"Chúng tôi bện tay vào vai nhau, tạo thế chân kiềng, đấu tranh, chờ ngày tự do"

(Baohatinh.vn) - “Những ngày cùng khổ ở nhà tù Phú Quốc, chúng tôi cứ 3 người bện tay vào vai nhau tạo thế chân kiềng dìu nhau đi, động viên nhau đấu tranh, chờ ngày tự do" - ông Trương Đình Khuê (thôn Hải Hà, xã Kỳ Lâm, huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh) chia sẻ.

"Gần nửa thế kỷ trở về quê nhà, tôi vẫn chưa gặp lại được 2 "chân kiềng” ngày ấy. Các đồng chí, đồng đội tình nặng hơn máu mủ của tôi, giờ các anh đang ở đâu?”

chung toi ben tay vao vai nhau tao the chan kieng dau tranh cho ngay tu do

Ông Trương Đình Khuê đau đáu nhớ về những người đồng đội đã cùng nhau vượt qua những ngày gian khổ ở nhà tù Phú Quốc.

Nhớ những người bạn tù tình nặng hơn máu mủ

Ông Trương Đình Khuê - thôn Hải Hà - Kỳ Lâm (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), người đã từng vào sinh ra tử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ mở đầu câu chuyện với những lời đau đáu về những người đồng đội ở nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang).

“Một anh tên Quyên là bác sỹ người Hà Nội, một người tên Quý người Hương Sơn. Anh Quý theo đường hầm bí mật trốn ra tù trước tôi mấy tháng. Trước khi anh đi, tôi còn cắt tông làm cho anh đôi dép. Anh Quyên thấp đậm, có râu quai nón, hiền lành, từ tốn, ra tù cùng lúc với tôi. Biền biệt đã gần nửa thế kỷ, vì cuộc sống gia đình còn khó khăn nên tôi chẳng có điều kiện tìm họ. Nhưng ngày nào tôi cũng nhớ đến 2 chiếc "chân kiềng" đã cùng tôi vượt qua những ngày sinh tử”.

chung toi ben tay vao vai nhau tao the chan kieng dau tranh cho ngay tu do

Mô phỏng một cảnh tra tấn các chiến sỹ cách mạng ở nhà tù Phú Quốc( Ảnh: new.zing.vn)

Ông Khuê lên đường nhập ngũ năm 1965, vào đơn vị C4, D3, E27 ở Quảng Trị. Năm 1968, trong trận phục kích để đánh tiêu hao lực lượng địch tại huyện Gio Linh, tiểu đội 6 người do ông chỉ huy bị địch phát hiện và huy động lực lượng bủa vây. Hơn nửa ngày chống chọi, 4 chiến sỹ hy sinh, ông Khuê và 1 người nữa bị thương ngất đi và rơi vào tay địch. Lúc đầu, ông bị địch đưa vào trại giam Đà Nẵng, 2 tuần sau chuyển đến nhà tù Phú Quốc (trước gọi là Trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc).

“4 năm, 8 tháng ở nhà tù này, với tôi là những ngày tháng vừa đau đớn và ám ảnh, vừa lắng sâu nghĩa tình đồng chí, đồng đội. Tôi không bị địch tra tấn quá nhiều nhờ nhất quán lời khai: “Là lính nấu cơm, quê ở Quảng Bình, chẳng còn cha mẹ”. Nhưng tôi đã chứng kiến những món đày ải, tra tấn dã man mà những chiến sỹ cộng sản kiên trung, đồng đội đáng kính của tôi phải chịu đựng.

Mỗi lúc chúng tra tấn đồng đội hay nhận lệnh cấp trên mở đợt đấu tranh là trong nhà tù, khoảng 1.000 tù binh nhất tề tuyệt thực. Thường thì dăm ba ngày, có lúc 7 ngày, đợt dài nhất là 9 ngày. “Nhịn ăn không chết nhưng đau nhức hết toàn thân, mình mềm như bún, không còn cử động nổi. Hết đợt đấu tranh, chúng tôi thường lết lại gần nhau, cố gắng khởi động cơ thể cho nhau rồi cứ 3 người thành một "chân kiềng" lê nhau dậy tìm lại sự sống, chờ ngày chiến thắng”.

Chuyện người trở về sau 4 năm báo tử

Khi ông Khuê đang bị bắt giam ở nhà tù Phú Quốc thì ở quê nhà, tháng 10/1968, gia đình nhận giấy báo tử của ông. Bà Nguyễn Thị Thuỵn - vợ ông Khuê nhớ lại: “Hồi đó, giặc Mỹ đêm ngày trút bom. Cả làng đào hầm đi sơ tán. Một buổi sáng, tôi cùng 2 con và ông bà nội đang ở trong hầm sơ tán thì các anh trong xã đưa giấy báo tử đến gia đình. Trước đó một năm, em trai ông Khuê cũng đã hy sinh ở chiến trường Lào, bởi vậy khi nhận tin dữ lần thứ 2, ông bà không còn sức để chịu đựng. Tôi một nách 2 con nhỏ và lo chăm sóc ông bà, trong cảnh bom đạn bủa vây khổ sở, gian khó vô cùng. Thương ông, tôi cố lo chăm sóc gia đình và còn tham gia dân quân, làm cán bộ phụ nữ để góp sức diệt thù”

Gần 4 năm sau, một người lính từ trại giam Đà Nẵng được trở về quê, báo với gia đình là ông Khuê vẫn còn sống, nhưng cả nhà chẳng ai tin. Bà Thuỵn hồi tưởng: “Nghe vậy nhưng tôi không dám hy vọng. Gần 4 năm đau đớn, tôi đã chấp nhận sự mất mát và thề ở vậy nuôi con khôn lớn. Nhưng đến đầu năm 1973, tôi nhận được thư ông báo tin ông từ nhà tù Phú Quốc đã được địch trao trả tù binh và hiện đang an dưỡng ở huyện Nam Ninh - tỉnh Nam Hà”.

chung toi ben tay vao vai nhau tao the chan kieng dau tranh cho ngay tu do

Niềm hạnh phúc đoàn tụ gia đình đã giúp ông bà Khuê cùng nhau đi qua những khó khăn, thiếu thốn.

Tháng 9/1973, ông Trương Đình Khuê được về phép 15 ngày và cuộc đoàn tụ của gia đình ông chứa chan nước mắt, nụ cười. Con trai ông Khuê - anh Trương Công Toản kể: “Cha đi khi tôi còn trong bụng mẹ. 8 năm tôi lớn khôn chẳng khi nào có khái niệm gì về ông. Vì vậy, chờ đón cha, với tôi là nỗi hoài nghi xen lẫn sự hồi hộp. Tôi nhớ hôm đó cha tôi về nhà đã rất khuya. Tôi không cho ông bế nhưng ngồi sát ngay sau lưng ông không rời. Sau đó, tôi tìm chiếc gương soi của mẹ, kề mặt mình sau mặt của ông so sánh xem mình có giống ông không”.

chung toi ben tay vao vai nhau tao the chan kieng dau tranh cho ngay tu do

6 người con của ông Khuê đều sống ở huyện Kỳ Anh, ngày nào cũng có người về thăm ông bà.

Năm 1975, ông Khuê phục viên về sinh sống ở quê nhà. Ông bà sinh thêm 4 đứa con nữa và tất bật xoay xở với miếng cơm manh áo nuôi lớn đàn con. Ông làm cán bộ hợp tác xã 10 năm, rồi làm tổ sản xuất gạch ngói, cán bộ thôn... cho đến năm 2000, do bị bệnh, sức khỏe yếu nên mới nghỉ ở nhà sản xuất.

Hòa mình vào sự đổi mới của quê hương, ông Khuê luôn nêu cao trách nhiệm của một cựu chiến binh, sống mẫu mực và luôn động viên gia đình đi đầu thực hiện các nhiệm vụ, phong trào của địa phương. Lúc còn sức khỏe, ông còn tham gia kể chuyện chiến đấu để góp sức giáo dục thể hệ trẻ ở các trường học trên địa bàn. “Thế hệ trẻ bây giờ không biết đến chiến tranh, vì vậy, nên đọc lịch sử để hiểu về những mất mát, hy sinh của cha ông và sống xứng đáng với sự hy sinh đó” - ông Khuê gửi gắm.

Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Lâm Trần Biểu: Xã không khỏi trăn trở bởi nhiều năm qua, do thất lạc toàn bộ giấy tờ trong chiến tranh nên ông Khuê không được hưởng chế độ gì sau nhiều gian khổ, hy sinh cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mãi đến tận năm nay, ông mới được nhận chế độ dành cho người kháng chiến bị tù đày với số tiền hơn 800 ngàn đồng/tháng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast