Hiểm nguy rình rập tại các khu vui chơi trẻ em tự phát ở TP Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Mới đây, khi một người đàn ông gặp sự cố tại điểm vui chơi cho trẻ em, nhiều người mới giật mình về độ an toàn của các trò chơi. Trong khi đó, việc quản lý, kiểm tra điều kiện an toàn tại các điểm vui chơi này tại Hà Tĩnh lại chưa được quan tâm đúng mức…

Thiếu an toàn

Đã từng chứng kiến việc trẻ em đang chơi trò tàu hỏa bị rơi xuống ngay khi tàu đang chạy, chị Lê Thị Ánh (Thạch Hạ - TP Hà Tĩnh) vẫn chưa thôi khiếp đảm. Chị Ánh cho biết: "Lúc ấy tôi cùng con ngồi trên tàu, cháu bé ấy ngồi toa phía trước. Không hiểu vì lý do gì mà bé bị ngã ra khỏi toa và rơi xuống đường ray. Cũng may có người tắt công tắc điện kịp để dừng tàu không thì chưa biết chuyện gì xảy ra…".

Hiểm nguy rình rập tại các khu vui chơi trẻ em tự phát ở TP Hà Tĩnh

Đường ray xe lửa rỉ sét tại khu vui chơi.

Khảo sát một số điểm vui chơi của trẻ em tại TP Hà Tĩnh và các vùng lân cận, điều dễ nhận thấy là tình trạng xuống cấp, không đảm bảo an toàn của các đồ chơi, trò chơi. Theo tìm hiểu, ngoài các trò chơi xe điện chạy bằng ắc quy thì đa số các trò chơi khác như đu quay, tàu lửa... đều phải sử dụng điện.

Ngay tại khu vui chơi ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phi thuyền cũng trong tình trạng bong tróc, nhà bóng cáu bẩn, tàu lửa điện rỉ sét, vòng đu quay bị đấu nối điện nham nhở, hệ thống công tắc, ổ điện đặt ngang tầm với trẻ nhỏ…

Nhận định việc câu móc, chạy dây điện ở đây rất thiếu an toàn, anh Lê Huy Hải (làm nghề điện dân dụng) dẫn chứng: Mỗi trò chơi ở khu vực này có một bộ công tắc đóng mở điện, có hộp bảo quản nhưng lại đặt thấp, chỉ ngang tầm trẻ nhỏ. Chưa kể, do không đủ nhân viên trực tại mỗi trò chơi nên có tình trạng bỏ trống công tắc điện, rất nguy hiểm.

Hiểm nguy rình rập tại các khu vui chơi trẻ em tự phát ở TP Hà Tĩnh

Dây điện trần được đấu nối lộ thiên ngay trên chú ngựa đu quay.

Ngoài ra, gần như các điểm vui chơi đều không quy định độ tuổi để các bé tham gia các trò chơi. Vì thế, nhiều trẻ đã không biết lựa chọn trò chơi phù hợp, dễ xảy ra tai nạn…

Những bất cập nói trên đã xảy ra một số tai nạn đáng tiếc. Và, mới đây nhất là vụ việc người đàn ông bị điện giật bất tỉnh tại khu vui chơi ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh là lời cảnh báo mạnh mẽ.

Vai trò quản lý Nhà nước… "không tồn tại"?!

Sau sự cố xảy ra tại khu vui chơi ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, các phòng liên quan của TP Hà Tĩnh đã làm việc với UBND phường Nguyễn Du và 2 hộ kinh doanh hợp đồng tạm thuê đất có thời hạn, nộp ngân sách 4,2 triệu đồng/tháng. Rõ ràng, việc cho thuê kinh doanh của phường Nguyễn Du là trái quy định, không thực hiện nghiêm Văn bản số 1176/UBND-TNMT ngày 25/5/2017 của UBND thành phố Hà Tĩnh về tăng cường công tác quản lý Nhà nước về sử dụng đất đai tại các phường, xã.

Hiểm nguy rình rập tại các khu vui chơi trẻ em tự phát ở TP Hà Tĩnh

Người đàn ông gặp sự cố tại khu vui chơi Trần Phú vào tối ngày 26/5 vừa qua.

Qua kiểm tra, các hộ kinh doanh dịch vụ trò chơi trẻ em chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép. Được biết, việc cấp phép hoạt động đối với điểm vui chơi thiếu nhi, nếu là hộ gia đình sẽ do UBND cấp huyện, thị xã, thành phố cấp, còn doanh nghiệp phải do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp. Thế nhưng, một khu vui chơi hoạt động nhộn nhịp giữa trung tâm thành phố trong thời gian dài như vậy lại không được cơ quan quản lý Nhà nước phát hiện, xử lý.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh Phạm Hùng Cường cho biết: "Trước hết, trách nhiệm thuộc về UBND phường Nguyễn Du. Chúng tôi đã đình chỉ hoạt động, có văn bản phê bình và yêu cầu kiểm điểm, phê bình các phòng liên quan. Đồng thời thành lập đoàn trực tiếp kiểm tra tất cả các điểm vui chơi trẻ em trên địa bàn".

Hiểm nguy rình rập tại các khu vui chơi trẻ em tự phát ở TP Hà Tĩnh

Quan trọng hơn, việc người dân Hà Tĩnh quan tâm hiện nay là độ an toàn của các trò chơi trong khu vui chơi trẻ em. Trên thực tế, việc kiểm định an toàn về điện tại các điểm vui chơi trẻ em này không được các cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát. Trong khi đó, chủ cơ sở không có chuyên môn nên tự đấu nối điện cho các đồ chơi một cách thô sơ, mất an toàn.

Hiểm nguy rình rập tại các khu vui chơi trẻ em tự phát ở TP Hà Tĩnh

Trước khi bị đình chỉ hoạt động, khu vui chơi tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh khá đông khách.

“Việc kiểm tra về điện hay các yếu tố khác phải là cơ quan chuyên môn, chúng tôi có biết gì đâu mà kiểm tra” - là câu trả lời của Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du Nguyễn Thăng Long khi được hỏi về việc có tổ chức phối hợp kiểm tra các vấn đề như an toàn điện, tiêu chuẩn kỹ thuật… tại các khu vui chơi trên địa bàn.

Việc tạo sân chơi cho trẻ em là điều cần thiết nhưng không vì thế mà vấn đề đảm bảo an toàn lại bị ngó lơ. Sự cố vừa qua tại khu vui chơi là lời cảnh báo cho công tác quản lý, đảm bảo an toàn trong các khu vui chơi trẻ em. Trong khi các cơ quan chức năng chưa “với tới”, để đảm bảo an toàn cho trẻ em, các phụ huynh nên cân nhắc, lựa chọn để tránh những sự cố không đáng có.

Theo quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn đu quay (QTKĐ:27- 2014/BLĐTBXH), thời hạn kiểm định định kỳ đu quay mới là 2 năm/lần; đu quay đã sử dụng trên 8 năm, thời hạn kiểm định định kỳ 1 năm/lần; tàu lượn siêu tốc sử dụng trên 6 năm, thời hạn kiểm định là 2 năm/lần.

Còn theo Thông tư 05/2014/TT-BLĐTBXH, những loại máy trò chơi dành cho trẻ em sử dụng điện như tàu lượn, đĩa đảo chiều, tàu lửa chạy trên thanh ray bằng sắt... trước khi đưa vào sử dụng kinh doanh thì chủ cơ sở phải tiến hành kiểm định an toàn về điện cho những thiết bị này.

Tin liên quan:

Chủ đề An sinh xã hội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast