“Chìa khóa” trong gia đình nhiều thế hệ

(Baohatinh.vn) - Cùng với sự phát triển của xã hội, các gia đình nhiều thế hệ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề. Trong hoàn cảnh đó, người cao tuổi trong gia đình chính là chiếc “chìa khóa” mở ra các ô cửa của sự cảm thông, thấu hiểu, hòa thuận giữa các thành viên...

Trong xu thế phát triển hiện nay, nhiều gia đình Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức to lớn. Mặt trái của cơ chế thị trường đã tạo ra lối sống thực dụng, tôn thờ đồng tiền, coi thường đạo đức gia đình truyền thống. Các xu hướng, trào lưu xấu, các tệ nạn xã hội luôn rình rập và đe dọa cuộc sống bình thường của nhiều gia đình. Các gia đình nhiều thế hệ càng phải đối mặt nhiều hơn với những nguy cơ rạn nứt, đổ vỡ.

Trong hoàn cảnh đó, với sự từng trải, bản lĩnh đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống, với uy tín của mình trong gia đình, người cao tuổi sẽ có những phương pháp giáo dục, sẽ trở thành trụ cột trong việc rèn giũa cháu con hướng tới một cuộc sống hòa thuận, lành mạnh, văn minh.

“Chìa khóa” trong gia đình nhiều thế hệ

Gia đình nhiều thế hệ là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta

Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tịnh - Trưởng bộ môn Tâm lý giáo dục Trường Đại học Hà Tĩnh chia sẻ: “Để phát huy vai trò của mình trong gia đình nhiều thế hệ, ngoài việc “khai thác” kinh nghiệm, bản lĩnh, trí tuệ, người già cũng cần phải luôn cập nhật các xu hướng mới trong xã hội, đồng thời trau dồi sức khỏe để sẵn sàng đối mặt với mọi tình huống xẩy ra trong đời sống. Còn các thế hệ trẻ trong gia đình, ngoài việc chứng tỏ bản thân, theo đuổi những mục đích riêng, cần phải luôn ý thức cao về lòng hiếu thảo, trau dồi tình cảm, nhận thức để hướng mình vào trục xoay mà ông bà, cha mẹ đã tạo dựng”.

“Chìa khóa” trong gia đình nhiều thế hệ

Các thành viên trong gia đình cần cảm thông, chia sẻ, cùng xây đắp, gìn giữ hạnh phúc

Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng gia đình nhiều thế hệ vẫn là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta được kế thừa, duy trì. Trong thực tế, rất nhiều gia đình đã vượt qua được những rào cản, vướng mắc để chung sống hòa thuận, cùng xây đắp truyền thống văn hóa của gia đình. Ở những gia đình đó, người ta luôn thấy rõ vai trò trụ cột của người cao tuổi trong giáo dục, định hướng. Rõ ràng, sự mẫu mực của ông bà, cha mẹ sẽ là chỗ dựa, là tấm gương để con cháu học tập, noi theo, đồng thời cũng là nguyên cớ để con cháu biết sống hiếu kính hơn.

Chia sẻ về vấn đề này, chị Trần Thị Anh (phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) cho rằng: “Một trong những mâu thuẫn thường gặp nhất trong gia đình nhiều thế hệ là quan điểm trái chiều trong giáo dục con cháu. Việc ông bà bênh vực cháu trong khi bố mẹ dạy dỗ con, vừa khiến trẻ dễ nảy sinh tính dựa dẫm, ỷ lại, vừa dẫn tới những mâu thuẫn dây chuyền trong cả 3 thế hệ.

Muốn có sự hòa thuận, hạnh phúc thì các thành viên phải cùng góp ý để xây dựng nền nếp, quy tắc ứng xử trong gia đình. Trong đời sống thường ngày, còn rất nhiều tình huống khác xảy ra nhưng nếu trong hoàn cảnh đó, các thành viên ngồi lại cùng trao đổi, lắng nghe sự dạy bảo của người già, người già tôn trọng ý kiến người trẻ thì chắc chắn mọi vấn đề đều được giải quyết êm ấm”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast