Chiều 1/4, đoàn công tác Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội làm việc với tỉnh Hà Tĩnh về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo và việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục đối với trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi trên địa bàn tỉnh.
Các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội: Nguyễn Thị Mai Hoa, Đinh Công Sỹ cùng đồng chí Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì buổi làm việc.
Tham dự có Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và thành viên đoàn công tác Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
Hà Tĩnh hiện có 668 trường mầm non và phổ thông với 23.987 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và 350.793 học sinh các cấp học. Riêng bậc mầm non có 255 trường với 2.950 nhóm, lớp và 8.887 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
Thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo, thời gian qua, Hà Tĩnh nói chung và ngành GD&ĐT trên địa bàn tỉnh nói riêng đã quan tâm chỉ đạo, cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về GD&ĐT và nhà giáo.
Số lượng giáo viên cơ bản đáp ứng đủ, phù hợp với mạng lưới trường, lớp của địa phương. Mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập từng bước hình thành và phát triển ở các vùng thuận lợi. Các cơ quan quản lý đã triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách về lương, phụ cấp lương và các chế độ khác đối với nhà giáo theo quy định hiện hành.
Thời gian qua, ngành GD&ĐT Hà Tĩnh đã thực hiện nghiêm túc chủ trương tinh giản biên chế, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước được thực hiện đúng, đủ, kịp thời, góp phần ổn định tình hình toàn ngành. Quan tâm thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục đối với trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi. Tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi năm 2013, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi năm 2015; 13/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ của các cơ sở giáo dục mầm non ngày càng được nâng cao. Hà Tĩnh thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên mầm non, cán bộ quản lý tại các trường. Cán bộ, giáo viên công tác tại các vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn được hưởng chế độ theo quy định của Nhà nước.
Giai đoạn 2019-2023, ngân sách các cấp chi cho phát triển giáo dục mầm non đã được quan tâm, tạo điều kiện cho các cơ sở nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Tổng ngân sách đầu tư cho công tác xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi giai đoạn từ 2022-2023 gần 500 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nêu một số khó khăn, bất cập trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo và tình hình thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ em mẫu giáo từ 3 tuổi đến dưới 5 tuổi, trong đó tập trung vào các vấn đề về công tác quản lý Nhà nước, quy hoạch đội ngũ nhà giáo; chế độ tuyển dụng và sử dụng nhà giáo; quy hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo; chính sách hỗ trợ về nhà ở, nhà công vụ…
Một số ý kiến khác cũng đề xuất các nội dung xung quanh việc điều động, luân chuyển giáo viên; bổ sung các quy định cụ thể để xác định tiêu chuẩn tuyển dụng nhà giáo; bổ sung chế độ phụ cấp thâm niên nghề nghiệp đối với cán bộ quản lý, sửa đổi tuổi về hưu đối với giáo viên nữ; phân bổ kinh phí ưu tiên cho các trường theo đặc thù, vùng miền; có chính sách đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý khi triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi; chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục mầm non…
Kết luận buổi làm việc, thay mặt đoàn công tác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa ghi nhận, biểu dương Hà Tĩnh trong những năm qua đã quan tâm, có sự đầu tư cho giáo dục; thường xuyên quan tâm, động viên đội ngũ nhà giáo, cán bộ trong ngành, góp phần đào tạo, bồi dưỡng nhận thức, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ, đóng góp tích cực, quan trọng vào thành tích giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn của tỉnh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội khẳng định, các ý kiến tại buổi làm việc sẽ được đoàn công tác tập hợp, nghiên cứu, tiếp thu phục vụ quá trình thẩm tra dự án Luật Nhà giáo cũng như góp ý xây dựng các chính sách pháp luật liên quan đến nhà giáo, việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục đối với trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi.