Địa bàn rộng, chia cắt bởi nhiều đồi núi, khe suối, đời sống kinh tế người dân khó khăn… khiến việc huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng đối với xã miền núi Hương Liên (Hương Khê) càng thêm khó khăn
Hương Liên địa bàn rộng, địa hình phức tạp, chia cắt bởi nhiều đồi núi, khe suối nên việc thực hiện tiêu chí giao thông hết sức khó khăn. Toàn xã có gần 40 km đường trục chính và trục thôn nhưng đến nay, ngoài đường trục chính khoảng 8,5km đã được đổ nhựa, hầu hết các trục thôn đang đường đất cấp phối.
Đất rộng, người thưa không chỉ khó khăn cho việc thực hiện tiêu chí giao thông mà càng khó hơn đối với thực hiện tiêu chí nhà văn hóa thôn, khu dân cư mẫu, vườn mẫu. Đến nay, các thôn mới cơ bản hoàn thành được nhà văn hóa thôn, các tiêu chí khác hoàn thành từ 20-30%.
Ngoài đường trục chính khoảng 8,5 km đã được đổ nhựa, hầu hết các trục thôn ở Hương Liên mới chỉ đổ đất cấp phối.
“Hiện tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương đang còn 21%, một số thôn các hộ phân bố rải rác từng quả đồi, cách nhau hàng trăm mét nên việc huy động nguồn lực làm giao thông, xây dựng khu dân cư mẫu hết sức khó khăn” - Chủ tịch UBND xã Hương Liên Đinh Văn Sánh thông tin.
Cùng với tiêu chí giao thông trong điều kiện “bất khả thi” thì tiêu chí y tế cũng đang còn vướng mắc, chưa có lời giải. Đầu năm 2018, Hương Liên được đầu tư xây dựng trạm y tế trị giá 4,8 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và ngân sách của địa phương (tỉnh, huyện, xã). Thế nhưng, gần 3 tháng qua, công trình thi công dang dở phải đắp chiếu vì… thiếu vốn.
Trong thời gian xây chờ xây dựng trạm y tế mới, người dân Hương Liên vẫn phải đếm khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế tạm bợ, mùa hè nóng bức, mùa mưa dột nát, ẩm thấp.
“Đến nay việc xây dựng trạm y tế mới bố trí được 20% vốn cho công trình. Mặc dù vậy nhà thầu cũng đã nỗ lực thi công hoàn thành 70% khối lượng, phần còn lại không kham nổi nên đã dừng thi công hơn 3 tháng qua. Việc huy động nguồn lực đối ứng của địa phương cũng rất khó khăn” – Chủ tịch UBND xã Đinh Văn Sánh xác nhận.
Công trình trạm y tế thi công dang dở phải đắp chiếu vì… thiếu vốn.
Được biết, ngoài những khó khăn do địa hình, tập quán sản xuất, sinh hoạt “tự cung, tự cấp”, tình hình thiên tai, nhất là việc xả lũ nhà máy thủy điện hàng năm không chỉ gây thiệt hại về cây cối, hoa màu mà còn gây khó khăn đối với chính quyền trong vận động nhân dân đầu tư, phát triển sản xuất. Mặc dù có lợi thế về kinh tế vườn đồi nhưng đến nay toàn xã chưa có mô hình nào lớn; thu nhập của người dân Hương Liên mới chỉ đạt 17 triệu đồng/người/năm.
Ðể góp phần thay đổi diện mạo các xã miền núi vùng sâu, vùng xa, ngoài nỗ lực của mình, Hương Liên rất cần sự hỗ trợ của nhà nước, sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng xã hội…