Trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có 130 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp chưa có kinh phí để nâng cấp, sửa chữa. Nhiều công trình phải tích nước hạn chế, thậm chí không tích nước. Nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa lũ năm 2023 và tác động nặng nề đến hoạt động sản xuất, dân sinh đang hiện hữu.
Với những người nông dân ở xã Sơn Tây (Hương Sơn), hồ Đình Đẹ là tài sản quý giá hàng chục năm qua. Tuy vậy, nhiều năm nay, người dân lo lắng khi công trình đang xuống cấp từng ngày, mất dần khả năng tích nước phục vụ 45 ha đất sản xuất và đe dọa sự mất an toàn khi mùa mưa lũ tới. Hồ Đình Đẹ có hệ thống đập đất, đỉnh đập chưa được gia cố, thân và nền đập thấm mạnh. Mái thượng lưu bị sạt lở khoảng 85m, mái hạ lưu bị bồi lắng, cây cối mọc nhiều, khả năng tích nước chứa rất hạn chế... Bởi thế mà vụ hè thu năm nay, chỉ 7/45 ha đất lúa của xã Sơn Tây đủ nước sản xuất.
Hồ Đình Đẹ là đập đất, đỉnh đập chưa được gia cố, thân và nền đập thấm mạnh.
Mái thượng lưu hồ Đình Đẹ hiện bị sạt lở khoảng 85m, mái hạ lưu bị bồi lắng, cây cối mọc nhiều, khả năng tích nước của hồ chứa rất hạn chế.
Trong ký ức của ông Nguyễn Thế Vỵ (68 tuổi, trú thôn Cây Thị, xã Sơn Tây) vẫn luôn hiện rõ màu xanh mướt quanh năm của những đồng lúa, nương khoai nhiều năm về trước nhờ nguồn nước cấp từ hồ Đình Đẹ. “Giờ chứng kiến cảnh đồng ruộng “khát nước”, bỏ hoang xơ xác thật xót xa. Gia đình tôi có hơn 5 sào ruộng nhưng nhiều năm nay, hồ Đình Đẹ xuống cấp nghiêm trọng, khả năng tích nước kém nên vụ xuân chỉ sản xuất được hơn 2 sào lúa, vụ hè thu làm 1 sào cũng chật vật” - ông Vỵ trải lòng.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn, địa phương được giao quản lý, vận hành 86 hồ chứa quy mô nhỏ. Qua đánh giá của hội đồng chuyên môn, hiện có 12 hồ chứa xuống cấp, trong đó, 4 công trình xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng. Vụ hè thu năm nay, nhiều diện tích canh tác không được đưa vào kế hoạch sản xuất do thiếu nguồn nước tưới.
Huyện Hương Khê có 157 hồ đập nhưng nhiều công trình xây dựng từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước với dung tích nhỏ và hiện 25 công trình xuống cấp trầm trọng. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, vụ hè thu năm 2023, huyện Hương Khê có khoảng 1.500 ha không được bố trí sản xuất lúa và có những diện tích lúa thiếu nước cục bộ một phần, nguyên nhân được xác định do khả năng tích nước của nhiều hồ đập có “vấn đề”.
Nhiều diện tích lúa hè thu vừa qua ở Hương Khê không đủ nguồn nước có nguyên nhân từ các công trình hồ đập xuống cấp.
Ngoài nỗi lo thiếu nước sản xuất, những hồ đập bị hư hỏng cũng đang đe dọa đối với đời sống dân sinh. Theo ghi nhận, hàng loạt công trình hồ chứa nước, đập dâng tại nhiều địa phương đang có “vấn đề”, chủ yếu hư hỏng, xuống cấp ở các hạng mục: thân đập, tràn xả lũ, cống lấy nước... gây mất an toàn hồ chứa, uy hiếp tính mạng và tài sản của Nhân dân khi mùa mưa lũ.
Hồ Đá Bạc thuộc phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh) đang cấp nước cho các dự án công nghiệp trên địa bàn với quy trình vận hành 4.000 m3/ngày đêm. Theo quy hoạch cấp nước vùng tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, hồ được quy hoạch cấp nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt và các khu công nghiệp trọng điểm của TX Hồng Lĩnh như: Cổng Khánh I, Cổng Khánh II... với quy mô 10.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, hiện nay, hồ xuất hiện hiện tượng thấm lớn, đặc biệt, tại một số vị trí nước chảy thành dòng... Ông Phạm Thanh Nam - Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh cho hay: “Mối lo ngại hiện nay là sự xuống cấp nghiêm trọng của hồ Đá Bạc sẽ ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, tình hình phát triển KT-XH trên địa bàn. Nếu không được nâng cấp, sửa chữa tổng thể, công trình khó có thể “gánh vác” nhiệm vụ.
Nếu không được nâng cấp, sửa chữa tổng thể, hồ Đá Bạc (TX Hồng Lĩnh) khó có thể “gánh vác” những kỳ vọng được “gửi gắm” trong tương lai”.
Hồ Cu Lây - Trường Lão ở xã Thuần Thiện (Can Lộc) được liệt vào danh sách “báo động đỏ”. Mặt thượng lưu đập xuất hiện nhiều vết nứt; mái hạ lưu đập bị thấm, nguy cơ mất an toàn cao. Đặc biệt, phần tràn xả lũ, tường bị nghiêng, một phần gãy đổ, kênh dẫn hạ lưu xói lở nghiêm trọng... Nếu mưa lũ lớn, tường bê tông bên phải dốc nước của tràn xả lũ và kênh dẫn hồ Cu Lây - Trường Lão nguy cơ bị sập, gây mất an toàn cho hồ chứa, đe dọa tính mạng, tài sản của Nhân dân.
Hồ Cha Chạm ở xã Gia Phố (Hương Khê) có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng giảm lũ cho vùng hạ du. Tuy nhiên, hiện, thân đập yếu và có vết nứt dọc theo đỉnh đập dài khoảng 21m nên thời điểm này ngành chuyên môn không tích nước ở hồ. Điều này đồng nghĩa, nguy cơ ngập lụt vùng hạ du đang bị đe dọa, nghiêm trọng hơn, trong diễn biến mưa lớn còn có khả năng xảy ra vỡ đập. Là người trực tiếp quản lý, vận hành hồ Cha Chạm, mỗi lần mưa to, nước lớn là nỗi ám ảnh đối với chị Trần Thị Hương. Công trình không có cầu công tác, đơn vị quản lý làm tạm cầu thang để công nhân đi lại vận hành. Tuy nhiên, khi mực nước trong hồ chứa dâng lên 15,6m, toàn bộ cầu công tác bị ngập.
Hồ Cha Chạm ở xã Gia Phố (Hương Khê) với dung tích 0,68 triệu m3, có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là giảm lũ cho vùng hạ du. Tuy nhiên, hồ không có cầu công tác, đơn vị quản lý phải làm tạm một cầu thang bằng sắt để công nhân đi lại vận hành. Nhưng khi mực nước trong hồ chứa dâng lên 15,6m, toàn bộ cầu công tác sẽ bị ngập.
“Mái đập thượng và hạ lưu của hồ Cha Chạm có độ dốc lớn. Nhiều năm nay, cống lấy nước bị rò rỉ, đóng mở bằng thủ công nên chúng tôi luôn tuân thủ điều tiết theo đúng phương án tích nước đã được phê duyệt để bảo vệ công trình. Mỗi lần mưa lũ, mực nước trong hồ dâng ngập cầu công tác, tôi và đồng nghiệp phải mạo hiểm bơi ra giữa dòng để mở và đóng cống, điều tiết nước. Khi nước rút, công việc xong, bản thân nghĩ lại mới thấy sợ vì nguy cơ mất an toàn trong quá trình vận hành của công nhân” - chị Trần Thị Hương trải lòng.
Tương tự, tại hồ Đập Trạng (xã Hương Thủy, Hương Khê) mái bị sạt, thân đập nước thấm chảy thành dòng... Nếu không được sửa chữa, nâng cấp kịp thời thì đây là mối lo ngại lớn trong công tác phòng chống thiên tai.
Hà Tĩnh là một trong những địa phương có số lượng hồ đập và trữ lượng nước lớn nhất cả nước, với 348 hồ chứa thủy lợi (tổng dung tích chứa trên 1,57 tỷ m3 nước) và 86 đập dâng (lưu lượng thiết kế hơn 5.780 m3/s). Hằng năm, các công trình thủy lợi cấp nước tưới cho trên 99.300 ha đất lúa, 14.394 ha đất màu và 2.768 ha nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, hệ thống công trình thủy lợi còn cấp nước phục vụ sinh hoạt (83.620 m3/ngày đêm), công nghiệp (hơn 120.000 m3/ngày đêm), dịch vụ và các ngành kinh tế khác. Hệ thống hồ đập còn thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là cắt giảm lũ hạ du và cải tạo môi trường sinh thái.
Theo Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi có nguy cơ mất an toàn tỉnh Hà Tĩnh, hiện toàn tỉnh có 130 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp chưa có kinh phí để nâng cấp, sửa chữa. Trong đó, 51 hồ chứa xung yếu, nhiều công trình phải tích nước hạn chế, thậm chí không tích nước, nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa lũ năm 2023, tác động đến sản xuất, dân sinh nên cần được nâng cấp, sửa chữa ngay. Cụ thể: huyện Hương Khê 25 hồ; Hương Sơn 6 hồ; Thạch Hà 4 hồ; TX Kỳ Anh và các huyện Kỳ Anh, Nghi Xuân, Can Lộc, mỗi địa phương 3 hồ; Vũ Quang, TX Hồng Lĩnh, mỗi địa phương 2 hồ.
Đập của hồ Đá Bạc (TX Hồng Lĩnh) xuất hiện hiện tượng thấm lớn, đặc biệt tại lòng suối cũ nước chảy thành dòng.
