“Việt Nam trên đường chúng ta đi”...

(Baohatinh.vn) - “Việt Nam trên đường chúng ta đi/ Nghe gió thổi đồng xanh quê ta đó/ Nghe sóng biển ầm vang xa tận tới chân trời/ Nghe ấm lòng những khi đang dồn bước/ Mà vui sao ta chẳng nói nên lời”. Mỗi lần nghe bài hát “Đường chúng ta đi” của nhạc sĩ Huy Du, lòng tôi lại xao xuyến lạ thường. Đó cũng là cảm xúc chung của hàng triệu con Lạc cháu Hồng mang trong trái tim mình tình yêu đất nước.

“Việt Nam trên đường chúng ta đi”...

Đất nước Việt Nam ở đâu cũng “non xanh nước biếc như tranh họa đồ”. Ảnh minh họa từ Internet

Tôi yêu đất nước tôi, bởi đất nước Việt Nam ở đâu cũng “non xanh nước biếc như tranh họa đồ”. Bao danh lam thắng cảnh đã quyến rũ hàng triệu bước chân du khách năm châu. Từ vịnh Hạ Long đến đảo Phú Quốc, từ cố đô Huế trầm tích đến TP Đà Lạt sương mây huyền ảo, cứ nhắc đến lòng thêm rạo rực, ước mình hóa cánh chim bay khắp mọi miền đất nước.

“Việt Nam trên đường chúng ta đi”...

Tôi yêu đất nước tôi, bởi nước Việt Nam đi lên từ nền văn minh lúa nước thuở hồng hoang.

Tôi yêu đất nước tôi, bởi nước Việt Nam đi lên từ nền văn minh lúa nước thuở hồng hoang. Bởi nước Việt Nam đều chung một dòng máu Lạc Hồng. Hằng năm đi đâu, làm đâu vẫn không quên tìm về nguồn cội, hướng về ngày Giỗ Tổ Vua Hùng - người đã có công dựng nước.

Tôi yêu đất nước tôi, bởi Việt Nam có một nền văn hóa ngàn đời. Tình yêu từ nét hoa văn trên trống đồng Ngọc Lũ - nền văn hóa ấy đã xuyên suốt thời gian, vượt qua không gian. Văn hóa Việt Nam chảy trong lời ru con của mẹ từ thuở nằm nôi. Văn hóa Việt Nam chảy trong ca dao, cổ tích do Nhân dân sáng tạo nên.

Tôi yêu đất nước tôi, bởi tôi yêu Nhân dân tôi. Nhân dân cần cù, thông minh, sáng tạo. Họ là chủ thể cho mọi đề tài của thơ, ca, nhạc, họa… Nhân dân không chỉ tạo ra giá trị lịch sử hùng tráng, mà còn tạo ra những giá trị văn hóa xuyên suốt mọi thời đại.

Dẫu rằng Việt Nam hôm nay đang hội nhập với nhiều nền văn hóa, văn minh hiện đại của thế giới, hòa nhập với cuộc cách mạng chuyển đổi số, nhưng những làn dân ca quan họ, những điệu hát xoan, hát then, hát dân ca ví, giặm, điệu hò Huế, vọng cổ Nam Bộ... vẫn thắm mãi trên môi người. Và tôi hiểu rằng, những đứa con khi xa Tổ quốc, nghe những làn điệu này đều sẽ không khỏi bồi hồi, xao xuyến.

“Việt Nam trên đường chúng ta đi”...

Những đứa con khi xa Tổ quốc, nghe những làn điệu dân ca cổ truyền đều sẽ không khỏi bồi hồi, xao xuyến. Ảnh PV

Tôi yêu đất nước tôi, bởi đất nước tôi có “Nhân dân anh hùng, dân tộc anh hùng, Đảng anh hùng”. Bằng ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng/ Đảng của tôi ơi cảm ơn Người dạy dỗ/ Từ đó lòng tôi sướng vui, đau khổ/ Và tình yêu, căm giận hóa lời ca/ Đảng cho tôi màu sắc nước non nhà” (Thơ L.aragon, Tố Hữu dịch).

Tôi hiểu Đảng không phải thiên thần, Đảng không phải thánh nhân mà Đảng là con đẻ của Nhân dân, được Bác Hồ sáng lập, rèn luyện và cùng với Nhân dân làm nên sức mạnh thánh thần. Đất nước trường tồn và phát triển, khi Đảng mình có đôi mắt sáng ngời, nhìn xa trông rộng, có bộ óc thông minh tuyệt đỉnh, có bản lĩnh vững vàng, có lập trường kiên định để chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua mọi bão tố, cuồng phong.

Mùa thu này, đất nước tôi tròn 77 năm tuổi. Trong trái tim người Việt những ngày này đang ngân lên lời Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Tất cả như đang tái hiện lại Quảng trường Ba Đình rười rượi nắng thu xanh, trời mây lồng lộng. Mùa thu “Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ”. Mùa thu hàng nghìn người vẫy tay reo lên, lần đầu tiên nhìn thấy vị Cha già và vỡ òa hạnh phúc.

“Việt Nam trên đường chúng ta đi”...

Đã 77 mùa thu, nhưng tiếng của Người vẫn vọng mãi với non sông.

Đã 77 mùa thu, nhưng tiếng của Người vẫn vọng mãi với non sông: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Vâng theo lời Người, cả dân tộc đều đứng lên, với hào khí cha ông “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận ở sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!” (bản dịch bài thơ “Nam quốc sơn hà” - Lý Thường Kiệt của Trần Trọng Kim)

Giành và giữ tự do, độc lập cho Tổ quốc, suốt bốn ngàn năm binh lửa, chúng ta phải hy sinh nhiều xương máu, bởi một lẽ Tổ quốc còn thì gia đình còn. Chúng ta đã đi suốt dặm dài lịch sử. Chúng ta đã đi qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ để thống nhất đất nước, non sông thu về một mối. Đảng và Nhân dân đời đời ghi nhớ công ơn của những chiến sỹ đã ngã xuống ở chiến trường và những người lính trở về sau cuộc chiến mang trên mình những vết thương. Đảng và Nhân dân đời đời ghi nhớ công ơn của những người mẹ “Ba lần tiễn con đi/ Hai lần khóc thầm lặng lẽ”.

“Việt Nam trên đường chúng ta đi”...

Một góc huyện NTM Cẩm Xuyên. Ảnh tư liệu

Việt Nam trên đường chúng ta đi hôm nay vẫn hiên ngang, hừng hực như anh giải phóng quân năm nào. Từ “đất bom đào đã lên màu cỏ mới”, chúng ta lại đi “qua xóm, qua làng” để một lần nữa ta thấy “Nước non mình đâu cũng đẹp như tranh/ Gương mặt người, ai cũng sáng long lanh/ Những đôi mắt trong lành vui ấm lạ” (bài thơ Trên đường thiên lý của Tố Hữu), trong không khí rạo rực mỗi vùng quê chung lòng, chung sức xây dựng nông thôn mới. Việt Nam lại bước tiếp trên con đường sáng tuyệt vời. Hàng triệu người lại nắm tay nhau, cất cao tiếng hát “Việt Nam! Ôi Tổ quốc vinh quang”.

Tháng 8/2022

Đọc thêm

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm cấp quốc gia 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương dự và đọc Diễn văn kỷ niệm.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) diễn ra lễ kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm.
Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Sáng 19/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 và trao giải Búa Liềm vàng cấp tỉnh lần thứ XII – năm 2024.