Các tuyến đường giao thông nông thôn được người dân Kỳ Thọ góp sức xây dựng, chỉnh trang
Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Thọ Dương Đình Hới cho biết, từ điểm xuất phát thấp, người dân Kỳ Thọ mang nặng suy nghĩ bằng lòng với hiện tại, chịu khổ chứ không chịu thay đổi. Mãi đến năm 2018, xã mới tập trung “cắt đuôi” tư tưởng tự bằng lòng để khơi dậy khát vọng xây dựng quê hương đạt chuẩn NTM.
Cú hích mở màn đó là chuyến tham quan của 400 người là cán bộ xã, thôn, các tổ trưởng liên gia và hộ nông dân tiêu biểu đến khắp các vùng quê điển hình trong xây dựng NTM của tỉnh như Nam Trà, Tiên Điền, Cẩm Yên, Tượng Sơn… Tiếp đó, xã xây dựng chương trình tuyên truyền về xây dựng NTM bằng hình ảnh tổng hợp về những phong trào, cách làm, kết quả của các địa phương trong tỉnh, trình chiếu đến tận thôn.
Bước nữa là thực hiện cuộc khảo sát cùng bằng hình ảnh về cái được, cái chưa được trong xây dựng NTM ở Kỳ Thọ và đưa ra cong bố, phân tích ở các cuộc họp thôn. Đặc biệt chỉ rõ điểm nào, thôn nào, hộ gia đình nào còn thiếu ý thức, chưa vào cuộc trong xây dựng NTM để nhắc nhở, động viên chấn chỉnh.
Nhà văn hóa thôn Vĩnh Thọ được xây dựng khang trang
“Cuộc tổng tiến công” tuyên truyền, vận động đã khơi dậy lòng tự trọng, tính tự ái của mỗi người dân. Đây là cơ sở để năm 2018, Kỳ Thọ dồn sức hoàn thành nhiều phần việc, tạo đà cho năm về đích 2019.
Đến cuối năm 2018, trường THCS đầu tư xây dựng thêm 5 phòng học, trường tiểu học xây mới dãy nhà học 6 học. Người dân các thôn đồng loạt góp công, góp của xây dựng mới 7km đường GTNT; thôn Vĩnh Thọ hoàn thành nhà văn hóa cuối cùng trong xã.
Trưởng thôn Vĩnh Thọ Phạm Đình Thế cho hay, là thôn cuối cùng xây dựng nhà văn hóa nên người dân đều nhận thức được trách nhiệm của mình. Sau 2 đợt đóng góp tiền của người dân và con em xa quê, hàng trăm ngày công được huy động, chỉ trong 4 tháng, nhà văn hóa thôn được hoàn thành với tổng số tiền hơn 720 triệu đồng. Những hạng mục còn lại như lát gạch sân, làm cổng, trang bị ghế đá trong khuôn viên… được các tổ chức, cá nhân có điều kiện ở trong thôn tự nguyện đóng góp.
Xây dựng NTM đã lan tỏa đến cả những thế hệ con em Kỳ Thọ xa quê, tạo niềm tin để họ chung sức đầu tư làm nên bức tranh mới của quê nghèo. Như ở thôn Sơn Bắc, sau khi hoàn thiện cơ bản các công trình hạ tầng thiết yếu, con em xa quê đã đóng góp 34 triệu đồng để khôi phục giếng làng bị bỏ hang thành một điểm nhấn cảnh quan đẹp mắt.
Giếng làng thôn Sơn Bắc sau nhiều năm hoang phế đã trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng của thôn
Ông Hồ Vi (75 tuổi), người dân trong thôn cho biết: “Giếng làng này đã tồn tại hàng trăm năm, do thời gian, chiến tranh, thiên tai nên trở thành hoang phế, cây cối um tùm che kín. Tháng 10 năm 2018, nhờ con em xa quê góp kinh phí, bà con trong thôn góp công nên di tích đã sống lại, trở thành điểm cộng đồng để bà con chuyện trò, hóng mát”.
Đến đầu năm 2019, 15 tiêu chí của chương trình xây dựng NTM đã được hoàn thành, Kỳ Thọ đang có điểm khởi động năm mới thuận lợi để về đích vào cuối năm. Trong số các tiêu chí còn lại, nhiệm vụ nặng nhất đó là xây dựng khu dân cư kiểu mẫu.
Huyện Kỳ Anh tổ chức lễ phát động trồng xây đầu năm và xây dựng NTM tại thôn Tân Thọ, xã Kỳ Thọ
Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Thọ cho biết, xã đã chọn 3 thôn tiến hành xây dựng khu dân cư kiểu mẫu là Sơn Bắc, Sơn Nam và Tân Thọ. Ngay trước tết, thôn Tân Thọ đã được chọn làm điểm khởi động chương trình NTM của huyện Kỳ Anh với khí thế tham gia sôi nổi và quyết tâm cao của người dân.
Vị trí giao thông thuận lợi, người dân số đông là tiểu thương, có thu nhập khá, hệ thống hạ tầng đã được xây dựng khá đồng bộ, Tân Thọ sẽ là địa phương đầu tàu, cùng với các thôn khác hoàn thành tiêu chí xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Tin rằng đến cuối năm nay, Kỳ Thọ sẽ đạt chuẩn NTM một cách vững chắc, vẽ nên bức tranh tươi mới cho vùng đất nổi tiếng đói nghèo trước đây”.