Ông Đặng Hòa Bình - Trưởng phòng Quản lý và Khai thác (Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh) cho hay: “Đơn vị đang quản lý, vận hành 33 hồ chứa và 4 đập dâng. Theo rà soát, đánh giá, hiện có 11 công trình xuống cấp nghiêm trọng ở phần đập, tràn xả lũ hoặc cống lấy nước, cần phải nâng cấp, sửa chữa ngay. Xung yếu nhất là: hồ Đập Mưng, hồ Đập Làng, hồ Mục Bài, hồ Ma Leng, hồ Nước Đỏ (huyện Hương Khê)...”.
Video: Ông Đặng Hòa Bình chia sẻ về thực trạng hồ đập Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh quản lý bị xuống cấp.
Với Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh, mối quan tâm lớn nhất hiện nay cũng là hiện trạng xuống cấp của các hồ đập. Ông Phạm Thanh Nam - Trưởng phòng Kỹ thuật công ty thông tin: “Đơn vị đang quản lý, vận hành 26 hồ chứa và 2 đập dâng thuộc 7 huyện, thị phía Bắc Hà Tĩnh. Thời điểm này có 2 hồ đập xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ xảy ra sự cố bất cứ lúc nào”.
Hàng loạt hồ, đập xuống cấp nghiêm trọng đã trở thành vấn đề nhức nhối từ nhiều năm nay. Trên thực tế, không ít hồ, đập nhỏ xảy ra sự cố khi thiên tai ập đến, uy hiếp tính mạng, tài sản của Nhân dân. Cụ thể như: sự cố vỡ đập Cố Châu tại xã Gia Hanh (Can Lộc) vào mùa lũ tháng 10/2017; mưa lớn khiến nước từ thượng nguồn đổ về đập Bạng, gây vỡ đê ở xã Thượng Lộc (Can Lộc) vào tháng 10/2020; sạt lở đập Khe Xai, xã Hương Minh (Vũ Quang) vào tháng 9/2022...
Tường bê tông bên phải dốc nước tràn xả lũ hồ Cu Lây – Trường Lão , xã Thuần Thiện (Can Lộc) bị nghiêng, một phần gãy đổ, kênh dẫn hạ lưu xói lở nghiêm trọng.
Ông Trần Đức Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi có nguy cơ mất an toàn tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Hệ thống công trình hồ đập có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai. Vai trò của các hồ chứa là dự trữ nước trong mùa mưa, góp phần điều tiết, giảm lũ cho vùng hạ du và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Bởi vậy, hàng loạt công trình hồ đập đang trong tình trạng mất an toàn cao sẽ đối mặt nguy cơ vỡ thân đập khi mưa lũ tràn về, uy hiếp hàng nghìn hộ dân vùng hạ du”.
Thực trạng hồ đập xuống cấp cũng gây ra hệ lụy thiếu nguồn nước tưới, khó khăn cho người nông dân. Theo ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, những diện tích không đủ điều kiện đưa vào canh tác lúa trong vụ hè thu có một phần nguyên nhân từ khả năng tích nước kém của các hồ đập. Đó là chưa kể đến một số diện tích đưa vào canh tác, song, thiếu nước tưới cục bộ cũng ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và năng suất cây trồng. Được biết, vụ hè thu năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 14.000 ha đất lúa không được bố trí sản xuất.
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Nam Hà Tĩnh trao đổi với công nhân vận hành phương án vận hành hồ Cha Chạm mùa mưa lũ.
Do thiếu kinh phí đầu tư nâng cấp, sửa chữa nên nhiều công trình hồ đập trên địa bàn xây dựng, khai thác lâu năm nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Ông Trần Việt Hà - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh cho biết: Những năm gần đây, do nguồn ngân sách hạn hẹp và cần thiết ưu tiên đầu tư nguồn lực để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm, tầm cỡ, có tác động lớn đối với sự phát triển KT-XH nên nguồn kinh phí bố trí đầu tư sửa chữa và nâng cấp hồ, đập, nhất là các công trình có dung tích nhỏ còn khiêm tốn.
Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, Hà Tĩnh chỉ được bố trí sửa chữa, nâng cấp một số công trình hồ chứa nước với tổng nguồn vốn đầu tư gần 470 tỷ đồng (trong đó, hơn 356 tỷ đồng là nguồn vốn từ Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Hà Tĩnh (WB8) theo Quyết định số 4638/QĐ-BNN-HTQT ngày 9/11/2015 của Bộ NN&PTNT. Điều đáng nói, số vốn này chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trên toàn tỉnh.
Video: Ông Trần Quang Hòa - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn chia sẻ về các biện pháp ứng phó trước nguy cơ mất an toàn hồ đập.
Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác như: vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi của người dân, hạn chế trong công tác vận hành... Các chuyên gia thủy lợi nhận định, đó cũng chính là những “điểm nghẽn” cần sớm có giải pháp tháo gỡ nhằm nâng cao “sức khỏe” các công trình hồ đập, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển.
Thiết kế - kỹ thuật: huy tùng - khôi nguyễn
>> Bài 2: Đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn công trình