Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc: Vinh dự và trách nhiệm

Qua thực tế 3 năm hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã tạo được hình ảnh, vị thế của mình trên trường quốc tế.

Để chủ động, tích cực đóng góp có hiệu quả vào các hoạt động của Liên Hợp Quốc nói chung và lực lượng gìn giữ hòa bình nói riêng. Kể từ ngày 27/5/2014 đến nay Việt Nam đã cử 19 lượt sỹ quan tham gia hoạt động trên các lĩnh vực như: phái bộ gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi, Nam Xu Đăng và chuẩn bị tham gia các hoạt động công binh, quân y với hình thức đơn vị… Đây thực sự là vinh dự và trách nhiệm của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.

Từ chuẩn bị tích cực…

Ngay từ năm 2005, Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu, cử các đoàn công tác liên ngành đi thăm quan và khảo sát thực tế các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, nhằm học hỏi mô hình, cơ chế, kinh nghiệm chuẩn bị và triển khai lực lượng; cử nhiều cán bộ tham gia các khóa tập huấn về gìn giữ hòa bình do Liên Hợp Quốc tổ chức ở nước ngoài.

viet nam tham gia gin giu hoa binh lien hop quoc vinh du va trach nhiem

Thượng tướng Phạm Ngọc Minh - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam trao Quyết định cho Đại úy Nguyễn Quốc Khánh - Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Phái bộ Cộng hòa Trung Phi ngày 20/4.

Ngày 27/5/2014, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam được thành lập trong bối cảnh hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Quân đội không ngừng được tăng cường, mở rộng; uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao.

Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã tập trung huấn luyện, bồi dưỡng để nâng cao năng lực về quân sự, chuyên môn, ngoại ngữ cho các lực lượng chuẩn bị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; Việt Nam đã chú trọng thu hút các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài, đặc biệt là từ các nước đối tác như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Australia, Anh quốc và Ấn Độ…

Xuất phát từ yêu cầu thực tế, Việt Nam đã quyết định triển khai tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc trên 2 hình thức chủ yếu là cá nhân và đơn vị. Hình thức tham gia cá nhân như: quan sát viên quân sự, sĩ quan liên lạc, sĩ quan tham mưu, sĩ quan hậu cần và các vị trí khác theo yêu cầu của Liên Hợp Quốc. Hình thức đơn vị là cử các đơn vị công binh, quân y và một số lĩnh vực mang tính chất nhân đạo khác.

Cho đến nay, Việt Nam nằm trong số 124 quốc gia có lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, các sỹ quan Việt Nam lên đường làm nhiệm vụ tại phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Cộng hòa Trung Phi, Nam Xu Đăng.

Trong tháng 4 – 6/2017 sẽ có thêm 7 sỹ quan quân đội đi làm phái bộ gìn giữ hòa bình tại Liên Hợp Quốc, trong đó có 2 quan sát viên quân sự thay thế cho 2 sĩ quan liên lạc tại Nam Xu Đăng, 3 sĩ quan tham mưu và quan sát viên quân sự thay thế cho các vị trí tương tự ở Cộng hòa Trung Phi. Ngoài ra, Liên Hợp Quốc còn dành cho Việt Nam thêm 2 vị trí mới là một sĩ quan phân tích tình báo và một quan sát viên quân sự tại phái bộ Cộng hòa Trung Phi.

Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam đang chủ trương tiếp tục triển khai các suất cá nhân (bao gồm cả nữ), dự kiến trong thời gian tới sẽ nghiên cứu địa bàn Mali và đã tập hợp lực lượng gồm 70 người chuẩn bị cho một Bệnh viện dã chiến cấp 2 để sẵn sàng triển khai tới phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Đến hoàn thành nhiệm vụ “sứ giả”

Là một thành viên của Liên Hợp Quốc, trên cơ sở đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam muốn khẳng định là một thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong việc tham gia giải quyết những hậu quả do các cuộc xung đột trên thế giới để lại.

Ngay từ những ngày đầu nghiên cứu đến quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, Việt Nam đã nhận thức được đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, nặng nề, vẻ vang đòi hỏi trách nhiệm và sự nỗ lực rất lớn, đồng thời cũng thấy được niềm vinh dự, tự hào sâu sắc khi được tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Ngoài trình độ ngoại ngữ tốt, sĩ quan tham gia hoạt động này phải có kiến thức đối ngoại quốc phòng, năng lực quân sự đáp ứng yêu cầu cao trong môi trường đa quốc gia, phẩm chất đạo đức thể hiện là một “sứ giả” của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã từng làm thất bại quân đội một số nước đế quốc.

Từ 2 sĩ quan đầu tiên (2014), đến nay Việt Nam đã cử 19 lượt cán bộ làm nhiệm vụ sĩ quan liên lạc, tham mưu và quan sát viên tại Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ở Nam Xu Đăng và Cộng hòa Trung Phi. Các sỹ quan Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ, được lãnh đạo Phái bộ và sỹ quan chỉ huy của các nước đánh giá cao, được Liên Hợp Quốc tặng Huân chương gìn giữ hòa bình.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon trong chuyến thăm Việt Nam (23/5/2015), khi tham dự Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động ông đã khẳng định: “Đối với kết quả mà các sĩ quan Việt Nam đã làm trong lĩnh vực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, thì tôi chỉ có một từ để nói, đó là “Tuyệt vời”.

Và vấn đề cần tiếp tục quan tâm…

Để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, chúng ta có thể và cần quan tâm đến các vấn đề chủ yếu sau:

Cần tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa và thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XII, nhất là triển khai thực hiện có hiệu quả phương hướng: “Chủ động, tích cực… tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc…” vào thực tiễn.

Thứ hai, cần coi trọng đầu tư, chuẩn bị cả về con người, cơ sở vật chất, trang bị một cách cơ bản, bảo đảm sự tham gia lâu dài, vững chắc đối với hoạt động này. Trước hết, các Bộ, ngành chức năng cần tiếp tục làm tốt công tác chuẩn bị để triển khai các suất cá nhân, đơn vị (Bệnh viện dã chiến cấp 2 và Đội Công binh) theo đúng kế hoạch, lộ trình đề ra (2014 – 2020).

Thứ ba, tập trung nghiên cứu để kiện toàn các cơ chế điều hành, phối hợp theo hướng: hợp lý hóa, bảo đảm thời gian và tính đồng thuận rộng rãi cả trong chuẩn bị, thực hành tham gia và khi kết thúc thời hạn làm nhiệm vụ ở các phái bộ của Liên Hợp Quốc.

Thứ tư, từ tổng kết lý luận và thực tiễn tham gia hoạt động tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc thời gian qua, cơ quan chức năng sớm hoàn thiện các văn bản trong khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách phù hợp đối với lực lượng trực tiếp tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Như vậy, qua thực tế 3 năm hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã tạo được hình ảnh, vị thế của mình trên trường quốc tế, đồng thời phản ánh quan điểm đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn, bao gồm cả lĩnh vực quốc phòng, an ninh góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Theo VOV

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.