Vùng đất Hà Tĩnh thời các Vua Hùng dựng nước - từ huyền sử đến lịch sử

(Baohatinh.vn) - Trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc, rất nhiều những truyền thuyết, huyền thoại đã đi qua năm tháng. Thấp thoáng đằng sau những câu chuyện lưu truyền như thế bao giờ cũng có bóng dáng của lịch sử. Và huyền thoại núi Hồng Lĩnh ở Hà Tĩnh gắn liền với thời đại mở nước xa xưa không là ngoại lệ, đặt ra nhiều giả thuyết khoa học lịch sử cần được từng bước làm sáng tỏ.

1. Thời đại Hùng Vương trong lịch sử dân tộc

Ngày 24/9/2019, tại Văn phòng Quốc hội, Hội thảo khoa học quốc gia “Thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam” đã diễn ra với sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam. Kế thừa kết quả nghiên cứu của hơn 50 năm, những vấn đề cốt lõi của thời đại Hùng Vương đã từng bước được làm sáng tỏ, xoay quanh 3 vấn đề gồm: (1) Thời đại Hùng Vương qua tư liệu lịch sử và văn hóa dân gian; (2) Thời đại Hùng Vương qua tư liệu khảo cổ học, cổ nhân học và địa lý học; (3) vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời đại Hùng Vương.

4435cf64cfc0289e71d1-1569317558270252651927.jpg
Hội thảo khoa học quốc gia “Thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam”. Ảnh: tư liệu của Báo Tổ quốc.

Cùng với 4 hội thảo khoa học trước đó, hội thảo lần này đi đến khẳng định: Thời kỳ Hùng Vương là có thật trong lịch sử Việt Nam, niên đại sớm nhất là thế kỷ VIII trước Công nguyên (TCN) và muộn nhất là thế kỷ II TCN. Với tầm quan trọng và những thành tựu đạt được của nhà nước Văn Lang trong thời kỳ này trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và tầm bao quát của Nhà nước ấy trên lãnh thổ quốc gia Việt Nam thời kỳ dựng nước, đã có thể định danh một thời đại trong lịch sử Việt Nam: thời đại Hùng Vương.

Theo đó, thời đại Hùng Vương được xác định lại là đã trải qua thời kỳ lịch sử trên 600 năm, thời điểm nhà nước cổ đại Văn Lang xuất hiện cách nay khoảng trên 2.800 năm (từ thế kỷ thứ VIII, TCN, đến thế kỷ thứ II TCN).

Nhà nước Văn Lang trải qua 18 đời, trong mỗi đời lại có nhiều bậc quân vương trị vì. Kinh đô nước Văn Lang đặt tại Phong Châu - Phú Thọ trên vùng đất nằm giữa thành phố Việt Trì và núi Nghĩa Lĩnh hiện nay.

Vào cuối thế kỉ III TCN, đời Vua Hùng thứ 18, đất nước Văn Lang không còn yên bình như trước. Quân Tần xâm lược, Thục Phán lãnh đạo Nhân dân kháng chiến thành công và lập nên Nhà nước Âu Lạc.

2. Nhà nước Việt Thường

Ngược dòng lịch sử, những tìm tòi trong thư tịch cổ và những tìm kiếm khảo cổ trên thực địa trong nhiều năm gần đây, đã cho thấy trước Nhà nước Văn Lang của Hùng Vương, đã tồn tại ba nhà nước cổ đại: Nhà nước Xích Quỷ ở vùng Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ; Nhà nước Việt Thường Thị ở địa bàn Bắc Trung bộ, mà trung tâm là vùng đất Hà Tĩnh ngày nay và Nhà nước Hồ Tôn, chiếm cứ từ Đèo Ngang trở vào.

Theo nhà nghiên cứu Hồ Sĩ Huy, một số học giả quê xứ Nghệ cho rằng, có một Nhà nước cổ đại Việt Thường Thị ở xứ Nghệ trước Nhà nước Văn Lang. Đó là các ông: Bùi Dương Lịch (1757 - 1828), Bùi Văn Nguyên (1918 - 2003), Bùi Thiết (1942 - 2019), Phan Duy Kha… Riêng Hoàng giáp Bùi Dương Lịch - trong Nghệ An ký - đã giành hẳn mục Cổ Đế 古 帝 (Đế vương thời xưa) với gần 2.000 chữ nói về quốc gia cổ đại Việt Thường Thị.

Nhà nghiên cứu lịch sử Bùi Thiết có cuốn “Việt Thường Thị - phát hiện mới về Nhà nước cổ đại sớm nhất trong lịch sử Việt Nam” (NXB. Hồng Đức, 2016), đã khẳng định, từng tồn tại một Nhà nước cổ đại Việt Thường Thị mà lãnh thổ gồm vùng đất từ Thanh Hóa trở vào đến khoảng Quảng Trị - Thừa Thiên và kinh đô chính là vùng huyện lỵ huyện Việt Thường xưa “có thể nằm trên đất xã Đức Thuận và phường Trung Lương (Trung Lương - Văn Chàng) vùng quanh núi Ngọc?” và thời gian tồn tại từ thời Đường Nghiêu năm thứ 5 (2353 TCN) đến khi bị Hùng Vương thôn tính (696 - 682 TCN). Giả thuyết này chưa dễ nhận được sự đồng tình của một số người, nhưng gợi nhiều suy ngẫm.

Thư tịch cổ Trung Hoa, tác phẩm Thủy kinh chú của người thời Bắc Ngụy là Lịch Đạo nguyên (sinh năm 466 hoặc 472(?), mất 527) dẫn sách Lâm Ấp ký có ghi rằng: “Quận Cửu Đức là chỗ cuối cùng của Cửu Di, cho nên đặt tên quận như vậy. Đặt ra quận ấy, vốn là nước Man Di của họ Việt Thường thời nhà Chu. Chu Lễ có nói “Chỗ xa nhất của Cửu Di là nước Việt Thường, đem chim trĩ trắng và ngà voi, nhiều lần phiên dịch mà đến chầu”.

Sự trùng hợp giữa Ngọc phả Hùng Vương (sẽ trích ở phần dưới đây) và thư tịch Trung Hoa gợi cho chúng ta những căn cứ đáng tin cậy về sự tồn tại của Nhà nước Việt Thường trước kỷ nguyên các Vua Hùng và Cựu đô Ngàn Hống trên vùng núi Hồng sông Lam thời xa xưa.

Đại Việt sử ký toàn thư (thế kỷ XVII), Việt Thường Thị được nhắc đến trong Lời xét của sử thần Ngô Sĩ Liên: "Thời Hoàng đế dựng muôn nước, cho Giao Chỉ ở về phía Tây Nam, ở xa ngoài đất Bách Việt, Vua Nghiêu sai Hi Thúc đến Nam Giao, để định đất Giao Chỉ ở phương Nam. Vua Vũ chia chín châu, thì đất Bách Việt thuộc về khu Dương Châu, Giao Chỉ thuộc về đấy. Thời Thành Chu mới gọi là Việt Thường Thị, tên Việt bắt đầu từ đấy". (bản in của NXB KHXH. H; 1971; T.1; tr.59).

Cuối thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn (1726-1783) trong sách Vân đài loại ngữ; Cuối thế kỷ XIX, Bùi Dương Lịch (1757-1828) trong sách Nghệ An ký và Đặng Xuân Bảng (1828-1913) trong sách Sử học bị khảo; Đầu thế kỷ XX, học giả Trần Trọng Kim (1882-1953) trong sách Việt Nam sử lược và Đào Duy Anh (1904-1988) trong sách Đất nước Việt Nam qua các đời, đều có nhắc lại những ghi chép của thư tịch Trung Quốc nói trên và sự tồn tại của quốc gia cổ đại Việt Thường Thị.

GS Chương Thâu, các nhà nghiên cứu Võ Hồng Huy, Thái Kim Đỉnh trong cuốn Địa chí huyện Can Lộc cũng dẫn ra nhiều cứ liệu khảo cổ, thư tịch, các giai thoại liên quan đến vùng đất núi Hồng Lĩnh thời huyền sử không thể bỏ qua.

3. Đức Thủy Tổ Kinh Dương Vương và cựu đô Ngàn Hống

Ngọc phả Hùng Vương do Hàn lâm trực học sĩ Nguyễn Cố phụng soạn vào năm Hồng Đức nguyên niên 1470 hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương (Phú Thọ) gồm 21 tờ, 42 trang chữ Hán, gần 10 ngàn chữ, đã được PGS TS Ngô Đức Thọ lần đầu tiên dịch trọn vẹn, chép về 18 đời các Vua Hùng, kể từ Kinh Dương Vương đến Hùng Tuyền Vương, trong đó có đoạn:

“ĐẾ MINH 帝明]: Cháu ba đời của vua Viêm Đế là Đế Minh sinh Đế Nghi rồi đi tuần du phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh (giới hạn ở động Bạch Hổ tỉnh Vân Nam - xưa gọi là động Xích Quỷ, nguyên thuộc nước ta gọi là quận Giao Chỉ. Động Xích Quỷ sau gọi là nước Xích Quỷ, nay đổi là nước An Nam) thì gặp nàng Vụ Tiên thần nữ, sinh ra Kinh Dương Vương.

Đời thứ 1

Kinh Dương Vương 涇陽王

Vua thông minh thánh trí, vượt trội hơn tầm của Đế Nghi. Đế Minh muốn truyền ngôi báu để làm chính thống cho muôn nước. Nhưng Kinh Dương Vương cố nhường cho anh. Thế là Đế Minh lập Đế Nghi nối ngôi, cai trị phương Bắc, phong cho Kinh Dương Vương quay mặt về phương Nam mà cai trị thiên hạ [tức là làm vua phương Nam], gọi tên là nước Xích Quỷ.

Kinh Dương Vương kính tuân chỉ dụ của vua cha, đem quân lính theo núi Nam Miên mà đi về phía Nam. Trên đường ngắm xem phong thủy, chọn nơi hình thế thắng địa để đóng đô ấp [tức quốc đô]. Qua đất Hoan Châu (nay đổi là xứ Nghệ An), nơi đó là các xã Nội Thiên Lộc, Tả Thiên Lộc, Tỉnh Thạch (thuộc huyện Thiên Lộc phủ Đức Quang), vua chọn được một vùng phong cảnh tươi đẹp, núi non muôn nhẫn lâu đài, gọi là núi Hùng Bảo Thứu Lĩnh, tất cả có 199 ngọn ( xưa gọi là Cựu Đô, nay gọi là Ngàn Hống). Vùng này giáp biển ở cửa Hội Thốn, đường núi quanh co, đường sông uốn khúc, địa thế rồng cuộn hổ ngồi, bốn hướng cùng trông, bèn xây dựng đô thành để định nơi cho bốn phương triều cống”.

bqbht_br_dt-dji-0655-5944.jpg
Khu di tích lịch sử - văn hoá Đại Hùng là điểm thờ cúng Thủy Tổ Kinh Dương Vương và các bậc Vua Hùng duy nhất ở Hà Tĩnh.

Về sau, cũng theo Ngọc phả, Kinh Dương Vương sau khi du ngoạn phía Bắc nhận ra thế cục của đất này quý đẹp hơn đô thành cũ ở Hoan Châu, bèn lập Chính điện ở núi Nghĩa Lĩnh để thỉnh thoảng ngự giá đến nghỉ. Bên ngoài lại dựng đô thành Phong Châu (nay là Cựu đô thành ở thôn Việt Trì, xã Bạch Hạc, huyện Bạch Hạc), đặt quốc hiệu là nước Văn Lang (Đông giáp Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến Động Đình Hồ, Nam tiếp nước Hồ Tôn (nay là nước Chiêm Thành).

Rồi vua ngự giá về cựu đô ở Hoan Châu. Việc dựng đô thành của vua, trước bắt đầu ở núi Thứu Lĩnh, sau lại dựng ở núi Nghĩa Lĩnh, lấy núi này làm nơi đóng đô ấp của nước Việt Thường. Bấy giờ, vua đi tuần thú trở về cung điện ở núi Nghĩa Lĩnh vừa lúc cung phi con gái vua Thần Long có mang, rồng hiện điềm lành, khắp nhà rực ánh sáng đỏ, trong trướng hương thơm ngào ngạt toả ra. Cung phi nghỉ trong trướng ngọc khoảng một tuần (10 ngày) thì sinh ra Lạc Long Quân.

Lạc Long Quân huý Sùng Lãm, ở ngôi 400 năm, thọ 420 tuổi, sinh một bọc trăm trứng, an lành nở ra 100 con trai. Vương định 100 họ (tính), đặt 100 tên, xưng 100 hiệu, làm 100 vị thần, mỗi vị chiếm cứ một khu, đều xưng là Thuỷ Tổ của Bách Việt, rất mực linh thiêng. Vua cha là Long Quân hoá sinh bất diệt, trở về biển thành Tiên, là Động Đình đế quân”.

Lạc Long Quân là Hùng Hiền Vương hay Vua Hùng là Quốc Tổ và Kinh Dương Vương chính là vị Thủy Tổ của dân tộc Việt. Hiện nay, Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương được xây dựng tại thôn Á Lữ, xã Đại Đồng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Văn bia gắn trên mộ do vua Minh Mạng cho phụng lập cũng ghi rõ Thuỷ Tổ Kinh Dương Vương của nước ta (hay còn gọi là Lộc Tục) vốn ở Cựu đô Ngàn Hống, thiên di đến nơi này và sinh ra Lạc Long Quân. Năm 2008, Bộ Văn hóa - Thông tin đã công nhận Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương là Di tích quốc gia. Hằng năm, cứ đến ngày giỗ của Đức Thủy Tổ (18 tháng Giêng âm lịch), Nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc lại về thắp nén hương thơm tỏ lòng tri ân, hướng về cội nguồn đối với vị vua đầu tiên của lịch sử dân tộc.

bqbht_br_dt-img-1265-1969.jpg
Đền thờ Đức Thủy Tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng trong Khu di tích lịch sử - văn hoá Đại Hùng ở TX Hồng Lĩnh vẫn đang trong quá trình đầu tư xây dựng. (Ảnh tư liệu).

Như vậy, Hà Tĩnh chính là một phần cương vực của Nhà nước Việt Thường, nơi có Cựu đô Ngàn Hống và gắn liền với thời gian trị vì của Kinh Dương Vương. Những gì lưu truyền trong tâm thức người Việt qua nhiều thế hệ và được chép trong các thư tịch Việt Nam, Trung Hoa, gợi cho chúng ta hướng đi tìm lời giải chân xác về vùng đất Hồng Lam trong lịch sử dân tộc.

Hy vọng, tới đây, bằng các kết quả khảo cổ học, từ phương pháp luận biện chứng khoa học, liên ngành, khách quan, những bí ẩn lịch sử thời kỳ đầu dựng nước sẽ dần sáng tỏ, đáp ứng niềm mong mỏi của tất cả chúng ta, với tất cả niềm thành kính và tri ân Quốc Tổ, sâu nặng tình dân tộc, thắm đượm nghĩa đồng bào.

Tài liệu tham khảo

- Lịch sử Hà Tĩnh, NXB Chính trị QG, H. 2000.
- Đại Việt sử ký toàn thư. NXB Văn học, H. 2017.
- Ngọc phả Hùng Vương, PGS TS Ngô Đức Thọ dịch.
- Địa chí huyện Can Lộc, 1999.
- Chuyên san KHXH và NV Nghệ An, 3-2023.
- Kỷ yếu Hội thảo khoa học "Hồng Lĩnh lịch sử, huyền sử và đương đại”, 2016.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.