Nâng cao chất lượng đầu vào lớp 6 ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Học sinh lớp 5 tại các trường tiểu học trên địa bàn Hà Tĩnh đã được tiếp cận, làm quen với phương pháp học tập của lớp 6, giúp các em tự tin hơn khi bước môi trường học tập mới.

Giờ Tiếng Việt lớp 5 ở Trường Tiểu học Thạch Đài (Thạch Hà) được áp dụng phương pháp dạy học tiếp cận Ngữ văn lớp 6 khiến học sinh khá hào hứng, tạo không khí học tập sôi nổi. Từ sự dẫn dắt của giáo viên, học sinh đã mạnh dạn, tự tin diễn đạt, trình bày ý kiến cá nhân, đồng thời chủ động ghi chép lại những nội dung chính của bài học theo mô hình sơ đồ tư duy hoặc ghi nhớ các ý chính.

1.4.jpg
Giờ học của học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Thạch Đài (Thạch Hà).

Cô Nguyễn Thị Xuân Hương - giáo viên Trường Tiểu học Thạch Đài (Thạch Hà) cho biết: “Để đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên đối với khối lớp 5 nhằm thực hiện mục tiêu, giúp các em tiếp cận, làm quen dần với phương pháp học của lớp 6, thời gian qua, chúng tôi đã áp dụng một số kỹ thuật dạy học mới để phát huy năng lực học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời áp dụng linh hoạt trong từng môn, tiết học cụ thể. Từ đó, giúp học sinh hình thành thói quen tự học, tự tìm hiểu kiến thức”.

1.5.jpg
Em Nguyễn Nhật Hà – lớp 5C Trường Tiểu học Thạch Đài đã làm quen với phương pháp học tập nghe, ghi.

Từ việc đổi mới các hoạt động dạy học, thay đổi thói quen học tập cho học sinh của các giáo viên cũng đã góp phần chuẩn bị tâm lý, các kỹ năng cho học sinh lớp 5 chuẩn bị bước vào một môi trường học tập mới.

Em Nguyễn Nhật Hà - lớp 5C Trường Tiểu học Thạch Đài chia sẻ: “Thời gian qua, với sự hướng dẫn của cô giáo, em thường chủ động tìm hiểu kiến thức của bài học mới từ lúc ở nhà. Đến lớp vừa nghe cô giảng, em vừa tranh thủ tóm tắt, ghi các ý chính vào vở. Ngoài ra, cô cũng cung cấp cho cả lớp một số thông tin về sự khác biệt của 2 bậc học để chúng em tìm hiểu, làm quen, tránh bỡ ngỡ khi thay đổi môi trường”.

1.6.jpg
Học sinh đã mạnh dạn, tự tin khi trình bày ý kiến trong các giờ học.

Duy trì bền vững chất lượng học sinh lớp 5 lên lớp 6, đồng thời rút ngắn khoảng cách về phương pháp giảng dạy giữa hai cấp học cũng đang là mục tiêu Trường Tiểu học Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc) hướng tới.

“Để tạo điều kiện cho 244 học sinh lớp 5 chuẩn bị lên lớp 6, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch, đồng thời tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu nội dung bài học. Trường tiểu học và THCS cũng đã có sự phối hợp trong việc tạo điều kiện cho giáo viên giảng dạy lớp 5 thực hiện thăm lớp, dự giờ một số tiết học của lớp 6, qua đó, giúp thầy, cô hiểu rõ hơn về các bậc học, trao đổi chuyên môn, phương pháp giảng dạy, tạo sự liên thông giữa 2 cấp học”, cô Trần Thị Thanh Tịnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Vĩnh Yên thông tin.

1.3.jpg
Giờ tự học của học sinh lớp 5 - Trường Tiểu học Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc).

Giúp học sinh lớp 5 làm quen với môi trường lớp 6 để nâng cao chất lượng đầu vào THCS đã trở thành nhiệm vụ chung của các trường có học sinh tiểu học trên địa bàn Hà Tĩnh. Trên tinh thần đó, Trường Tiểu học Sơn Tây (Hương Sơn) đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp theo công văn hướng dẫn của ngành và Phòng GD&ĐT. Từ nỗ lực của nhà trường và các giáo viên, đến nay, học sinh lớp 5 đã làm quen với việc phát huy ý thức và tính tự học thông qua các hoạt động nhóm, đồng thời phát triển kỹ năng nhớ - nghe - ghi thay vì thói quen đọc - nghe - viết như trước.

Cô Trần Thị Kiều Liên - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Tây chia sẻ: “Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp tổ chức đưa học sinh lớp 5 đi tham quan trường THCS trên địa bàn để các em làm quen với môi trường mới. Điều đó có ý nghĩa rất quan trọng, tạo điều kiện cho các em tiếp xúc, làm quen với môi trường, thầy cô giáo mới để các em tự tin hơn khi bước vào lớp 6”.

1.1.jpg
Việc đổi mới phương pháp giảng dạy ở Trường Tiểu học Sơn Tây (Hương Sơn) giúp phát huy năng lực của học sinh.

Đến thời điểm hiện tại, học sinh lớp 5 tại các trường tiểu học trên địa bàn Hà Tĩnh đã được tiếp cận, làm quen với phương pháp học tập của lớp 6. Các em đã thực hiện thành thạo việc viết trên vở kẻ ngang, có ý thức học tập tốt hơn, mạnh dạn và chủ động hơn trong quá trình tiếp cận kiến thức bài học. Trong những ngày tháng 5 này, các phòng GD&ĐT cũng sẽ thành lập các hội đồng đánh giá chất lượng học sinh lớp 5 để bàn giao lên lớp 6.

Nâng cao chất lượng đầu vào THCS là một trong những nhiệm vụ quan trọng được ngành GD&ĐT triển khai ngay từ đầu năm học. Trên cơ sở hướng dẫn của Sở, các phòng GD&ĐT đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Việc tạo sự liên thông giữa 2 cấp học đã góp phần quan trọng, giúp học sinh tiểu học tự tin hơn khi bước vào một môi trường học tập mới. Chất lượng đầu vào bậc THCS nhờ thế cũng được cải thiện.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh.

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Đọc thêm

Cảm ơn đồng bào!

Cảm ơn đồng bào!

Trong cơn hoạn nạn do bão Yagi gây ra, người Hà Tĩnh cùng đồng bào cả nước đã chung tay cùng bà con miền Bắc khắc phục khó khăn, tái thiết sau thiên tai. Giờ đây, những bản làng, thôn xóm trên ấy đã xôn xao nhịp sống mới...
Học sinh Trí Đức rộn ràng chào xuân mới 2025

Học sinh Trí Đức rộn ràng chào xuân mới 2025

Các hoạt động chào xuân là dịp để các bạn nhỏ Trường Mầm non Trí Đức (TP Hà Tĩnh) được vui chơi, hiểu thêm về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Muôn sắc màu tại Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025

Muôn sắc màu tại Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025

Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025 trưng bày nhiều ấn phẩm báo chí, phản ánh sự sáng tạo và đổi mới trong công tác tuyên truyền của báo chí Hà Tĩnh và cả nước trong kỷ nguyên số.