Xuất phát điểm thấp
Kỳ Nam được coi là xã nghèo nhất thị xã Kỳ Anh với tỷ lệ hộ nghèo chiếm 6,2%, thu nhập bình quân đầu người chỉ mới đạt 28,5 triệu đồng/người/năm, đa phần các hộ dân sống dựa vào nghề biển và làm nông nghiệp.
Xuất phát điểm thấp nên dù đã có nhiều biện pháp nhưng đến nay Kỳ Nam chỉ mới đạt 8/20 tiêu chí. “Khát” vốn, thiếu nguồn đầu tư là nguyên nhân chính khiến xã trăn trở khi triển khai thực hiện 12 tiêu chí NTM còn lại, để có thể về đích đúng dự kiến.
Đến cuối năm 2018, xã Kỳ Nam còn 48 hộ nghèo.
Xây dựng NTM của xã đang trong quá trình “leo dốc” với nhiều “chướng ngại vật” khó vượt như: Tổ chức sản xuất, đường giao thông nông thôn, trường học, thu nhập... Đây là những vướng mắc rất lớn mà lãnh đạo cũng như nhân dân xã Kỳ Nam phải rất nỗ lực thực hiện.
Hiện trạng cho thấy, tại các con đường liên thôn, liên xã đất, đá lởm chởm, vườn hộ bị bỏ hoang, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng. Bên cạnh hạ tầng cơ sở yếu kém, kinh tế của người dân cũng còn nhiều khó khăn.
Đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân của xã đạt 28,5 triệu đồng/người; còn 48/774 hộ thuộc diện nghèo. Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2019, giảm 15 hộ nghèo và nâng thu nhập lên 36 triệu đồng là bài toán khó. Điều này còn dẫn đến việc, Kỳ Nam rất khó huy động nội lực vật chất từ người dân...
Do ảnh hưởng của bão lũ, tuyến đường bao quanh thôn Minh Đức, dọc theo sông Xích Mộ bị sạt lở nghiêm trong là một trong những khó khăn về tiêu chí giao thông của xã Kỳ Nam (Anh: Tiến Dũng)
Ông Nguyễn Đình Vin - Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam cho biết, tiêu chí được xác định khó đạt nhất là tổ chức sản xuất. Hiện, xã chỉ mới có 1 HTX hoạt động tương đối hiệu quả, còn lại vẫn đang trong tình trạng “mỏi mòn” chờ doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Thêm vào đó, ngoài yếu tố khách quan do mặt bằng đời sống kinh tế còn thấp, thì một bộ phận lớn ngời dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên”.
Thử thách cần vượt qua
Để đưa Kỳ Nam về đích trong năm 2019 là một công việc hết sức khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức của cán bộ, nhân dân tại địa phương.
Trước hết, xã Kỳ Nam phải thực hiện hiệu quả các mô hình sản xuất, chăn nuôi cũng như liên kết thực hiện tốt hình thức sản xuất tập thể HTX hay tổ hợp tác. Phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương có lẽ là bước đi đầu tiên tạo động lực, đòn bẩy phát triển nông nghiệp, kinh tế của xã.
Lãnh đạo TX Kỳ Anh cùng các ngành chức năng trực tiếp về Kỳ Nam để nắm bắt tình hình, giúp địa phương "xốc lại tinh thần", tìm giải pháp “đánh trúng” những điểm yếu trong phát triển kinh tế...
Ngay từ những tháng đầu năm 2019, Thị xã Kỳ Anh đã đưa ra Nghị quyết xây dựng nông thôn Kỳ Nam với kết cấu hạ tầng KT-XH phát triển đồng bộ, cơ cấu kinh tế hợp lý. Phấn đấu đến 30/12/2019, Kỳ Nam được công nhận đạt chuẩn NTM.
Theo đó, các đơn vị, ban, ngành phải có sự “đồng hành” cùng Kỳ Nam “xốc lại tinh thần”, kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng, giải quyết bài toán kinh tế cho địa phương. Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi thị xã Kỳ Anh Thân Văn Tự, cho biết: Đơn vị đã khảo sát, lựa chọn các hộ xây dựng vườn mẫu và chọn một số giống cây phù hợp với thổ nhưỡng của Kỳ Nam. Hiện nay, giống cây đang được ưu tiên phát triển là cây Mai Kỳ Nam và cây dược liệu…”.
Giống cây mai Kỳ Nam đang được ưu tiên phát triển
Là xã cuối về đích NTM, “gánh trên vai” nhiều khó khăn chồng chất, không chỉ Kỳ Nam mà lãnh đạo TX Kỳ Anh cũng sốt sắng tìm các biện pháp hữu hiệu để đưa xã cán đích.
Phó Chủ tịch UBND TX Kỳ Anh Phan Duy Vĩnh chia sẻ: “Để Kỳ Nam có thể chạm đích vào cuối năm, cần quyết tâm, nỗ lực không chỉ của riêng địa phương mà cả sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Thị xã sẽ tập trung tuyên truyền, kết nối, huy động các nguồn lực hỗ trợ cùng với chính quyền và nhân dân Kỳ Nam từng bước chủ động trong việc tạo nguồn lực xây dựng NTM. Tuy nhiên, với những khó khăn đặc thù, đòi hỏi người dân Kỳ Nam phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa mới có thể đưa Kỳ Nam về đích NTM vào cuối năm nay”.