Tuy nhiên, báo chí cũng còn tồn tại một số hiện tượng cần sớm khắc phục để ngày càng lành mạnh.
Niềm vui chân chính
Năm 2016 là năm báo chí chuyển mình vươn lên để thật sự là "phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Ðảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân".
Một số tiêu cực trong báo chí năm qua tuy nghiêm trọng song không thể làm biến dạng nền báo chí cách mạng. Hệ thống báo chí nước ta, gồm báo hình, báo nói, báo in và báo điện tử, với đội ngũ hùng hậu hơn 18 nghìn nhà báo được cấp thẻ hành nghề cùng hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên kỹ thuật và nghiệp vụ hoạt động trong 857 cơ quan báo chí in, 125 cơ quan báo chí điện tử, 66 đài phát thanh và truyền hình với 182 kênh quảng bá, 82 kênh trả tiền,…
Ở đó, số đông nhà báo là tác giả chính trực, và phần lớn cơ quan báo chí đều nghiêm túc tuân thủ định hướng của Ðảng và pháp luật của Nhà nước, các hoạt động luôn được tiến hành minh bạch, đúng tôn chỉ mục đích.
Hai sự kiện chính trị quan trọng nhất của đất nước trong năm qua là Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng (Ðại hội), bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 (Bầu cử). Ðó là hai sự kiện lớn nhất trong năm thu hút sự chú ý của nhân dân cả nước, và trở thành các chủ đề quan trọng trong hoạt động của hệ thống báo chí.
Trước Ðại hội và trước bầu cử, hệ thống báo chí đã hoàn thành tốt hai nhiệm vụ hệ trọng là: Vừa tuyên truyền nêu bật ý nghĩa của sự kiện, khẳng định tinh thần dân chủ, công bằng trong xã hội, khẳng định các thành tựu đã đạt được, chuyển tải ý kiến đóng góp tích cực của toàn dân…; vừa góp phần đẩy lùi các loại thông tin tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực xấu, thù địch, một số phần tử cơ hội về chính trị lợi dụng hai sự kiện này để xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước, phủ nhận những thành quả của sự nghiệp cách mạng, gây tâm lý nghi ngờ, hoang mang trong dư luận,… từ đó thực hiện âm mưu gây bất ổn trong đời sống.
Trong thời gian Ðại hội và Bầu cử diễn ra, thông qua báo chí mà toàn dân được tiếp cận đầy đủ diện mạo cùng các vấn đề của đất nước đã được bàn thảo, quyết định tại cơ quan lãnh đạo cao nhất của Ðảng, và tại các kỳ họp Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Sau Ðại hội và sau Bầu cử, báo chí đã góp phần nhanh chóng đưa các nghị quyết của Ðảng, các quyết nghị của Quốc hội vào cuộc sống.
Dù mạng xã hội và các công cụ truyền thông trên internet phát triển như vũ bão khiến cho nhiều người lo ngại về vai trò của báo chí chính thống, nhưng thực tế cho thấy báo chí chính thống vẫn luôn luôn giữ vững vai trò chủ đạo, nơi cung cấp thông tin đáng tin cậy nhất đến với người dân. Thông tin trên báo chí luôn là thông tin chân thực, được xử lý một cách chuyên nghiệp, nguồn tin rõ ràng và hoàn toàn có thể kiểm chứng, mọi thông tin sai lệch đều bị sự chế tài của pháp luật.
Khi sự thật được truyền tải trên báo chí, tự nó đủ sức đẩy lùi các thông tin ngụy tạo, xuyên tạc tình hình đất nước, góp phần củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước, củng cố sự ổn định chính trị để thúc đẩy sự phát triển của đất nước trên mọi lĩnh vực. Và đó là niềm vui lớn nhất của những người làm báo. Trong đó có sự kiện tưởng là nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa rất lớn.
Như sự kiện liên quan quán cà phê Xin Chào ở huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh), được báo chí phản ánh đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận. Số phận của cơ sở kinh doanh bé nhỏ này là sẽ mãi chịu oan sai nếu không có sự lên tiếng của báo chí. Từ thông tin trên báo chí, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc để đem lại sự công bằng cho người dân.
Ðó cũng chính là điều V.I. Lê-nin từng nói, chính quyền Xô viết không chỉ làm những việc đại sự thay cũ đổi mới, mà còn phải quan tâm đến số phận cụ thể của từng con người. Báo chí của chúng ta đã đồng hành với Ðảng và Nhà nước bênh vực cho nhiều thân phận yếu thế bị chủ nghĩa quan liêu đẩy đến đường cùng.
Việc trả lại công bằng cho các ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén,… cho các trường hợp như quán cà phê Xin Chào đã góp phần đẩy lùi tình trạng quan liêu, đem lại sự an lành cho người dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, đối với chế độ, là niềm vui lớn của những người làm báo.
Vụ án Trịnh Xuân Thanh cũng bắt đầu từ một bản tin trên báo chí. Từ bản tin này, đồng chí Tổng Bí thư đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan của Ðảng và các cơ quan bảo vệ pháp luật của Nhà nước vào cuộc. Dù Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn và vụ án chưa kết thúc, nhưng qua sự việc này, Ðảng và Nhà nước tiếp tục đưa ra thông điệp không có "vùng cấm" đối với báo chí, không có bất kỳ ai phạm pháp hoặc tiếp tay, dung túng cho tội phạm lại có thể thoát khỏi vòng pháp luật.
Tội phạm và các "nhóm lợi ích" đang lộng hành là nỗi buồn của đất nước, nên thông điệp Ðảng và Nhà nước tiếp tục khẳng định không chỉ là niềm vui với nhân dân, còn là niềm vui của những người làm báo… Còn nhiều niềm vui khác nữa trong làng báo mà không thể kể hết trong bài viết này. Và bạn đọc có thể chung vui với từng cơ quan báo chí, với từng nhà báo trên các ấn phẩm, trên các trang tin và chương trình phát thanh, truyền hình nhân dịp Xuân Ðinh Dậu 2017.
Nỗi buồn cần rũ bỏ
Có thể nói, việc 50 cơ quan báo chí bị Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt, nhiều nhà báo bị thi hành kỷ luật, bị thu thẻ nhà báo trong vụ "nước mắm nhiễm thạch tín" là sự cố báo chí lớn nhất trong năm, đó thật sự là nỗi buồn, là sự cố đáng hổ thẹn của giới báo chí chính thống nước nhà.
Ðây là điển hình của sự câu kết giữa các nhà báo thoái hóa, biến chất với một "nhóm lợi ích", gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh lành mạnh của đất nước, gây bất bình cho đông đảo người dân. Sự cố này là "điểm trừ" đối với uy tín của giới báo chí.
Cũng phải đề cập đến việc Trường đại học Fulbright Việt Nam bổ nhiệm cựu Thượng nghị sĩ Mỹ B. Kerrey làm Chủ tịch Hội đồng tín thác của trường này và cuộc tranh luận trong giới báo chí cũng là một sự cố báo chí đáng buồn, khi vấn đề được một số báo đẩy quá xa đến mức làm lẫn lộn phải - trái trong lịch sử.
Ông B. Kerrey là một cựu binh từng chỉ huy và trực tiếp tham gia cuộc thảm sát dã man những người dân vô tội ở Bến Tre trong chiến tranh xâm lược của Mỹ trên đất nước ta. Những tội ác đó đã được báo chí Mỹ phanh phui, bản thân ông B. Kerrey thừa nhận, một số chứng tích về sự kiện này còn được trưng bày trong Bảo tàng chứng tích chiến tranh ở TP Hồ Chí Minh. Nhưng vì chủ trương "khép lại quá khứ, hướng tới tương lai" mà Chính phủ và nhân dân Việt Nam không những không truy cứu mà còn ghi nhận, hoan nghênh một số hoạt động tích cực của ông góp phần vào việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Chúng ta chỉ không tán thành việc bổ nhiệm ông vào vị trí đứng đầu một trường đại học, nơi có nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ của Việt Nam. Việc không tán thành đó là thuộc về đạo lý của người Việt Nam chúng ta, cũng là đạo lý mà chắc chắn nhân dân Mỹ và thế giới đều hướng tới.
Thế nhưng dường như đã có cuộc vận động bất thường để bảo vệ vị trí của ông B. Kerrey ở Trường đại học Fulbright? Vì đã có một số bài viết trên báo chí chính thống không chỉ khẳng định sự "chính đáng" của việc bổ nhiệm, mà còn đánh đồng hành động của người lính khi thực hiện nhiệm vụ của cấp trên trong chiến tranh với hành vi gây tội ác chiến tranh bị luật pháp quốc tế nghiêm cấm.
Thậm chí còn có người công khai biện minh cho tội ác. Ðó thật sự là việc làm rất đáng buồn của một số nhà báo, một số tờ báo ở Việt Nam, vì như thế là đồng lõa với tội ác, làm tổn thương vong linh của những người lương thiện đã chết vì tội ác.
Cuối cùng là chuyện đáng buồn diễn ra nhiều năm không dứt, là tình trạng đưa tin, viết bài giật gân, câu khách, câu view (thu hút lượt xem), chạy theo tâm lý tò mò không lành mạnh hoặc thị hiếu lệch lạc của một bộ phận công chúng.
Những tin, bài, hình ảnh thuộc loại này được đăng với tần suất cao trên nhiều báo điện tử và một số báo in, mô tả hành vi, hình ảnh trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, nhân danh chống bạo lực để kích thích bạo lực. Nhiều vụ án được mô tả với chi tiết rùng rợn không phải để công chúng lên án tội ác mà để kích thích tò mò.
Một số doanh nhân, nghệ sĩ và các nhân vật trong giới showbiz (nghệ thuật biểu diễn) bị báo chí khai thác đời tư quá mức, thậm chí còn bịa đặt, thêm mắm, dặm muối để câu khách, câu view. Gần đây nhất, cũng vì mục đích này, một loạt báo còn "tung hô" một nghệ sĩ vừa về nước sau khi thụ án tù ở Mỹ vì tội ấu dâm, tạo ra một xu hướng rất nguy hiểm, gây bất an cho các bậc làm cha mẹ trước nguy cơ bị tấn công tình dục của hàng triệu trẻ em từ kiểu nhân vật bệnh hoạn được báo chí lăng-xê.
Ðó là biểu hiện của tình trạng suy đồi về đạo đức vượt khỏi giới hạn của văn minh trong một bộ phận người làm báo, tình trạng này nhất định phải chấm dứt không chỉ từ sự tự ý thức về trách nhiệm của người làm báo đối với người đọc, mà còn từ các biện pháp kiên quyết của cơ quan chức năng.
Xử lý hành vi tiêu cực của một bộ phận nhà báo, của một số tòa soạn là đồng nghĩa với bảo vệ nhà báo chính trực, dấn thân vì đất nước, vì nhân dân, vì lẽ phải, là trách nhiệm của các cơ quan quản lý báo chí và các cơ quan bảo vệ pháp luật. Chỉ ra chuyện buồn trong giới báo chí không phải là "vạch lá tìm sâu" để bi quan, mà để kiên quyết rũ bỏ. Rũ bỏ chuyện buồn, thải loại hành vi tiêu cực trong giới báo chí cũng là để niềm vui hoạt động báo chí trong năm tới thêm trọn vẹn, được nhân lên, để bạn đọc tiếp tục tin cậy và gửi gắm niềm tin.
Trương Minh Tuấn