Xu hướng cho trẻ học lập trình sớm ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Để giúp con trở thành công dân số, nhiều bậc phụ huynh ở Hà Tĩnh đã bắt đầu quan tâm đến việc cho trẻ tham gia các khóa học lập trình phát triển sự sáng tạo và rèn luyện khả năng tương tác xã hội.

Em Vương Quang Thành đã biết dùng các lệnh, tự thiết kế những trò chơi đơn giản.

Bắt đầu cho con trai Vương Quang Thành (lớp 7A, Trường THCS Tô Hiến Thành, xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà) làm quen với ngôn ngữ lập trình cách đây 2 năm, chị Nguyễn Thị Tư bất ngờ nhận ra sở thích của con mình với môn học mới mẻ này.

Chị Tư cho hay, gia đình luôn tạo điều kiện để con được học tập theo sở thích. Tuy nhiên, khi cho cháu Thành học về lập trình, chị nhận ra con trai không chỉ được bồi đắp các kiến thức phong phú mà còn thêm nhiều kỹ năng bổ ích.

"Gia đình tôi cho con học với ý định ban đầu là để cháu biết kiểm soát thời gian sử dụng thiết bị công nghệ hiệu quả. Đến nay, sau một thời gian học tập, con đã biết dùng các lệnh, tự thiết kế những trò chơi đơn giản, biết dùng ngôn ngữ lập trình như một công cụ để giải quyết một số vấn đề trong học tập và cuộc sống, hình thành ý tưởng, lắp ghép robot... Con ham học hỏi, tìm tòi sáng tạo và có nhiều trải nghiệm thú vị cùng thầy cô và các bạn" - chị Tư bày tỏ.

VIDEO: Học sinh hào hứng với những giờ học lập trình

Hiện nay, nhiều trường học tại TP Hà Tĩnh đã tạo ra các câu lạc bộ cho trẻ từ 6 tuổi trở lên, học lập trình robot, game, điều khiển các thiết bị điện tử thông minh... Tại Trường Phổ thông liên cấp Albert Einstein Hà Tĩnh, mỗi tuần có ít nhất 2 câu lạc bộ tin học với khoảng 40 học sinh tham gia sinh hoạt.

Với nhóm học tin học ứng dụng, các bạn sẽ tập trung vào các nội dung: lập trình game, thiết kế đồ họa, phần mềm trình chiếu... Với nhóm học lập trình, các bạn sẽ thực hành các nội dung: lập trình game, lập trình giải toán trên máy tính bằng C++, lập trình robot giáo dục với mô hình xe tự hành sử dụng cảm biến siêu âm, cảm biến hồng ngoại... Nội dung lập trình robot được gọi là hoạt động giáo dục STEM tăng cường.

Cô Nguyễn Bích Ngọc - giáo viên Tin học, Trường Phổ thông liên cấp Albert Einstein Hà Tĩnh cho biết: "Lập trình là một cách để thể hiện suy nghĩ của bản thân, giống như kể chuyện hay tập vẽ, vì thế, luôn cho trẻ sự sinh động và sáng tạo. Kết thúc mỗi khóa học, trẻ sẽ có thể lập trình trò chơi, thiệp mời điện tử, sáng tạo câu chuyện về các nhân vật... Đây cũng chính là động lực để các con tiếp tục chinh phục công nghệ trong tương lai".

Phương pháp vừa học, vừa chơi, vừa thực hành trong các giờ học lập trình giúp tạo sự hứng thú cho học sinh.

Em Nguyễn Đức Nhật Minh (Lớp 6A1, Trường Phổ thông liên cấp Albert Einstein Hà Tĩnh) cho biết: "Những tiết học lập trình giúp em rèn luyện sự tập trung, cẩn thận, kiên trì và tư duy logic. Các tiết học không hề khô khan mà trái lại thu hút, lôi cuốn khi em được tiếp cận những khái niệm cơ bản về lập trình qua những khối lệnh kéo thả, thao tác dễ với những nhân vật trực quan ngộ nghĩnh".

Đón đầu xu hướng cho trẻ học lập trình sớm của các bậc phụ huynh, nhiều trung tâm đào tạo đã ra đời.

Anh Võ Văn Quyết - Giám đốc Trung tâm đào tạo công nghệ Tipy Stem Hà Tĩnh chia sẻ: "Nhiều trẻ em hiện được tiếp xúc ngôn ngữ lập trình từ sớm. Với các chương trình học đa dạng, phương pháp vừa học, vừa chơi, vừa thực hành giúp tạo sự hứng thú cho học sinh".

Việc cho trẻ tiếp xúc sớm với ngôn ngữ lập trình đã dần trở thành một xu hướng không chỉ riêng tại Hà Tĩnh mà còn ở nhiều địa phương trong cả nước và trên thế giới. Theo các chuyên gia, khi học lập trình sớm, trẻ sẽ được luyện cách tư duy logic, khám phá và sáng tạo ngay từ nhỏ. Học lập trình sớm cũng giúp rèn kỹ năng quan sát, tăng khả năng tư duy phân tích và giải quyết vấn đề.

Trẻ học lập trình có nhiều ưu điểm như giúp các em đón đầu xu hướng công nghệ, tìm thấy niềm đam mê sớm hơn, nhanh chóng định hình được con đường phát triển sau này. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng cần phải có biện pháp kiểm soát tốt bởi trẻ có thể tiếp xúc với các thông tin “xấu, độc” trên Internet.

Chủ đề Công nghệ 4.0 tại Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói