Xã cuối cùng của huyện miền núi Vũ Quang chạm đích nông thôn mới

(Baohatinh.vn) - Theo ông Phạm Duy Đạt - Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng NTM huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh), đến thời điểm này, xã tái định cư Hương Điền đã được đoàn liên ngành của tỉnh thẩm định hoàn thành 20 tiêu chí xây dựng NTM.

Từ núi rừng hoang vu thành xóm làng tươi đẹp...

Cách đây tròn 6 năm, 21 hộ dân thôn Hoa Thị đã cùng với toàn thể người dân Hương Điền di dời về vùng đất TĐC và sau đó 1 năm thì bắt tay vào xây dựng NTM.

Thực hiện công cuộc xây dựng NTM giúp cho bộ mặt của Hương Điền đang ngày càng khởi sắc

Ông Đặng Minh Song - Trưởng thôn Hoa Thị nhớ lại: “Những ngày mới về nơi ở mới, toàn cảnh Khe Ná - Chi Lời được bao trùm lên một cảnh buồn, hoang vu, núi rừng trùng điệp, xa trung tâm, đường sá đi lại cách trở. Cùng đó là dân cư thưa thớt, đời sống khó khăn, tư tưởng chưa thực sự ổn định, thu nhập chẳng có gì nên công cuộc xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc huy động nguồn lực”.

Thế nhưng, với quyết tâm cao, vào cuộc chủ động, người dân thôn Hoa Thị đã cùng nhau khắc phục khó khăn để xây dựng quê hương. Không có điều kiện đóng góp kinh phí nhiều nên 21 hộ với hơn 70 nhân khẩu ở đây đã đem hết công sức, tâm huyết của mình để xây dựng vườn đẹp, xóm vui và chỉ tính từ năm 2018 đến nay đã huy động được 820 ngày công làm NTM.

Nhờ vậy, từ chỗ vùng “thâm sơn cùng cốc”, năm 2018, thôn Hoa Thị đã thành khu dân cư kiểu mẫu cấp huyên, phấn đấu năm nay đạt cấp tỉnh, có 10 vườn mẫu, 100% đường GTNT được cứng hóa, có hàng rào xanh, hội quán đẹp, đường luôn rợp bóng cờ hoa...

Từ vùng đất hoang vu nằm giữa đại ngàn hùng vĩ, thôn Hoa Thị (xã Hương Điền) đã ngày càng thay da, đổi thịt, trở thành một miền quê đáng sống

Ông Đặng Khánh Trình - Chủ tịch UBND xã Hương Điền cho biết thêm: “Nhờ cả hệ thống chính trị và nhân dân đồng lòng đến thời điểm này, Hương Điền đã huy động được hơn 17 tỷ đồng, trong đó tiền ngân sách cấp trên hơn 11 tỷ đồng, ngân sách xã hơn 1 tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 2 tỷ đồng..."

Từ nguồn kinh phí này đã tập trung đầu tư cho các tiêu chí về giao thông, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa...

Điểm nhấn trong phát triển sản xuất

Có mặt tại vườn cam gần 400 gốc vừa cho quả của gia đình ông Trần Viết Châu ở thôn Hoa Thị chúng tôi đã phần nào cảm nhận được sự đổi thay trong tư duy làm ăn, sinh kế, thu nhập của người dân vùng TĐC này.

Cũng như bao hộ khác, khi về nơi ở mới, ông Châu vẫn chưa thể thoát khỏi tư duy sản xuất nông nghiệp lạc hậu, manh mún.

Nhưng nhờ được động viên, hỗ trợ, định hướng kịp thời nên ông Châu đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế vườn đồi và đã tạo được bước ngoặt lớn. Ngoài đồi cam, gia đình ông còn có 10 con bò, hàng chục đàn ong và nuôi thêm lợn, gà... mỗi năm cho thu nhập trên 150 triệu đồng.

Một số diện tích trong vườn cam 400 gốc của ông Trần Viết Châu ở thôn Hoa Thị đã bắt đầu cho quả, hứa hẹn sẽ mang về cho gia đình ông nguồn thu nhập đáng kể

Không khỉ có gia đình ông Châu mà ở Hương Điền hiện nay đã có nhiều mô hình kinh tế vườn đồi bắt đầu cho thu nhập khá như hộ anh Hồ Viết Khang (ở thôn Đăng), Mai Thế Dũng (ở thôn Ngân Móc)...

Từ chỗ sản xuất manh mún, thiếu ăn quanh năm, chẳng có nguồn thu nhập gì đáng kể ngoài những ngày đi làm thuê, làm khoán, thì nay đã có hàng chục hộ có mức thu nhập từ dăm chục đến vài trăm triệu mỗi năm và đang tăng nhanh.

Mô hình kinh tế trang trại trồng cam kết hợp chăn nuôi bò, dê, gà của anh Mai Thế Dũng ở thôn Ngân Móc mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu động, và là một trong những mô hình điểm của xã tái định cư Hương Điền

Chủ tịch UBND xã Đặng Khánh Trình khẳng định: “Thực tế cũng cho thấy, điểm nổi bật nhất trong xây dựng NTM ở xã Hương Điền trong những năm qua là việc thúc đẩy nên sản xuất phát triển bằng đề án sản xuất sát đúng, chỉ đạo sâu sát, nhân dân đồng tình vào cuộc cao.

Đến nay, toàn xã đã xây dựng được 86 mô hình trồng cây ăn quả quy mô từ ½ ha trở lên, 5 mô hình nuôi hươu, 15 mô hình nuôi gà trên 100 con/lứa, 22 mô hình chăn nuôi bò trên 5 con, 3 mô hình nuôi ong trên 20 đàn trở lên, 2 mô hình nuôi dê trên 10, 1 mô hình nuôi lợn ri lai quy mô 20 con, 4 mô hình chăn nuôi lợn thịt quy mô 50 con...”.

Công cuộc xây dựng NTM đã giúp cho bộ mặt xã TĐC Hương Điền ngày càng bừng sáng lên giữa núi rừng trùng điệp

Sản xuất phát triển, sinh kế được nâng lên, thu nhập không ngừng được cải thiện. Vì vậy, từ chỗ có bình quân thu nhập đầu người hàng năm chỉ 6,3 triệu đồng năm 2014 thì nay đã ước đạt 33,5 triệu/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 2,9%, an sinh xã hội ngày càng được đảm bảo...

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói