Tạm dừng các hoạt động tại đền Chợ Củi trong ngày 15/1

(Baohatinh.vn) - Để thực hiện kết luận thanh tra của UBND tỉnh Hà Tĩnh, huyện Nghi Xuân vừa thông báo tạm dừng các hoạt động đón du khách và Nhân dân tới chiêm bái, hành lễ tại đền Chợ Củi vào ngày 15/1.

Tạm dừng các hoạt động tại đền Chợ Củi trong ngày 15/1

Đền Chợ Củi tạm dừng các hoạt động vào ngày 15/1/2024

Nhằm chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, BQL Dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân đã phát thông báo tạm dừng các hoạt động đón Nhân dân, du khách tới chiêm bái, hành lễ tại đền Chợ Củi, xã Xuân Hồng bắt đầu từ 7 giờ đến 17 giờ 30 phút ngày 15/01/2024.

Ông Trần Minh Đức – Phó Trưởng BQL Dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân cho biết: Việc tạm dừng các hoạt động tại đền Chợ Củi là để huyện tiếp tục triển khai thực hiện việc bàn giao nội tự đền với gia đình “thủ nhang” trước đây và một số việc liên quan đến công tác quản lý theo Kết luận số 07/KL-UBND ngày 05/01/2024 của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Trước đó, theo yêu cầu của UBND tỉnh, nhằm khắc phục những bất cập trong công tác quản lý tại đền Chợ Củi, huyện Nghi Xuân đã tổ chức họp thông báo phương án bàn giao việc quản lý nội tự khu vực đền đối với gia đình “thủ nhang” và những người liên quan; tổ chức đối thoại với Nhân dân xã Xuân Hồng để lắng nghe ý kiến và tâm tư nguyên vọng của những người liên quan.

Tạm dừng các hoạt động tại đền Chợ Củi trong ngày 15/1

Hội nghị công bố Kết luận số 07/KL-UBND ngày 05/01/2024 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về công tác quản lý và tổ chức các hoạt động tại di tích quốc gia đền Chợ Củi.

Tại các cuộc họp, gia đình “thủ nhang” cho rằng lịch sử hình thành đền Chợ Củi và việc gìn giữ, tôn tạo, duy trì hoạt động tín ngưỡng tại đền là do đóng góp của cá nhân và Nhân dân trong vùng; một số hộ bày tỏ chưa đồng tình với kết luận thanh tra của UBND tỉnh...

Theo ông Lê Anh Dũng - Chủ tịch UBND huyện, đền Chợ Củi là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia thuộc sở hữu chung của cộng đồng dân cư, không phải là nơi thờ tự riêng của hộ gia đình, cá nhân hay của một dòng họ nào. Qua đó, yêu cầu gia đình “thủ nhang” chấp hành nghiêm Kết luận thanh tra số 07 ngày 5/1/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, sớm bàn giao việc quản lý khu vực nội tự của đền theo nội dung kết luận.

“Huyện đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước về Luật Di sản, nội dung kết luận thanh tra, để người dân nhận thức rõ vấn đề” – ông Dũng cho hay.

Quan điểm của huyện Nghi Xuân là, sau khi bàn giao nội tự đền Chợ Củi vẫn tiếp tục sử dụng những người có kinh nghiệm và từng làm nội tự nếu có nhu cầu và đáp ứng đủ điều kiện. Đối với 16 hộ kinh doanh tại đền được ưu tiên bố trí kinh doanh tại các ki-ốt mới; các thành viên tổ giữ xe cũ vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ và được ký hợp đồng lao động theo quy định.

Việc quản lý và tổ chức các hoạt động tại đền Chợ Củi được công khai, minh bạch và đảm bảo quy định của pháp luật, không ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân. Vì vậy, người dân nên đồng tình ủng hộ, tránh bị lợi dụng, xúi giục, lôi kéo, kích động dẫn đến vi phạm pháp luật.

Tạm dừng các hoạt động tại đền Chợ Củi trong ngày 15/1

Công tác quản lý tại đền Chợ Củi còn nhiều bất cập cần được chấn chỉnh

Đền Chợ Củi được lập từ thời Lê Sơ, đến thời Nguyễn tôn tạo thêm và sau này được trùng tu lại như hiện nay. Năm 1974, đền Chợ Củi được Ty Văn hóa Hà Tĩnh liệt kê đưa vào chế độ bảo vệ Nhà nước; năm 1978 Bảo tàng tổng hợp Nghệ Tĩnh đưa vào phiếu kiểm kê di tích lịch sử văn hóa; năm 1990, UBND xã Xuân Hồng phối hợp với Bảo tàng tổng hợp Nghệ Tĩnh tu sửa, tôn tạo.

Năm 1992, Bảo tàng Hà Tĩnh đã tiến hành lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích quốc gia và được Bộ Văn hóa Thông tin ban hành Quyết định số 57/QĐ-VH ngày 18/01/1993 công nhận và xếp hạng đền Chợ Củi là di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kể từ khi xếp hạng đến nay đền đã được trùng tu, tôn tạo 3 lần vào các năm: 1995 và 1999 bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, tu sửa lợp lại thượng điện, trung điện, hạ điện, tôn tạo cổng tam quan và kè chắn bờ sông phía trước đền; năm 2015, được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền, gia đình “thủ nhang” (ông Nguyễn Sỹ Quý) được giao thực hiện công tác sửa chữa, tu bổ, tôn tạo di tích đền Chợ Củi với kinh phí huy động từ nguồn công đức và nguồn xã hội hóa.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, gia đình “thủ nhang” chưa phối hợp tốt với cơ quan chức năng trong công tác quản lý các hoạt động tại di tích; quá trình hoạt động chưa thực hiện tốt việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn công đức (không lập sổ ghi chép rõ ràng, không công khai minh bạch các khoản thu, chi) theo quy định.

Việc tái đầu tư, tôn tạo di tích từ nguồn công đức không được thực hiện dẫn đến di tích ngày càng xuống cấp, không đảm bảo mỹ quan và an ninh - trật tự.

Theo kết luận thanh tra, UBND tỉnh đề nghị gia đình “thủ nhang” Nguyễn Sỹ Quý phải chấm dứt việc chiếm hữu, quản lý khu vực nội tự của đền Chợ Củi, bàn giao cho BQL Dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân chậm nhất là ngày 15/01/2024.

Nếu các gia đình “thủ nhang" không thực hiện bàn giao theo đúng thời hạn, UBND huyện Nghi Xuân sẽ tổ chức cưỡng chế và thực hiện quản lý toàn bộ di tích đền Chợ Củi theo đúng quy định pháp luật.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast