Hôi của hay cướp giật?!

(Baohatinh.vn) - Khi những hình ảnh đáng xấu hổ về vụ hôi bia ở Đồng Nai gây phẫn nộ trên cả nước và quốc tế còn đang âm ỉ thì cảnh hôi nhãn tại địa phận xã Dân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) lại một lần nữa khiến chúng ta ngán ngẩm đặt câu hỏi: Hôi của hay cướp giật?

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta thường được định hướng nhân cách qua những giờ học đạo đức. Những bài học về việc “cứu người khi lâm nạn” hay “nhặt được của rơi đồng thời trả lại” được coi là vấn đề chủ chốt trong việc thể hiện nhân cách tốt của con người. Chính vì vậy, đó là yếu tố không thể thiếu trong giáo dục nhận thức cho học sinh.

Cảnh hôi nhãn tại địa bàn tỉnh Quảng Bình. Ảnh: VTCnews

Cảnh hôi nhãn tại địa bàn tỉnh Quảng Bình. Ảnh: VTCnews

Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển của xã hội, những bài học đó nhanh chóng chìm vào quên lãng. Bởi những ảnh hưởng về mặt con người và môi trường xã hội có tác động không hề nhỏ tới ý thức, tâm lý của học sinh. Chắc hẳn, không một giáo viên nào muốn chứng kiến những hành vi gây chấn động cả nhân tâm.

Trong khi tài xế đang gặp nạn, chưa kịp hoàn hồn khi vừa thoát chết trong gang tấc thì, đồng loại không những không cứu giúp mà lại một lần nữa “dìm chết” họ. Để những người tài xế tội nghiệp chỉ còn biết van xin, cầu cứu trong vô vọng. Họ phải đối mặt với nguy cơ mất việc, và thậm chí là hầu tòa bởi làm thất thoát tài sản chung. Trong phút bất lực, những anh Công, anh Hậu chợt nghĩ đến gia cảnh của mình, đến số tiền phải đền lớn hơn rất nhiều so với thu nhập của một tài xế. Vậy nhưng, những cầu cứu của một người đang lâm vào tình thế nguy cấp có ai thấu hiểu?.

Chắc hẳn là không, bởi người ta đang mải mê hôi của, đang “bận” nghĩ cách làm thế nào để lấy được nhiều bia, nhiều nhãn để rồi hả hê vì cuỗm nhiều chiến lợi phẩm mang về cho gia đình. Khi người dân cười sung sướng vì hôi được nhiều bia, nhiều nhãn cũng là lúc anh Hậu, anh Công tuyệt vọng trong đau khổ.

Chắc hẳn, những người hôi bia, hôi nhãn rồi sẽ có buổi sum vầy đầm ấm bên người thân, đắc chí khoe những thứ vừa hôi được. Nhưng, họ không biết rằng chính mình đang uống mồ hôi và nước mắt của đồng loại!

Hành động đáng xấu hổ đã khiến người Việt Nam trở nên lạ lùng trong mắt bạn bè quốc tế. Khi những hình ảnh về việc hôi của được đưa lên các trang thông tin nước ngoài, người ta phải kinh ngạc về ý thức kém cỏi và hành động vô đạo đức của một bộ phận người Việt.

Một bà mẹ sau khi hôi của đã tỏ ra vô cùng ân hận và xấu hổ khi nghe được câu hỏi: “Nhà mình có ai uống bia đâu mà mẹ lấy?” từ chính con gái; để rồi “không biết tương lai sẽ lấy tư cách gì để dạy con?”. Lời nói của một đứa trẻ đã đánh vào hành động lầm lỗi của người mẹ, nhưng liệu nó có đủ sức để kéo những người hôi của về phía hướng thiện?.

Căm phẫn trước hành động hôi của, dư luận đã ủng hộ việc các cơ quan điều tra truy tố họ với tội danh “Cướp giật tài sản”. Thế nhưng, pháp luật chỉ là công cụ hỗ trợ việc thực thi công lý; cứu lấy phần nhận thức đang “rơi tự do” của người Việt mới là điều đáng bàn!

Đọc thêm

Đáp nghĩa ân tình với đồng bào miền Bắc

Đáp nghĩa ân tình với đồng bào miền Bắc

Khắc ghi, trân quý những ân tình đã được đón nhận lúc hoạn nạn, người dân vùng thường xuyên bị thiên tai ở Hà Tĩnh đã hướng về đồng bào miền Bắc với lòng tri ân, thấu cảm sâu sắc...