Sáng 1/4, Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội dẫn đầu có buổi làm việc với UBND huyện Hương Khê về việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo.
Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; lãnh đạo huyện Hương Khê cùng chủ trì buổi làm việc.
Huyện Hương Khê hiện có 63 cơ sở giáo dục với 838 lớp, 23.356 học sinh, học viên. Toàn huyện đang có 126 cán bộ quản lý, 1.253 giáo viên, 126 nhân viên công tác trong ngành giáo dục.
Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm chỉ đạo, cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về giáo dục - đào tạo và nhà giáo, tạo điều kiện cho các giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, nghề nghiệp, tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò, trách nhiệm của nhà giáo trong xã hội.
Hằng năm, huyện đã cử giáo viên đào tạo nâng chuẩn trình độ theo lộ trình đã đề ra. Tính đến nay, Hương Khê đã cử trên 1.500 lượt cán bộ quản lý, giáo viên tham gia, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Công tác thi đua, khen thưởng của ngành được thực hiện đảm bảo công khai, dân chủ, kịp thời, khen thưởng đúng đối tượng, đúng thành tích, đúng quy định; chú trọng khen thưởng giáo viên trực tiếp đứng lớp, người lao động trực tiếp có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giải pháp công tác đem lại hiệu quả cao, các tập thể, cá nhân công tác tại vùng biên giới, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Các phong trào thi đua dạy tốt - học tốt được tổ chức sâu rộng.
Huyện Hương Khê đánh giá việc ban hành Luật Nhà giáo là hết sức cần thiết, có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp và có những đóng góp tốt hơn cho ngành, cho đất nước. Đồng thời, có thể khắc phục được tình trạng chồng chéo các quy định đối với nhà giáo hiện nay, tạo ra sự minh bạch, rõ ràng và dễ dàng tiếp cận với các quy định về chế độ chính sách đối với nhà giáo; khắc phục sự bất bình đẳng trong chế độ chính sách đối với nhà giáo giữa các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chính sách pháp luật về nhà giáo trên địa bàn, trong đó tập trung vào một số vấn đề như chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng, quản lý và phát triển nhà giáo; chính sách đãi ngộ, khen thưởng và kỷ luật; chế độ, chính sách ưu tiên, ưu đãi khác…
Các đại biểu cũng đề xuất một số nội dung liên quan đến chế độ đãi ngộ, lương, phụ cấp và phúc lợi đối với nhà giáo; kiến nghị về cơ chế, chính sách, quy định pháp luật trong xây dựng, quản lý và phát triển nhà giáo…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng nêu một số bất cập, khó khăn trong việc thực hiện hệ thống chính sách, pháp luật về nhà giáo trên địa bàn huyện Hương Khê nói riêng và toàn tỉnh nói chung.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh mong muốn đoàn công tác xem xét, ghi nhận các ý kiến của địa phương để có đánh giá khách quan về thực trạng hệ thống chính sách, pháp luật về nhà giáo và những nội dung cần thể chế hóa trong xây dựng Luật Nhà giáo.
Kết luận buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - Trưởng đoàn công tác ghi nhận và đánh giá cao ý kiến tâm huyết của các đại biểu đã gợi mở nhiều vấn đề liên quan tới hệ thống chính sách, pháp luật về nhà giáo.
Trưởng đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội mong muốn tiếp tục nhận được thêm các ý kiến đóng góp của địa phương, ngành giáo dục huyện. Trên cơ sở các ý kiến đó, đoàn công tác có đánh giá đúng thực trạng xây dựng và phát triển nhà giáo các cấp học và trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân. Từ đây, kiến nghị, đề xuất định hướng nội dung chính sách, quy định pháp luật điều chỉnh đối với nhà giáo phục vụ cho xây dựng và thẩm tra dự án Luật Nhà giáo.
Cũng trong sáng nay, Đoàn công tác Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội do ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm làm trưởng đoàn đã khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục đối với trẻ em mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên.
Tham gia đoàn khảo sát còn có đại diện Bộ GD&ĐT; về phía Hà Tĩnh có Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia, lãnh đạo Sở GD&ĐT, huyện Cẩm Xuyên.
Theo báo cáo của UBND huyện Cẩm Xuyên, hiện địa bàn có 65 trường học, trong đó có 24 trường mầm non công lập, 1 trường mầm non tư thục, 13 nhóm trẻ độc lập tư thục. Tính đến nay, có 21/24 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; huyện đạt phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi năm 2013. Trẻ 3 tuổi có 2.152/2.591 cháu ra lớp (đạt tỷ lệ 83,1 %), trẻ 4 tuổi có 2.891/2.891 cháu ra lớp (đạt tỷ lệ 100%), trẻ 5 tuổi có 2.966/2.966 cháu ra lớp (đạt tỷ lệ 100%).
Các cơ sở giáo dục mầm non đã triển khai thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục mầm non theo văn bản của Bộ GD&ĐT và các hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh. Các nhà trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục và tổ chức các hoạt động giáo dục đảm bảo các kiến thức, kỹ năng, chuẩn bị tốt cho trẻ 5 tuổi vào lớp 1 và các lớp 3, 4 tuổi.
Thực hiện Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2020 - 2025, lồng ghép với kế hoạch “Xây dựng trường học hạnh phúc”, nhiều trường đã xây dựng các góc hoạt động trong và ngoài lớp sáng tạo, hiệu quả; môi trường trong lớp và ngoài lớp học được xây dựng theo hướng mở, thường xuyên được củng cố và phát triển, tăng cường tổ chức cho trẻ hoạt động trải nghiệm.
Số biên chế giáo viên được UBND tỉnh giao cho huyện Cẩm Xuyên là 555, đạt tỉ lệ 2.08 giáo viên/lớp. Tuy nhiên, hiện chỉ có 516 giáo viên, đạt tỉ lệ 1,94 giáo viên/lớp; có 68 cán bộ quản lí, 24 nhân viên, dù chưa đủ so với quy định nhưng nhìn chung vẫn đảm bảo việc dạy học. Song, số biên chế được giao này chỉ mới cơ bản tuyển sinh được trẻ mẫu giáo đến trường, chưa thể tuyển sinh nhà trẻ (đặc biệt trẻ 3 tuổi có 2.152/2.591 cháu ra lớp, tỷ lệ 83.1%).
Tại buổi làm việc, đoàn công tác và lãnh đạo huyện, các phòng ban, hiệu trưởng các trường mầm non trên địa bàn huyện đã tập trung trao đổi các nội dung về hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non; các điều kiện bảo đảm để hướng tới triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3, 4 tuổi, các khó khăn đặt ra và kiến nghị, đề xuất…
Cụ thể như: khó khăn về biên chế, cơ sở vật chất; chính sách hỗ trợ cô nuôi; mức hỗ trợ chế độ ăn trưa của trẻ còn thấp; một số quy định về trường chuẩn quốc gia còn bất cập, chưa hợp lý…
Kết luận buổi làm việc, ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho biết, đoàn khảo sát sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến từ cơ sở. Báo cáo kết quả khảo sát sẽ được gửi đến các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành, địa phương liên quan để xem xét hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non và các điều kiện bảo đảm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 3 - 5 tuổi.