Báo động người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) ở Hà Tĩnh ngày càng gia tăng. Đây là căn bệnh không thể chữa trị và có nhiều biến chứng nguy hiểm. Đối với người hút thuốc lá, nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính rất cao.

Báo động người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở Hà Tĩnh

Kỹ thuật viên Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh đo chức năng hô hấp cho bệnh nhân

Tại Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh, bệnh nhân COPD đến điều trị ngày một tăng. Đáng quan tâm là nhiều bệnh nhân đang trong độ tuổi lao động và tình trạng bệnh đã tiến triển nặng.

Bệnh nhân Lê Đình Hợi (thôn Đồng Sơn, xã Mai Phụ, Lộc Hà) cho biết: “Tôi cảm thấy khó thở từ cách đây hơn 1 năm, lấy thuốc về uống thì đỡ nên lại đi làm chứ không vào viện kiểm tra. Cách đây một tuần thì khó thở nặng, đến trạm y tế thì họ cho chuyển lên đây”. Ông Hợi cũng cho biết, trước đây, ông hút nhiều thuốc nhưng sau đó thấy ho nặng nên đã bỏ.

Bệnh nhân Nguyễn Văn Duẩn (ở xã Thạch Xuân, Thạch Hà) mới 39 tuổi, nhưng cũng đã phải liên tục nhập viện do bệnh COPD. Từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ 9 anh vào viện điều trị nội trú.

Anh Duẩn chia sẻ: “Tôi lao động nặng nhọc, có một thời gian dài làm nghề đóng gạch, sau này chuyển sang chăn nuôi. Tôi mới phát hiện bệnh cách đây một năm, từ đó đến nay phải liên tục vào viện. Nhập viện điều trị ổn định, về nhà được 1 tuần hoặc lâu nhất 2 tuần là phải vào viện lại”.

Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh Nguyễn Đức Quảng cho biết: “Chiếm đến 70% bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện là nhóm bệnh không lây nhiễm như hen, viêm phế quản và COPD, trong đó COPD chiếm tỷ lệ đáng kể. Bệnh COPD liên quan chặt chẽ đến vấn đề hút thuốc lá, ô nhiễm môi trường, khói củi… Trong đó, cứ 10 người hút thuốc lá thì có 3-4 người bị COPD; người hút thuốc lá càng nhiều và thời gian hút càng dài thì khả năng tiến triển đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính càng cao”.

Báo động người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở Hà Tĩnh

Điều dưỡng viên Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh hướng dẫn bệnh nhân COPD sử dụng máy khí dung

Các triệu chứng COPD thường nặng lên vào mùa lạnh, thường có hơn hai đợt cấp trong năm, gọi là đợt cấp khi các triệu chứng xấu hơn đáng kể và đây là một trong những nguyên nhân nhập viện thường gặp nhất. Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính mắc thêm các bệnh đái tháo đường, tim mạch, cao huyết áp… thì điều trị khó khăn và tỷ lệ tử vong rất cao.

Bệnh COPD đứng thứ 3 nguyên nhân gây tử vong (sau tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim) và là 1 trong 10 căn bệnh không thể chữa. Nhưng, nếu phát hiện và điều trị thích hợp càng sớm thì sẽ giúp giảm diễn tiến nặng nề của bệnh, giảm nguy cơ tử vong và gánh nặng kinh tế - xã hội.

Tuy vậy, rất tiếc, hiện nay, việc phát hiện bệnh COPD rất khó khăn do người bệnh đến bệnh viện muộn, cứ nghĩ ho (dấu hiệu ban đầu) là phản ứng của cơ thể, nên con số bệnh nhân được chẩn đoán khác con số thực trong cộng đồng. Mặt khác, nhận thức, ý thức của người bệnh về bệnh rất thấp, bệnh nhân tuân thủ điều trị kém.

COPD là sự tắc nghẽn đường thở tiến triển ngày càng nặng dần, liên quan tới phản ứng viêm bất thường của đường thở và nhu mô phổi do các phần tử và khí độc hại. Bệnh không phải di truyền nhưng có thể lây lan nếu người bệnh bị viêm nhiễm. Bệnh nhân mắc COPD thường kèm suy nhược, suy giảm chức năng cơ xương, hội chứng chuyển hóa, trầm cảm và ung thư phổi. COPD là bệnh toàn thân tàn phá tim mạch, chuyển hóa, đái tháo đường, cơ xương khớp…

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast