UBND tỉnh yêu cầu xử lý dứt điểm những bất cập tại đền Chợ Củi

(Baohatinh.vn) - Trước nhiều vấn đề bất cập trong công tác quản lý và tổ chức hoạt động tại di tích đền Chợ Củi (xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo thanh tra và chấn chỉnh, khắc phục.

Công tác quản lý còn nhiều bất cập

Đền Chợ Củi được xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1993. Theo hồ sơ xếp hạng di tích, đền Chợ Củi là công trình kiến trúc độc đáo, cổ kính được khởi dựng từ thời nhà Lê Sơ, tọa lạc dưới chân núi Ngũ Mã bên bờ sông Lam thuộc xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân.

UBND tỉnh yêu cầu xử lý dứt điểm những bất cập tại đền Chợ Củi

Đền Chợ Củi - Di tích lịch sử văn hóa quốc gia ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân.

Thời kỳ trước năm 2013, đền Chợ Củi hoạt động theo tín ngưỡng tự phát của người dân, do UBND xã Xuân Hồng và một số hộ dân xung quanh khu vực đền tự quản lý.

Đến năm 2014, UBND huyện Nghi Xuân thành lập Ban Quản lý (BQL) di tích đền Chợ Củi, bao gồm: 1 trưởng ban, 2 phó trưởng ban, trong đó ông Nguyễn Sỹ Quý - thủ nhang làm Phó Trưởng ban.

Tuy nhiên, tổ chức bộ máy, hoạt động của BQL mang tính chất kiêm nhiệm, không được giao biên chế, chưa phát huy được vai trò trách nhiệm trong công tác quản lý. Công tác điều hành tại đền còn mang tính cá nhân, gia đình; nguồn thu chưa được kiểm soát trong thời gian dài. Cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư thích đáng; công tác quản lý kinh doanh, dịch vụ còn lộn xộn làm mất mỹ quan, mất an toàn và ảnh hưởng đến việc thu hút du khách.

Để đảm bảo công tác quản lý các di tích trên địa bàn, tháng 4/2023, UBND tỉnh thành lập BQL dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân trên cơ sở tổ chức lại BQL Khu du lịch Xuân Thành và các công trình công cộng với BQL di tích đền Chợ Củi.

Theo ông Trần Minh Đức - Phó Trưởng Ban dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân: Ngay sau khi thành lập, BQL đã nhiều lần tổ chức làm việc với gia đình “thủ nhang” (ông Nguyễn Sỹ Quý, Nguyễn Sỹ Hóa) để bàn giao nội tự cho BQL thực hiện việc quản lý, khai thác và phát huy giá trị di tích theo đúng quy định hiện hành nhưng không được hợp tác.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đề nghị thanh tra công tác quản lý và tổ chức các hoạt động tại Di tích Quốc gia đền Chợ Củi từ ngày 18/5/2023 đến ngày 31/7/2023.

Kết luận thanh tra số 07/KL-UBND của UBND tỉnh ngày 5/1/2024 cho thấy, từ năm 2014 đến 2023, BQL di tích đền Chợ Củi không thể hiện được vai trò quản lý, không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ như trong đề án được UBND tỉnh phê duyệt, công tác quản lý tại di tích còn nhiều bất cập.

UBND tỉnh yêu cầu xử lý dứt điểm những bất cập tại đền Chợ Củi

Di tích là nơi thu hút khá nhiều du khách, người dân về đây dâng lễ và tổ chức các sự kiện văn hóa tâm linh.

Trong quá trình hoạt động, BQL chưa đảm bảo công tác quản lý về nhân sự tham gia các tổ tại di tích. Cụ thể: tổ nội tự gồm 5 người nhưng thực tế số người làm việc là 24 người; tổ giữ xe gồm 5 người nhưng thực tế là 23 người. Ngoài ra, phân công nhiệm vụ chưa kịp thời, không thực hiện đầy đủ việc ký hợp đồng lao động và các chế độ đối với người lao động...

BQL di tích đền Chợ Củi trực thuộc UBND huyện Nghi Xuân là đơn vị sự nghiệp có thu nhưng trong quá trình hoạt động, hằng năm, đơn vị chưa lập dự toán và báo cáo quyết toán tài chính; sổ sách và chứng từ kế toán chưa thực hiện đầy đủ theo quy định.

Việc thu và sử dụng tiền công đức của gia đình “thủ nhang” ông Nguyễn Sỹ Quý, theo thống kê của gia đình, tổng số tiền công đức thu được từ năm 2014 đến hết 31/12/2022 là 37,124 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra, hộ “thủ nhang” còn nợ số tiền 3 tỷ đồng (năm 2020 là 1 tỷ đồng; năm 2021 là 2 tỷ đồng).

Kết luận thanh tra cũng nêu ra một số tồn tại trong việc quy hoạch và quản lý quy hoạch đền Chợ Củi không đáp ứng đủ yêu cầu phục vụ như: bãi đỗ xe, khu dịch vụ... dẫn đến tình trạng lộn xộn, tắc nghẽn giao thông, nguy cơ cháy nổ rất cao và ảnh hưởng đến an ninh xung quanh khu vực đền; dịch vụ cúng lễ, dịch vụ viết tấu sớ, dịch vụ cho thuê ki-ốt bán hàng trong khuôn viên khu di tích chưa được đưa vào quản lý.

Sớm khắc phục, chấn chỉnh kịp thời

Sau kết luận thanh tra, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành liên quan, huyện Nghi Xuân khắc phục, giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế, tăng cường công tác quản lý nhằm phát huy tốt các giá trị di sản đền Chợ Củi, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân.

Theo đó, giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND huyện Nghi Xuân và các tổ chức, cá nhân liên quan tiến hành kiểm điểm theo thẩm quyền và làm rõ trách nhiệm đối với các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong các nội dung trên.

UBND tỉnh yêu cầu xử lý dứt điểm những bất cập tại đền Chợ Củi

UBND tỉnh yêu cầu các ngành liên quan và huyện Nghi Xuân sớm chấn chỉnh, khắc phục những bất cập tại di tích đền Chợ Củi.

Ông Lê Anh Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho hay, thời gian tới, huyện Nghi Xuân triển khai cắm mốc quy hoạch đã được tỉnh phê duyệt; tổ chức bảo vệ di tích theo đúng quy định của Luật Di sản và các quy định pháp luật khác liên quan, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát hiện trạng sử dụng đất của di tích đền Chợ Củi và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở trong và xung quanh khu vực di tích; xử lý các vi phạm về đất đai (nếu có).

Đối với gia đình “thủ nhang” Nguyễn Sỹ Quý, UBND tỉnh đề nghị phải chấm dứt việc chiếm hữu, quản lý khu vực nội tự của đền Chợ Củi, bàn giao cho Ban Quản lý dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân chậm nhất là ngày 15/01/2024. Nếu các gia đình “thủ nhang" không thực hiện bàn giao theo đúng thời hạn, UBND huyện Nghi Xuân sẽ tổ chức cưỡng chế và thực hiện quản lý toàn bộ di tích đền Chợ Củi theo đúng quy định pháp luật.

Đối với khoản tiền công đức còn thiếu đến 31/12/2022 của gia đình “thủ nhang” yêu cầu nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra tỉnh, sau 20 ngày kể từ ngày ban hành kết luận thanh tra.

UBND huyện Nghi Xuân cũng sẽ thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc thu hồi số tiền hơn 155 triệu đồng chi sai chế độ lương và phụ cấp của các đối tượng và số tiền khoán công tác phí năm 2018 nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra tỉnh, sau 20 ngày kể từ ngày ban hành kết luận thanh tra.

Đọc thêm

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.
Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Với tâm huyết, nỗ lực của các thế hệ cán bộ, giáo viên, 20 năm qua, Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã vượt qua khó khăn, từng bước khẳng định chất lượng trong sự nghiệp GD&ĐT.
Gieo "hạt giống" yêu thương

Gieo "hạt giống" yêu thương

Khi gieo vào lòng trẻ thơ những “hạt giống” yêu thương sẽ góp phần hình thành nên những con người tử tế, biết sẻ chia và có trách nhiệm với cộng đồng.
Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.
Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Bỏ quy định ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; tăng trợ cấp quân nhân xuất ngũ; nới điều kiện xây trường là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.