Phát triển kinh tế, cải thiện công bằng giới

(Baohatinh.vn) - Cùng với Bắc Giang, Hà Tĩnh là một trong 2 tỉnh của cả nước được triển khai dự án “Cải thiện công bằng giới và quyền năng kinh tế của phụ nữ tham gia tổ hợp tác/HTX thông qua việc áp dụng công cụ GALS”. HTX Rau, củ, quả Thạch Văn (Thạch Hà) là đơn vị được chọn thí điểm. Thông qua dự án, hàng chục gia đình đã cung cấp kiến thức nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế hộ, đồng thời, cải thiện công bằng giới.

Phát triển kinh tế, cải thiện công bằng giới ảnh 1
Bà con nông dân tham quan, tìm hiểu trước khi vào làm việc tại Dự án rau-củ-quả Thạch Văn.

Bắt đầu triển khai từ tháng 7/2014, do Tổ chức Oxfam Novib (Hà Lan) tài trợ với sự phối hợp của Hội LHPN Việt Nam, dự án đã đem một phương thức tiếp cận mới đến với người dân. Công cụ GALS (cộng đồng tự lực) hướng đến thúc đẩy hành động tự thân của cộng đồng. Khi sử dụng các công cụ này, người tham gia chủ yếu dùng phương pháp vẽ hình ảnh. Đối với Hà Tĩnh, các công cụ đã được sử dụng để các thành viên tổ hợp tác sản xuất rau, củ, quả xác định các vấn đề, tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra hành động của mình bao gồm: giấc mơ kim cương; cây thách thức; cây hành động; cây cân bằng giới và sơ đồ liên kết.

Dự án thu hút sự tham gia của các thành viên không chỉ phụ nữ mà cả các cặp vợ chồng. Tất cả các công cụ đều thúc đẩy sự tham gia tích cực của nam - nữ vào quá trình xác định vấn đề của họ, tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra các giải pháp tự thân cho nam - nữ. Cuối cùng, bản thân các hành động của nam và nữ tạo ra sự thay đổi khiến họ trở nên bình đẳng hơn.

Bác Nguyễn Văn Quyết (thôn Bắc Văn, Thạch Văn) cho biết: “Tham gia dự án, mọi quy trình, mục tiêu, kế hoạch sản suất đều được thảo luận nhóm để đưa ra, mỗi người một ý kiến bổ cứu cho nhau, liên kết với nhau. Vợ chồng tôi được trao đổi trực tiếp về cách thức làm ăn, áp dụng KHKT và lịch thời vụ để gieo trồng rau, củ, quả cho năng suất cao nhất”.

Phát triển kinh tế, cải thiện công bằng giới ảnh 2
Sử dụng công cụ GALS, người tham gia chủ yếu dùng phương pháp vẽ hình ảnh, qua đó, kích thích hoạt động tự thân của cộng đồng.

Tại các buổi tập huấn của dự án, những khó khăn, vướng mắc của bà con nếu thuộc lĩnh vực chuyên môn, điều phối viên sẽ trực tiếp giải đáp; với các vấn đề liên quan đến chính sách, điều kiện của địa phương, điều phối viên kết nối với lãnh đạo xã để có câu trả lời cụ thể.

Chị Bùi Thị Huyền - Chủ tịch Hội LHPN xã Thạch Văn cho biết: Đây là cơ hội để thành viên HTX, các chị em được đối thoại thẳng thắn, trực tiếp với lãnh đạo địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển sản xuất. Đồng thời, hiểu rõ hơn về quyền lợi, trách nhiệm của ban quản lý, ban quản trị và các thành viên; lợi ích của việc tham gia tổ hợp tác, HTX, liên kết các thành viên trong tổ nhóm, chuỗi giá trị.

Chị Võ Thị Thủy - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ: “Hà Tĩnh may mắn được T.Ư Hội lựa chọn tham gia thí điểm dự án. Dự án diễn ra đúng thời điểm khi Hiệp định TPP được ký kết - càng cần sự liên kết và thay đổi nhận thức của người dân. Phụ nữ Hà Tĩnh có thể làm kinh tế và làm giỏi nếu được học hỏi kiến thức, kỹ thuật và có sự đồng hành của người chồng. Thời gian tới, Tỉnh hội tiếp tục cập nhật chính sách mới, các kiến thức cho bà con thông qua các hoạt động lồng ghép và đẩy mạnh lồng ghép bình đẳng giới trong mọi chương trình”.

Thông tin thêm về dự án, chị Nguyễn Tam Điệp, Ban Kinh tế - Hội LHPN Việt Nam cho biết: Đây chỉ là giai đoạn đầu của dự án; giai đoạn 2 sẽ là phát triển chuỗi giá trị gắn với sản phẩm cụ thể kéo dài trong 3 năm (2015-2018). Tuy nhiên, để có thể tiếp tục tham gia giai đoạn tiếp theo hay không phụ thuộc vào chính người nông dân và kết quả giai đoạn 1.

Cho “cần câu”, hướng dẫn “cách câu” với những kiến thức nền tảng và sau đó, mỗi người sẽ tự nâng cao năng lực bản thân, tự lập kế hoạch sản xuất cho riêng mình; chia sẻ thành công với người khác là những gì dự án kỳ vọng ở HTX Sản xuất rau, củ, quả Thạch Văn. Đây là một hướng tiếp cận mở trong đào tạo nâng cao năng lực sản xuất, quản trị cho bà con nông dân và thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi hoạt động, lĩnh vực cần nhân rộng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast