sớm hoàn thiện việc xây dựng và triển khai hiệu quả Đề án văn hóa của tỉnh. Chủ động khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, các di sản văn hóa để phát triển du lịch, dịch vụ. Chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, di sản văn hóa, nhất là các di sản đã được UNESCO vinh danh. Tích cực kêu gọi nguồn lực xã hội hóa để nâng cấp, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống, giáo dục lễ nghĩa, hướng thiện cho người dân.
- Thường xuyên quan tâm công tác đảm bảo an sinh xã hội, nhất là chương trình xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh lũ, nhà ở kiên cố cho các đối tượng chính sách, đối tượng khó khăn, hỗ trợ học tập cho con em gặp hoàn cảnh đặc biệt; quan tâm các đối tượng yếu thế trong xã hội. Tranh thủ huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, con em xa quê hỗ trợ các hoạt động an sinh xã hội.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ chủ chốt các cấp phải thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương, của tỉnh về kỷ luật, kỷ cương hành chính, Kết luận số 29-KL/TU, ngày 22/7/2021 và Công văn số 1567-CV/TU, ngày 16/02/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; phát huy trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng hội họp. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để phát huy tính chủ động, sáng tạo của cơ sở, của cấp dưới. Người đứng đầu các cấp phải luôn nhiệt huyết, trăn trở, tạo động lực, niềm tin cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân; tạo môi trường để cán bộ, đảng viên thể hiện chính kiến, đổi mới, sáng tạo; dành nhiều thời gian để đi cơ sở, giải quyết công việc của người dân.
- Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; chỉ đạo chuẩn bị, tổ chức tốt diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh và các địa phương năm 2023. Tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý các vụ việc tồn đọng; chủ động nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời đối với các vụ việc mới phát sinh, không để phát sinh điểm nóng. Tích cực triển khai các hoạt động đối ngoại; thắt chặt quan hệ hữu nghị hợp tác với các tỉnh của nước bạn Lào.
Tham gia ý kiến tại hội nghị, ông Đinh Văn Nam - Bí thư Đảng ủy xã Lâm Trung Thủy (Đức Thọ) đề nghị tỉnh cần tăng tăng chế độ phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã và cán bộ chi hội.
2.3. Về công tác xây dựng Đảng
- Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai kịp thời, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn nội dung chuyên đề toàn khóa với chủ đề năm 2023 của tỉnh; các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các ngành, các cấp; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ.
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, quan tâm công tác phát triển đảng viên; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về công tác tổ chức cán bộ, thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về bổ nhiệm, luân chuyển, điều động cán bộ. Đối với cán bộ luân chuyển về cơ sở, các địa phương phải lựa chọn đúng người, phù hợp với công việc. Trường hợp cán bộ luân chuyển không phát huy tốt năng lực, trách nhiệm, cấp ủy cấp trên kịp thời có giải pháp, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng trì trệ, mất đoàn kết, thiếu thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.
- Thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể trong công tác kiểm tra, giám sát theo kết luận kiểm tra, giám sát của các đoàn công tác của Trung ương, của tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra chuyên đề đối với các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm.
- Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Chú trọng công tác giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
-Đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác nội chính, cải cách tư pháp; tăng cường chỉ đạo công tác tiếp, đối thoại với công dân. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh.
* Cùng với sự đồng hành thực hiện nhiệm vụ chung của tỉnh, của cấp huyện, yêu cầu các xã, phường, thị trấn quan tâm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Triển khai kịp thời, tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động của tỉnh, của huyện, thành phố, thị xã phù hợp với điều kiện cụ thể địa phương, chú trọng triển khai các nghị quyết chuyên đề đã được Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành, nhất là các nghị quyết về: Công tác cán bộ; xây dựng nông thôn mới; tích tụ, tập trung, chuyển đổi ruộng đất; cải cách hành chính; chuyển đổi số; phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã; an ninh trật tự...
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phát huy vai trò tự quản của các thôn xóm, tổ dân phố, tổ liên gia. Chủ động nắm chắc tình hình, không để xảy ra điểm nóng trên địa bàn. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho lực lượng công an xã, ban chỉ huy quân sự xã hoạt động.
- Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội; bảo đảm cấp ủy Đảng lãnh đạo toàn diện nhưng không bao biện làm thay, tạo điều kiện cho chính quyền chủ động, linh hoạt thực hiện chức năng, quyền hạn theo quy định, đồng thời tránh buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, đoàn kết, thống nhất trong tập thể Thường trực, ban thường vụ, ban chấp hành đảng bộ. Nêu cao vai trò, trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ; chỉ đạo, điều hành công việc theo quy chế, quy định.
- Tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia các phong trào thi đua bằng hình thức linh hoạt, phù hợp với thực tiễn địa phương. Luôn lắng nghe, tạo môi trường, diễn đàn, cơ hội để người dân phản biện, góp ý, hiến kế tham gia vào việc chung. Thực hiện công khai, minh bạch thông tin để người dân được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát và thụ hưởng. Có thái độ kiên quyết đối với những phần tử lợi dụng dân chủ, xúi giục, kích động Nhân dân, đi ngược lại chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
- Quan tâm giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương; phát huy vai trò gương mẫu và tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội gắn với chấp hành nghiêm túc quy ước, hương ước thôn, tổ dân phố. Tiếp tục khơi dậy các phong trào trong thôn, tổ dân phố; thắt chặt mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, tương thân tương ái, xây dựng thôn, tổ dân phố an toàn…
- Thường xuyên phản ánh kịp thời cho cấp trên những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, những tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng trò chuyện với các đại biểu bên lề hội nghị.
3. Về các kiến nghị, đề xuất của các địa phương (có phụ lục kèm theo tại đây), Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao:
- Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh; các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy theo chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu xử lý hoặc tham mưu xử lý các nội dung kiến nghị, đề xuất liên quan đảm bảo đúng quy định, thẩm quyền, tạo điều kiện thuận lợi và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương.
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh nghiên cứu và đề xuất các chính sách thu hút cán bộ trẻ, cán bộ giỏi tham gia hệ thống chính trị cấp cơ sở; nghiên cứu cơ chế hỗ trợ đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, bí thư, phó bí thư chi bộ, cấp ủy viên, trưởng các chi đoàn, chi hội.
- Ban thường vụ các huyện, thành, thị ủy tiếp tục rà soát, tổng hợp, báo cáo những bất cập, khó khăn, vướng mắc của cơ sở, gửi các cơ quan cấp tỉnh có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
- Đối với các nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương, đề nghị các cơ quan liên quan báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét để tiếp tục kiến nghị với Trung ương.
Văn phòng Tỉnh ủy phối hợp Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy theo dõi, tổng hợp kết quả việc thực hiện Thông báo kết luận và kết quả giải quyết kiến nghị, đề xuất của cơ sở, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy. |