Nỗ lực hoàn thành chiến dịch chăm sóc SKSS tại 114 xã khó khăn

(Baohatinh.vn) - Đợt tuyên truyền lớn cuối cùng của ngành dân số trong năm nay - hoàn thành chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) - KHHGĐ đợt 2 tại 114 xã khó khăn tại Hà Tĩnh đang bước vào giai đoạn cuối.

Nỗ lực hoàn thành chiến dịch chăm sóc SKSS tại 114 xã khó khăn

Từ công tác tuyên truyền vận động, việc thực hiện chiến dịch chăm sóc SKSS-KHHGĐ thu hút đông đảo chị em trong độ tuổi sinh đẻ tham gia.

Chị Hoàng Thị Thùy Dương - cán bộ Phòng Truyền thông Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Đợt 2 của chiến dịch được tập trung triển khai từ giữa tháng 8 và dự kiến kết thúc vào trung tuần tháng 11 tại những xã chưa hoàn thành kế hoạch. Với ngành dân số, đây không chỉ là niềm hy vọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2018 mà còn là nền tảng để thực hiện mục tiêu giảm sinh, nâng cao chất lượng dân số. Bởi thực tế, công tác dân số ở Hà Tĩnh đang đứng trước nhiều khó khăn. Số liệu thống kê từ đầu năm đến nay cho thấy, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh và số trẻ sinh ra trong năm nay đều tăng so với cùng kỳ năm trước”.

Đợt 2 chiến dịch chăm sóc SKSS - KHHGĐ đã được đội ngũ làm công tác dân số đặc biệt quan tâm, từ việc chọn thời điểm thích hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền… Nhiều đơn vị đã chủ động tìm những giải pháp hay, phù hợp với địa bàn. Tại Nghi Xuân, khó khăn trong thực hiện gói KHHGĐ đã được khắc phục, chị em được vận động thực hiện điều trị bằng phương pháp áp lạnh cổ tử cung.

Nỗ lực hoàn thành chiến dịch chăm sóc SKSS tại 114 xã khó khăn

Cùng với thực hiện chiến dịch, việc tăng cường tư vấn thực hiện các biện pháp tránh thai góp phần hoàn thành chỉ tiêu gói KHHGĐ.

Bà Trần Thị Thu Hương - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Nghi Xuân cho biết: “Chiến dịch đợt 2 được chúng tôi triển khai tại địa bàn 15/19 xã, thị trấn. Nhờ chủ động trong việc thực hiện giải pháp điều trị viêm nhiễm cho chị em và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nên kết quả khá thành công. Đến thời điểm hiện tại, một số chỉ tiêu khó trong gói KHHGĐ của huyện đạt khá như: Dụng cụ tử cung đạt 80,2% kế hoạch, tiêm thuốc tránh thai 125,5%, thuốc uống 170,4%, bao cao su đạt 131,6% kế hoạch năm”.

Tăng cường công tác chỉ đạo đội ngũ cán bộ dân số cơ sở bám sát địa bàn, đối tượng để tuyên truyền, vận động cũng là giải pháp thể hiện sự quyết tâm của Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Can Lộc.

Nỗ lực hoàn thành chiến dịch chăm sóc SKSS tại 114 xã khó khăn

Chị em phụ nữ được tư vấn kiến thức về SKSS/KHHGĐ. Ảnh P.T

Theo bà Trần Thị Bích - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ Can Lộc: “Trong đợt 2, chúng tôi tập trung ở 4 xã Tùng Lộc, Mỹ Lộc, Phú Lộc, Nga Lộc. Đây là những xã còn khó khăn trong lần thực hiện chiến dịch đầu tiên. Riêng Phú Lộc, đợt 1 đạt tỷ lệ thấp do việc tuyên truyền chị em thực hiện các biện pháp KHHGĐ chưa tốt. Chính vì thế, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, tại các xã có tỷ lệ phụ nữ đi làm ăn xa cao như Tùng Lộc, Mỹ Lộc, cán bộ cơ sở thường xuyên bám địa bàn, nắm rõ lịch đi về của chị em để gặp gỡ, vận động. Nhờ đó, chiến dịch đợt 2 ở những địa phương này đã được thực hiện rất tốt”.

Việc khắc phục khó khăn ở những vùng chiến dịch đạt tỷ lệ thấp trong đợt 1 đã góp phần nâng cao gói KHHGĐ ở Can Lộc lên đáng kể khi tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai lâm sàng đạt 80,75%, triệt sản 117,6%, đặt vòng 78,4%, tiêm 121,7%, cấy 81,8%...

Tại huyện Đức Thọ, nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trong điều kiện nguồn kinh phí hạn hẹp cũng đã được Trung tâm DS-KHHGĐ huyện từng bước khắc phục, kêu gọi nguồn lực đầu tư. Đợt 2 này, Đức Thọ tiếp tục triển khai có hiệu quả ở 7 xã còn khó khăn, góp phần nâng tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai lâm sàng lên 94%, triệt sản 138%, đặt vòng 98%, tiêm 111% kế hoạch năm.

Hà Tĩnh vẫn là một trong những tỉnh có tỷ lệ sinh, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh nằm trong tốp cao của cả nước, vì thế, những nỗ lực của ngành dân số Hà Tĩnh trong đợt chiến dịch cuối cùng này sẽ tạo cơ sở để xây dựng kế hoạch trong năm 2019 sắp tới.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast