Xây dựng lối sống đô thị ở thị xã Kỳ Anh

(Baohatinh.vn) - Sau chia tách địa giới hành chính, cùng với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng tương xứng tầm vóc đô thị, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã dày công trong nỗ lực thay đổi nhận thức người dân khi tiến lên đô thị. Tuy vậy, vấn đề này đang cần nhiều thời gian.

Đô thị Kỳ Anh khởi sắc từng ngày

Chính quyền nỗ lực

Những năm qua, Kỳ Anh có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh. Nhờ có KKT Vũng Áng với hàng loạt công trình, dự án trọng điểm triển khai, trong đó, hạt nhân là Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương của Formosa nên Kỳ Anh từ một huyện nghèo trở thành địa phương có kinh tế thuộc tốp đầu của tỉnh. Hệ thống cơ sở hạ tầng từ điện, đường, trường, trạm, nhà ở dân cư khang trang, đồng bộ. Đó là điểm tựa để sau khi chia tách địa giới, Kỳ Anh trở thành một thị xã với sức sống mạnh mẽ hơn.

Theo báo cáo từ BQL Các dự án xây dựng cơ bản TX Kỳ Anh, đến nay, thị xã đã hoàn thiện việc nâng cấp hệ thống vỉa hè đô thị với chiều dài 3,9 km và hệ thống điện chiếu sáng đô thị, tập trung ở 2 phường trung tâm là Sông Trí và Kỳ Trinh. Đây là 2 công trình có tổng mức đầu tư gần 28 tỷ đồng với hệ thống vỉa hè thông thoáng đi kèm cây xanh, đèn chiếu sáng hiện đại. Ngoài ra, việc hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại các nút giao thông trên tuyến QL 1A đoạn qua địa bàn đã phần nào thay đổi diện mạo đô thị, nâng cao nhận thức cho người dân khi tham gia giao thông.

Chính quyền thị xã cũng không ngừng nỗ lực trong công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về lối sống đô thị. Thị xã đã tổ chức 10 cuộc tập huấn về thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị cho trên 1.600 lượt cán bộ cốt cán, cán bộ y tế xã, phường, thôn, tổ dân phố, trường học, đại diện các hộ; phát hơn 3.000 cuốn sổ tay tuyên truyền về văn hóa gia đình, công sở, nếp sống văn hóa, văn minh đô thị...

Công an TX Kỳ Anh tăng cường kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển ô tô, xe máy tham gia giao thông.

Người dân cần thời gian

Mặc dù chính quyền TX Kỳ Anh nỗ lực trong việc thay đổi diện mạo đô thị, song việc chuyển biến ở mỗi người dân lại còn chậm. Theo bà Đoàn Thị Mỹ - Trưởng phòng VH-TT thị xã, do tốc độ đô thị hóa nhanh nên để người dân thích nghi được lối sống đô thị cần một quá trình. Hiện nay, một bộ phận người dân vẫn chưa thể thích nghi, thay đổi được lối sống đô thị, đặc biệt là tình trạng vứt rác bừa bãi, nhất là các xã, phường có điểm xuất phát thấp. Ngoài phường Sông Trí, Kỳ Liên, Kỳ Long..., rất nhiều phường khác, xảy ra tình trạng vứt rác bừa bãi, đặc biệt tại các khu tái định cư chưa lấp đầy dân.

Tình trạng không chấp hành luật giao thông còn diễn ra rất phổ biến. Ngoài ra, do nhận thức còn thấp nên một bộ phận người dân thị xã đã tham gia hàng chục cuộc tuần hành, biểu tình, thậm chí là chặn QL 1A, gây ách tắc giao thông, gây mất ANTT trên địa bàn.

Theo Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Quốc Hà: “Thị xã được thành lập chưa lâu nên cần để người dân có thời gian thích nghi. Trên thực tế, một bộ phận người dân đã bắt đầu có sự chuyển biến trong nhận thức và cả hành động”. Minh chứng rõ nhất cho điều ông Hà nói, là đã có 13 tổ dân phố trên địa bàn 6 phường gần như hoàn thành các tuyến phố văn minh với những tiêu chí hết sức khắt khe. Đây là tín hiệu cho thị xã tiếp tục tuyên truyền, vận động để bà con thay đổi tư duy, nếp sống, hướng tới mục tiêu cán đích đô thị loại III vào năm 2020.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói