Võ Hồng Huy và hành trình thầm lặng

(Baohatinh.vn) - Mười năm trước, mừng tôi lên lão 80, anh có câu đối, vế trước là: Nhất Sửu, nhất Dần, ý chí tâm tư chỉ nhất. Để có sự “chỉ nhất” ấy, chúng tôi đã có 60 năm, hai phần ba đời người, sống gắn bó với nhau. Khi tôi được gặp anh, năm 1956, thì anh là Chánh văn phòng Tỉnh ủy. Anh Huy nghiêm nghị, nhưng rất thích văn chương. Thường khi chúng tôi sang thì dừng việc, thủ thỉ chuyện trò, rồi trở thành thân thiết lúc nào không biết.

vo hong huy va hanh trinh tham lang

Các nhà nghiên cứu văn hóa Võ Hồng Huy (ngoài cùng bên trái) và Thái Kim Đỉnh (ngoài cùng bên phải) tại một hội thảo về văn hóa ở Tiên Điền (Nghi Xuân) năm 2014. Ảnh: Minh Huệ

Nhà nghiên cứu văn hóa thầm lặng và cẩn trọng

Thời kháng chiến chống Mỹ, anh là Phó Trưởng ban Kiểm tra. Cơ quan Tỉnh sơ tán ở Thạch Vịnh (Thạch Hà), chúng tôi vẫn thường lên họp hành, làm việc và bao giờ cũng ghé thăm anh. Hồi ấy, anh Linh, anh Chương thường sang làm việc với Ty Văn hóa và Ban vận động thành lập Hội Văn nghệ mà Thanh Minh và tôi được giao trách nhiệm thường trực. Trong các buổi làm việc, thường không mấy khi vắng mặt ông Phó Ban kiểm tra, dẫu ban của anh không có quan hệ trực tiếp như Ban Tuyên giáo.

Một hôm, anh trao cho tôi bài thơ Gà Đại đội 27. Tôi đem in ngay, bài thơ được nhiều anh em tán thưởng. Sau đó, anh gửi sang bài Cầu Đò Trai, tôi cũng đưa in ngay (Cả 2 bài thơ đều ký tên Hồng Hải).

Năm 1969, Hội Văn nghệ Hà Tĩnh thành lập. Anh Linh, anh Chương và anh đều là hội viên sáng lập. (Về sau, anh còn là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam). Lúc này thì 3 chúng tôi đã hết sức gắn bó. Qua Thanh Minh và tôi, anh Huy cũng trở thành thân thiết với Xuân Tửu (ở Hà Nội) và Trần Hữu Thung (ở Nghệ An). Chúng tôi có cảnh ngộ giống nhau: cùng là thanh niên nghèo nông thôn, không được học hành nhiều, được lớp đàn anh dìu theo cách mạng nên rất hăng hái hoạt động và khát khao hiểu biết. Chúng tôi lại có cái “tạng” giống nhau: một chút nhà nho, một chút trí thức tân học, một chút cán bộ chính trị, lại cùng say văn chương, nên dễ bập, dễ dính vào nhau. Chúng tôi đối với nhau cũng bình thường như với các bạn bè khác, không bao giờ tỏ ra cùng cánh và đôi khi cũng có ý kiến này nọ bất đồng, nhưng nhanh chóng quên đi. Có điều là chúng tôi quý mến nhau, tôn trọng nhau, tin cậy nhau, biết nhịn nhau, biết nghĩ đến nhau, nên bao giờ cái tình cũng trong sáng.

Anh Huy là người điềm đạm, kín đáo, nhưng luôn thân tình, hòa nhã, hay nhường nhịn và rất khiêm tốn, không nề hỏi và nghe người khác, lại chu đáo và thận trọng trong mọi hành xử. Tuy nhiên, khi cần, anh cũng rất thẳng thắn, kiên quyết. Tôi đã vài ba lần chứng kiến thái độ ấy của anh trước người khác, kể cả với cán bộ lãnh đạo cao hơn. Với tôi, anh thường nhẹ nhàng, nhưng đôi khi cũng rất cứng...

*

Võ Hồng Huy sinh trưởng trong một gia đình nhà nho. Cha là thí sinh, học giỏi, nhưng có liên can đến vụ chống thuế năm 1908 nên không được đi thi. Cậu ruột đỗ đầu huyện nhưng thi Hương 2 khoa đều hỏng. Anh ruột cũng là người học hành khá. Được cha và cậu rèn cặp, dạy dỗ có bài bản, anh tiếp nhận được một vốn Hán văn khá vững vàng. Sau đó, anh mới được vào trường sơ học, tiểu học Pháp - Việt. Nhưng đang dở dang thì cha mẹ đều mất, anh trai cũng nghèo, anh đành phải bỏ học đi dạy trẻ kiếm cơm. Sau cách mạng, anh mới được đi học Trường bổ túc Văn hóa công nông của Liên khu, tốt nghiệp trung học hệ 10 năm.

Từ cái vốn đầu tiên ấy, anh vào đời với khát vọng mãnh liệt được hiểu biết, tự học thêm tiếng Pháp, tiếng Hoa và một số môn khoa học xã hội (văn, sử), trang bị cho mình một vốn kiến thức đáng nể trọng.

40 năm chẵn, Võ Hồng Huy là cán bộ chính trị chuyên nghiệp, công tác ở xã, huyện, lên tỉnh. Trừ một thời gian ngắn ra ở Khu ủy Khu IV, còn thì anh chỉ “nằm vùng” ở Hà Tĩnh, Nghệ Tĩnh.

Suốt thời gian này, nhất là trong kháng chiến, anh phải dốc hết sức lực và thì giờ vào công tác. Rảnh rỗi được lúc nào, anh dành cho việc học, việc đọc. Trong một bài Tự thuật, anh viết: “Tôi đã tự dặn mình... phải khổ học, bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, cũng đều phải tự rèn học, cần gì học nấy, dốt gì học nấy, xông vào mà học, vừa học, vừa làm. Tôi cứ nghĩ bụng rằng, người ta học giỏi, còn mình, nếu được khen thì chỉ “giỏi” học”.

Tuy nhiên, ở cương vị công tác của mình, anh được giao tiếp với nhiều người, nhất là khi về huyện, về xã, được gặp các cụ tinh thông Hán học, nhiều bạn bè lớp tân học, nhiều bà, nhiều chị giỏi hát, giỏi nhớ chuyện xưa. Anh phát hiện ra một việc cần làm và càng làm càng hứng thú: thu nhặt những sách cổ, văn xưa, đọc và ghi các gia phả, thần tích, bi ký, chép lại những câu ca, bài vè, chuyện kể... “Lâu ngày dày kén”, anh đã tích lũy được một “kho” tư liệu, cũng là “kho” kiến thức quý giá. Anh lại dành dụm tiền để mua sách, báo, xây dựng được tủ sách riêng vài nghìn cuốn... rước những ông thầy “về cạnh mình, để luôn được chỉ bảo cho mình”. Nhưng lúc này, anh chưa nghĩ đến việc viết lách gì, ngoài việc viết... báo cáo.

Hồi ở Vinh, biết tôi đang biên soạn 2 cuốn Năm thế kỷ văn Nôm người Nghệ và Thơ văn quanh Truyện Kiều, anh trao cho tôi nhiều bài phú, bài thơ, văn tế... có giá trị để đưa vào sách. Anh còn chuyển cho tôi tập Truyện Kiều Nôm Tân thanh quảng tập do bác Trần Sĩ Tịnh sưu tầm ở Tiên Điền và đưa tôi xuống Xuân Hoa để làm quen với bác. Bản Kiều ấy tôi đã phiên âm (vào năm 1979-1980 và 30 năm sau, được in thành sách, đến nay đã in lần thứ 3). Tôi luôn coi anh là thầy và bí chỗ nào thì đến gõ cửa anh. Anh luôn sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của tôi, có khi phải mất công tra cứu cả tuần, cả tháng. Lần cuối cùng chúng tôi đi họp với nhau là dự cuộc hội thảo nhân kỷ niệm 100 năm năm sinh thi sĩ Xuân Diệu (20/2/2016). Hôm ấy, anh trao cho tôi bản dịch đoạn đầu bài Can Lộc huyện phú và bản phiên âm bài thơ chúa Trịnh Sâm viết về Phù Thạch, mà tôi nhờ anh. Đó cũng là lần cuối cùng anh giúp đỡ tôi.

*

Về hưu, ở cái tuổi cần và được nghỉ ngơi, Võ Hồng Huy lại xông vào một lĩnh vực hoạt động mới, xa lạ với “nghề cũ” của mình với tư cách một người “tập sự”... Vào năm 1985, anh vẫn hăm hở, xông xáo như thời bắt đầu tham gia cách mạng năm 1945. Hơn ai hết, anh là người hiểu rõ những khó khăn của hoạt động nghiên cứu khoa học. Phải dốc hết tâm lực vào công việc mà tỷ suất thành công không cao. Nhưng tôi tin ở anh, vì tôi biết anh có kiến thức vững vàng về văn hóa và lịch sử, hiểu biết sâu sắc và có nhiều tài liệu về vùng đất mình nghiên cứu. Là một cán bộ chính trị lâu năm, anh có khả năng phát hiện các vấn đề và có năng khiếu viết.

Tuổi cao, anh vẫn rất minh mẫn và càng cẩn trọng, luôn biết hợp tác với đồng sự, không bao giờ “tỏ ra thừa sức” để làm việc đơn độc.

Nhà leo núi dẻo dai

Anh lại tiếp tục đọc không nghỉ và đi không mỏi. Không chỉ xuống xã như trước mà xuống biển, lên ngàn, trèo núi, lội khe... Anh là một “nhà leo núi” đúng với cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Anh đã lên nhiều ngọn trong dãy Trà Sơn, rồi rú Cài, rú Bầng và như anh kể, hầu khắp những ngọn núi danh tiếng dãy Hồng Lĩnh, không nơi nào không in dấu chân mình. Anh lên ngọn Ngọc Lâu tìm di tích ngôi chùa Am Dung, xem có gì là dấu vết ngôi lầu của vua Lý Thánh Tông (1054-1071); lên ngọn Hương Tích sờ vào từng hòn đá “nền Trang Vương”... và băng Truông Vắn 120m cao, vẽ sơ đồ con đường truông “Cố Ghép”, và đếm đủ 1.645 bậc đá đoạn giữa đường truông...

Tôi cũng đã nhiều lần cùng leo với anh, nhớ nhất là 2 lần lên rú Hống. Lần đầu, anh bạn nhà văn Quốc Anh chở tôi sang Động Gián thăm anh (lúc ấy, cái cầu từ Cương Gián sang còn ghép bằng tre, đi qua như đưa võng). Sáng hôm sau, anh dắt chúng tôi thăm đền Cương Khấu, chùa Bồn Sơn, rồi lên ngọn Vân Am. Trời nhiều mây, chúng tôi ngồi chót vót trên đỉnh núi, đón gió biển và nghe anh kể chuyện về chim ở vùng này, cứ đến 2 mùa bạch lộ, sương giáng, các loại chim di cư dừng cánh lại nghỉ, đậu đen đặc núi rừng... Chúng tôi xuống bên sườn nam, qua rú Thông, rú Trúc xem chùa và ngắm cảnh bàu Tiên rồi vòng về Đá Ông - Đá Bà. Dừng trước ngôi miếu nhỏ, anh đọc cho chúng tôi nghe câu đối vịnh cảnh Phu Phu Thạch của cụ thân sinh và cho biết, hồi trẻ, anh cũng đã làm 2 bài thơ Nôm về thắng cảnh này. Lần thứ hai là lên rú Đụn, một trong ba ngọn cao nhất dãy Hồng Lĩnh. Anh bảo tôi phải xem cho được vực Nguyệt và chùa Hang, tương truyền là “cố đô Việt Thường”. Năm ấy, chúng tôi cũng đã 72, 73 tuổi. Có 2 cụ người Đậu Liêu dẫn đường và mấy anh chị trẻ tuổi ở Can Lộc “tháp tùng”. Phải trèo lên, trụt xuống mấy ngọn núi nhỏ mới đến chân núi lớn, nhưng rất vui, thỉnh thoảng phải dừng lại cho cô gái chụp ảnh... Từ chân núi lớn không có đường mòn, chỉ men theo những hòn đá và bụi cây mà lên. Đến chùa Hang, là những tảng đá lớn như cái đình chồng lên nhau... Trời đã xế chiều và ai nấy mệt nhoài, chỉ dừng lại ngắm nhìn một lúc rồi xuống vì sợ tối. Cô nhiếp ảnh cũng quên lấy hình. Đường xuống cũng không có lối mòn, cứ băng qua lau lách mà đi.... Lại qua mấy ngọn núi thấp, đến chân núi đã tối mò, may có ánh trăng mới lần ra được đường cái... Chuyến ấy về, anh bị ốm, tôi cũng phải nằm liệt hàng tuần...

Tôi còn đi với anh khảo sát dãy Nam Giới, từ khe Hau Hau, khe Máng xuống Long Ngâm, vòng ra eo Lói, mũi Lố. Về sau, tôi còn hàng chục lần leo núi với anh ở Đức Thọ, Vũ Quang, Cẩm Xuyên. Đi núi quả thật thú vị, anh mê là phải. Lúc đã ngoài tám mươi, hễ đến chân núi là anh hô: “Ta chèo! Ta chèo!” (trèo). Nhiều lúc tôi lo cho anh và cả cho tôi. Hôm ra bờ biển xã Cẩm Dương, đến dưới rú Trộn, trời mới mưa, đường vào lầy lội, anh vẫn hăm hở bước, mấy anh trẻ bám theo. Tôi phải hét: “Không được cho ông lên!”. Anh dừng lại, nhưng mắt vẫn ngó lên núi, vẻ tiếc...

Anh Huy rất kỹ tính. Những gì anh viết ra là đã được tìm hiểu kỹ càng, thấu đáo, đã được “mắt thấy, tai nghe”.

Lần ấy, tôi đưa cho anh bản ghi bài văn bia Hoàng giáp Bùi Dương Lịch do Phó bảng Nguyễn Văn Siêu soạn. Anh dịch xong, bảo tôi phải đưa anh lên Tùng Ảnh, xem tấm bia ở nhà thờ cụ Bùi, kiểm tra lại bản tôi ghi và xem thật kỹ tấm bia. Anh viết bài khảo cứu, mô tả rất kỹ, đánh giá bài văn bia với những kiến giải sắc sảo.

Được biết, có một vở tuồng Kiều Nôm của cụ Ngụy Khắc Tuần, anh phải ra Hà Nội, vào Thư viện tìm đọc, ghi chép cẩn thận, rồi mới viết bài giới thiệu. Để viết về nhà cách mạng Lê Duy Điếm, anh phải tìm gặp cho được bác Phan Văn Quán - bạn học và đồng chí, được ông Lê đưa sang dự lớp huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc mở ở Quảng Châu - nghe kể nhiều lần.

Lần theo anh đi xem lại tảng đá Chân Tiên, tôi đứng nhìn anh làm việc: Lấy tờ giấy lớn vẽ hình “bàn chân ông Khổng Lồ” in trên đá, đặt la bàn xem hướng, lấy thước đo chiều dài, chiều ngang và cả trong hốc để biết độ sâu... và ghi rất cẩn thận - Đúng là “ông Kiểm tra” - tôi nghĩ vừa buồn cười, vừa thán phục.

*

Nhân dịp kỷ niệm 160 năm thành lập tỉnh Hà Tĩnh, Thị ủy và UBND thị xã Hà Tĩnh xuất bản cuốn sách Hà Tĩnh - Thành Sen - 160 năm. Nhóm biên soạn là Nguyễn Bân, Võ Hồng Huy, Thái Kim Đỉnh. Theo gợi ý của anh Bân, chúng tôi rủ thêm các anh Lê Trần Sửu, Hồ Hữu Phước thành lập nhóm nghiên cứu lấy tên “Nhóm địa phương học Hà Tĩnh”. Anh Huy là cây viết sung sức và là người hoạt động tích cực trong nhóm. Anh viết hàng loạt bài khảo cứu về lịch sử, văn hóa in trên Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh và các sách báo khác. Năm 1995, anh chọn 20 bài in thành tập sách mỏng Non nước Hồng Lam. Cuốn sách được trao giải nhì của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Một con người thanh, cần, thận, trực

Suốt 30 năm làm việc cật lực, anh đã có một lượng tác phẩm khá lớn. Trước tác của anh có 2 mảng.

Mảng thứ nhất gồm hàng trăm bài khảo cứu về địa lý, lịch sử, văn hóa, văn học...

Mảng thứ hai là sách dịch Hán văn, có Nghi Xuân địa chí (của Lê Văn Diễn), Thơ Bùi Dương Lịch, An Tĩnh sơn thủy vịnh (của Dương Thúc Hạp) và Hoa trình tiêu khiển Tiền, Hậu tập (trên 400 bài thơ, cùng dịch với Thái Kim Đỉnh, chưa in).

Ngoài ra, anh còn soạn bài văn bia ở khu lưu niệm Nguyễn Công Trứ và giúp hoàn chỉnh hệ thống câu đối ở Khu lưu niệm Nguyễn Du và chùa Hương Tích.

*

Trong 70 năm làm việc thì 40 năm anh là cán bộ chính trị. Theo tôi, cứ lấy tiêu chí của người xưa thì anh là một ông quan có đủ 4 đức: thanh, cần, thận, trực. 30 năm “làm thêm khi nghỉ hưu”, anh lại có một thành quả xuất sắc, để lại mấy nghìn trang viết có giá trị. Trong số bạn cùng lứa tác của tôi, có người hay nói đến “cống hiến suốt đời”, “làm việc đến hơi thở cuối cùng”. Nhưng chỉ có anh thực hiện được như vậy, mặc dầu anh không hề nói câu ấy. Thế mà, trong câu đối mừng thọ anh lên lão 90, tôi có dùng chữ “hoàn nhân” (con người trọn vẹn). Anh cứ băn khoăn là tôi quá lời.

Đúng là người ta không ai hoàn hảo cả. Nhưng tôi nghĩ cứ làm được như anh đã là hoàn hảo lắm rồi.

Đọc thêm

Podcast truyện ngắn: Chiếc khăn xanh

Podcast truyện ngắn: Chiếc khăn xanh

Tôi không biết điều kỳ diệu nào đã giữ bà tôi gắng gượng ở lại đón cái Tết cuối cùng với gia đình năm đó. Nhưng mãi về sau này, trên những hành trình xuôi ngược, tôi luôn giữ bên mình chiếc khăn len màu xanh bà trao cho tôi ngày ấy...
Podcast tản văn: Có hẹn với mùa xuân

Podcast tản văn: Có hẹn với mùa xuân

Nỗi nhớ bỗng thắt chặt ngực tôi lúc này khi chợt nhận ra, đã bao nhiêu năm mình lỗi hẹn, đã bao nhiêu cái Tết cứ vội vã trở về để rồi lại vội vã đi...
CNN lan tỏa vẻ đẹp du lịch Việt Nam ra thế giới

CNN lan tỏa vẻ đẹp du lịch Việt Nam ra thế giới

Video clip về hình ảnh du lịch Việt Nam được phát sóng trên kênh truyền hình và các nền tảng kỹ thuật số của CNN. Chỉ gói gọn trong 30 giây song video đã vẽ nên một bức tranh sống động và lôi cuốn về mảnh đất hình chữ "S" xinh đẹp, chạm đến trái tim của khán giả và du khách.
Xem trận địa pháo hoa mừng ngày lễ trọng ở Hà Tĩnh

Xem trận địa pháo hoa mừng ngày lễ trọng ở Hà Tĩnh

500 quả pháo hoa tầm cao và 90 giàn pháo hoa tầm thấp đã sẵn sàng khai hỏa vào tối nay (27/12) tại Quảng trường Thành Sen (TP Hà Tĩnh) sau khi kết thúc Lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Ngọn đuốc nhân văn của văn hóa nhân loại

Ngọn đuốc nhân văn của văn hóa nhân loại

Trong dòng chảy lịch sử văn hóa Việt Nam, Đại thi hào Nguyễn Du (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) hiện lên như một ngọn đuốc sáng rọi, vượt lên cả thời gian và biên giới, điểm tô cho văn hóa nhân loại bằng sự nghiệp văn chương bất hủ và những di sản chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc.
Nhịp võng của tre

Nhịp võng của tre

Những thanh tre liên kết với nhau thật uyển chuyển trên lối đi đầy màu sắc, đưa dòng người theo đạo ở Hà Tĩnh và du khách gần xa vào những cung đường huyền bí của hang Bê-lem.
Podcast truyện ngắn: Một ngày đã qua

Podcast truyện ngắn: Một ngày đã qua

Bất giác tôi ôm lồng ngực. Một cảm giác đau nhói sộc lên mũi làm tôi ngồi thụp xuống. Khánh cuống quýt xốc tôi chạy về phòng. Anh chạy ngược nắng, cả khuôn mặt nhuốm đỏ...
Podcast tản văn: Bếp xưa dĩ vãng

Podcast tản văn: Bếp xưa dĩ vãng

Con người ta càng lớn tuổi càng hoài niệm quá khứ. Có những thứ không dưng mà cũng khiến lòng ta bùi ngùi thương nhớ, đôi khi đơn giản như gian bếp ngày xưa…
Sắc vóc 'Mỹ nhân của năm 2024'

Sắc vóc 'Mỹ nhân của năm 2024'

Hoa hậu Thanh Thủy - "Mỹ nhân của năm 2024" do độc giả Ngôi Sao bình chọn - có khuôn mặt trái xoan, cao 1,76m, vóc dáng gợi cảm.