Học sử được gì?

(Baohatinh.vn) - Lịch sử giúp con người hình thành nhận thức về thế giới, vun đắp niềm tự hào, lòng yêu nước và hoàn thiện nhân cách, bản lĩnh, văn hóa của mỗi người.

Sau khi kết thúc phần thi cuối học kỳ II các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, chị bạn tôi nhắc con trai ôn kiến thức môn Lịch sử để tuần sau thi thì nhận được câu trả lời hờ hững: “Môn phụ cần gì phải ôn tập nhiều đâu ạ!”.

Câu trả lời của cậu bé thực ra cũng không quá bất ngờ và xa lạ bởi bao năm nay, nhiều người vẫn cho rằng “Lịch sử là môn học phụ”. Nhưng chính nếp nghĩ quen thuộc đó lại là điều cần phải suy ngẫm.

3.jpg
Học sinh Trường Tiểu học Thạch Đài (Thạch Hà) được tiếp cận kiến thức môn Lịch sử thông qua các mô hình trực quan.

Phải công nhận rằng, Lịch sử là môn học “khó nhằn” đối với phần lớn học sinh (HS). Những thông tin, dữ kiện, mốc thời gian và cả những phân tích, tổng hợp, đúc kết từ mỗi sự kiện lịch sử đều khiến HS vất vả. Đặc biệt, cách dạy “đọc chép” truyền thống của một số giáo viên càng khiến HS không có “cảm tình” với môn học này.

Anh bạn tôi là giáo viên dạy môn Lịch sử cấp THPT chia sẻ, anh thường nhận được những câu hỏi “học sử để làm gì? Nếu chọn thi đại học theo chuyên ngành này thì liệu ra trường có xin được việc làm đúng chuyên môn không?

Câu hỏi đó hẳn sẽ chạm vào lòng tự ái, tự trọng nghề nghiệp của những giáo viên dạy Lịch sử và những người chuyên làm việc, nghiên cứu trong ngành này, nhưng rõ ràng, sự thắc mắc đó là có cơ sở.

1.jpg
Cách học Lịch sử bằng trải nghiệm thực tế giúp học sinh hào hứng với môn học này.

Trên thực tế, tỷ lệ thí sinh lựa chọn Lịch sử làm ngành thi vào các trường đại học thấp hơn rất nhiều so với các ngành học khác. Cơ hội việc làm sau khi ra trường thấp, không có nhiều lựa chọn phù hợp với chuyên môn được đào tạo đã lý giải cho thực tế đó.

Vậy tại sao, từ xa xưa, Lịch sử đã là môn học phải có trong hầu hết các trường học, các cấp học trên thế giới? Điều đó cho thấy rằng, môn Lịch sử vẫn rất cần thiết và quan trọng.

Lợi ích trước tiên của việc học sử, hiểu biết về lịch sử là giúp con người hình thành nhận thức về thế giới. Thông qua lịch sử, chúng ta hiểu nguồn gốc, quá khứ, sự hình thành và phát triển của thế giới, của tộc người, của quốc gia, vùng đất; về quá trình đấu tranh, bảo vệ chủ quyền, nền độc lập của đất nước, dân tộc mình. Từ đó, vun đắp niềm tự hào, lòng yêu nước và hoàn thiện nhân cách, bản lĩnh, văn hóa của mỗi người.

7.jpg
Nhiều giáo viên đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin; thu thập thông tin, hình ảnh để phục vụ cho việc dạy học môn Lịch sử.

Với những kiến thức mà môn học này mang lại, người học Lịch sử sẽ được trang bị, nâng cao nhận thức xã hội một cách khoa học, logic hơn và biến nó thành tư duy, hành động của mình. Kiến thức tiếp nhận được và tư duy logic khi học Lịch sử cũng là nền tảng để con người tiếp cận sâu hơn với các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội. Nói một cách dễ hiểu, nếu có hiểu biết về lịch sử thì dù hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, KT-XH hay thể thao, nghệ thuật…, con người cũng dễ nắm bắt được vấn đề.

Trong xã hội hiện đại, nhiều người vẫn đề cao vị trí của các môn khoa học tự nhiên mà đánh giá thấp vai trò của khoa học xã hội, trong đó có môn Lịch sử. Chính vì quan điểm đó, rất nhiều người gần như “mù” lịch sử và khi tiếp nhận thông tin từ truyền thông đại chúng, họ rất dễ bị dẫn dắt bởi những thông tin bịa đặt, xuyên tạc; không có kiến thức nền tảng, kỹ năng cơ bản để chắt lọc, loại bỏ thông tin xấu độc.

Tuy nhiên, điều đáng mừng là hiện nay, các trường học, địa phương, ban, ngành, đoàn thể đã quan tâm nhiều hơn đến việc giáo dục lịch sử, truyền thống cho thế hệ trẻ bằng nhiều hình thức hấp dẫn và phong phú. Đó là không gian trưng bày tư liệu, hiện vật lịch sử tại các khu di tích, nhà văn hóa cộng đồng; là các mô hình bản đồ Việt Nam, khu trải nghiệm môn học Lịch sử tại khuôn viên trường học; là những chuyến trải nghiệm cho HS về địa chỉ đỏ, các cuộc thi tìm hiểu kiến thức lịch sử, văn hóa truyền thống; là sự chịu khó, tận tâm của nhiều giáo viên khi ứng dụng công nghệ, cập nhật thông tin, hình ảnh minh họa trực quan vào bài giảng của mình…

Những cách dạy, cách học thoát ra ngoài khuôn khổ của sách giáo khoa, thoát khỏi những tiết học khô khan truyền thống đã giúp HS hứng thú, từ đó, dễ ghi nhớ kiến thức hơn. Làm mới hình thức truyền dạy để giúp môn Lịch sử thoát mác “môn phụ” là điều rất cần thiết bởi dù trong thời đại, hoàn cảnh nào thì lời Bác Hồ dạy: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” luôn luôn đúng!

Đọc thêm

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Nhu cầu lao động ở Nhật Bản tăng nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm nguồn, phải “mua” lại từ môi giới với giá 20-30 triệu đồng mỗi người để kịp đơn hàng.
Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Bệnh nhân 54 tuổi mắc ung thư thực quản giai đoạn muộn, lại bị huyết áp cao, tiểu đường. Ngỡ không qua được cửa tử khi bị nhiều bệnh viện từ chối phẫu thuật, nhưng may mắn, nhờ đội ngũ bác sĩ Vinmec Times City (Hà Nội), bệnh nhân đã được cứu sống.
Ai bị tạm dừng hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2025?

Ai bị tạm dừng hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2025?

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024 cũng quy định 3 trường hợp người đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng bị tạm dừng hưởng chế độ như luật hiện hành nhưng có một số điều chỉnh.
5 trường hợp được hỗ trợ khi tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính ở Hà Tĩnh

5 trường hợp được hỗ trợ khi tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính ở Hà Tĩnh

Tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII đã thông qua Nghị quyết chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác tinh giản biên chế, dôi dư trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.